Viettel có phạm "luật chơi"?

23/09/2005 10:05 GMT+7

Sự kiện Viettel Mobile mở đợt khuyến mãi lớn chưa từng thấy khiến dư luận và một số doanh nghiệp cạnh tranh cho rằng Viettel đã vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, vi phạm quy định chống bán phá giá... Ngày 22.9, trả lời phỏng vấn của báo chí, các chuyên gia có ý kiến khác nhau về việc này.

Gần như cho không

Nội dung khuyến mãi của Viettel là: Miễn 100% phí hoà mạng trả sau (cước là 179.000 đồng), nhân đôi tài khoản trả trước (mua thẻ 100.000, được cộng thêm 100.000 thành 200.000 trong tài khoản) và mỗi ngày miễn phí cuộc gọi nội mạng đầu tiên cho khách hàng mà không bị giới hạn thời gian gọi. Theo ước tính, trong thời gian khuyến mãi, từ 20.9 đến 3.11, Viettel sẽ miễn phí tổng cộng khoảng 50 triệu cuộc gọi nội mạng. Qua đó, Viettel Mobile dự định thu hút khoảng trên 300.000 khách hàng hoà mạng mới trong thời gian 45 ngày khuyến mãi này.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ TM) Đỗ Thắng Hải, nếu xét theo Luật Thương mại hiện hành (không phải luật sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2006) thì chỉ cần một sản phẩm khuyến mãi trị giá trên 30% giá bán đã là vi phạm. Ngay cả Luật Thương mại sửa đổi cũng chỉ cho phép bán 1 tặng 1 (tức khuyến mãi 50% giá trị). Viettel khuyến mãi gần như là cho không thì đương nhiên vi phạm Luật Thương mại.

Trong khi đó, ông Trần Anh Sơn - Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ TM) - cũng cho rằng, việc tặng 100% cước hòa mạng là hình thức khuyến mãi theo điểm B, Điều 181 của Luật Thương mại. Luật Cạnh tranh cũng không cấm khuyến mãi dưới hình thức này. Tuy nhiên, trước thắc mắc liệu đây có phải là động thái khuyến mãi giật gân, câu khách, nhằm thu hút khách hàng từ phía đối thủ, và sâu xa hơn là một hình thức bán phá giá, ông Sơn cho biết: "Nếu nói cạnh tranh không lành mạnh về giá thì chỉ áp dụng cho những DN có thị phần chi phối trên 30%, trong khi Viettel chỉ đang chiếm trên 10%". Ông Sơn cũng khẳng định, Viettel không bán phá giá, cũng như không vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ngay trong một bộ cũng đã có những ý kiến khác nhau. Còn Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng thì cho rằng, mới nghe thì con số mà Viettel đưa ra có vẻ to tát, nhưng nếu tính toán kỹ thì số cuộc gọi được miễn cũng không nhiều. Theo ông, Bộ BCVT chỉ quản lý giá cước và chất lượng dịch vụ, còn việc giám sát các chương trình khuyến mãi lại thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại. Nếu chương trình mà Viettel đưa ra đúng luật thì họ được phép, còn nếu sai chắc chắn sẽ bị "thổi còi".

Gây thất thu thuế?

Xung quanh việc khuyến mãi của Viettel, ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Thông tin VNPT - cho biết:

Về cách tính cước cuộc gọi hiện nay (theo block 60+6, 30+6 hay 6+6) chúng tôi không có ý kiến gì, vì thực ra đó cũng chỉ là nghệ thuật kinh doanh, là cách nói của mỗi DN. Nhưng còn về việc giảm giá cước, với tư cách một đối thủ cạnh tranh của Viettel, chúng tôi thấy có một số băn khoăn. Hiện các DN thuộc VNPT là DN chi phối thị trường nên chỉ được giảm cước theo lộ trình và theo quy định của Chính phủ, còn các DN mới thì được giảm theo ý họ. Vì vậy, việc Viettel đưa ra các chiêu khuyến mãi kiểu như "giảm 100% cước hoà mạng ban đầu, tặng không mỗi ngày 1 cuộc gọi đầu tiên...", nếu không được tính toán, quản lý chặt, chúng tôi lo ngại rằng có thể có biểu hiện của sự vi phạm Luật Cạnh tranh, hoặc phá giá.

Hơn nữa, Viettel làm như vậy liệu có gây thất thu thuế cho Nhà nước không? Nếu 1 triệu thuê bao của Viettel mỗi ngày mỗi người được miễn phí 1 cuộc gọi, Viettel không thu được tiền đã đành, nhưng Nhà nước thất thu bao nhiêu? Các cơ quan tài chính, thuế vụ có chấp nhận như vậy không? Chúng tôi đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông phải làm rõ, phải kiểm soát sao cho cuộc chơi được công bằng. Cần hết sức tránh để xảy ra "cuộc chiến" giá cước, gây thiệt hại cho Nhà nước, người tiêu dùng và có thể cả cho DN nữa.

Ở góc độ khác, theo phản ánh của nhiều khách hàng, kể từ khi Viettel đạt đến 1 triệu thuê bao, chất lượng dịch vụ của mạng này đã sút giảm, thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạch, rớt cuộc gọi... Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đua về giá cước viễn thông là lợi bất cập hại. Bởi nếu các doanh nghiệp cứ mải mê với việc giảm giá cước mà quên đi chất lượng dịch vụ thì đó là cách phát triển không bền vững.

(Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.