Hát nhép: Cấm không được đành... bó tay ?

02/10/2007 21:24 GMT+7

Lâu nay, có vẻ như chúng ta đã quen với "quy luật" (thường là ở làng văn nghệ): khi không quản lý được vấn nạn nào thì ban hành lệnh cấm cho đỡ phiền phức. Vụ cấm sinh viên làm thêm ở quán bar, karaoke, vũ trường vừa qua là một ví dụ. Nhưng, đến lúc cấm mà vẫn không khắc phục được, như tình trạng hát nhép hiện nay, thì các cơ quan chức năng sẽ phải làm gì, hay đành bó tay?

Thời ca sĩ tập hát... nhép

Nghe có vẻ lạ tai quá, nhưng đúng là như vậy! Khi hầu hết các chương trình ca nhạc giờ đây gần như được truyền hình trực tiếp, để đảm bảo chất lượng âm thanh khi truyền đi các đài ở địa phương khác, nhà đài (chịu trách nhiệm chính) thường cho phép ca sĩ hát với đĩa thu sẵn, dĩ nhiên có cả nhạc lẫn lời. Ngôi sao nào không chấp nhận việc làm phi nghệ thuật này thì cứ hát thật (người xem - nghe sẽ phát hiện ngay độ chênh về âm thanh); ca sĩ nào dễ dãi với bản thân thì cứ việc nhép môi, thậm chí nhiều người cho biết họ được yêu cầu "phải hát nhép". Thành ra, nếu trước đây, giọng ca nào đã được tập luyện kỹ càng, đủ độ chín và sự vững vàng khi biểu diễn, mới dám bước ra sân khấu thì hiện nay, khi ca sĩ đã hát chuyên nghiệp rồi lại phải tập tành cầm micrô để nhép miệng, và tập sao cho chuyên nghiệp!

Thật buồn cười khi nghe một ca sĩ thổ lộ: "Hát ở các chương trình như Quà tặng trái tim hay Giai điệu tình yêu, phần lớn ca sĩ đều nhép, mà thật ra không cần nói chắc nhiều khán giả để ý cũng sẽ biết. Bởi vậy, lúc đầu chưa quen, cầm micrô phải che sao cho đừng bị phát hiện, mà thật là khó, vì hát thì phải phiêu, phiêu quá đôi lúc quên là đang nhép, nên mấy lần bị sai. Nhưng tập riết rồi cũng quen. Đúng là nói ra, thấy thẹn với lương tâm quá, nhưng ai cũng lip mà mình hát thật thì... phí, nên... đành chịu". Một ca sĩ khác lại chia sẻ: "Thật ra không phải nhà đài lúc nào cũng yêu cầu ca sĩ lipsync để đảm bảo chất lượng chương trình khi phát sóng, nhưng nếu điều kiện không đủ - chẳng hạn chương trình tổ chức ngoài trời mà truyền hình trực tiếp thì đúng là phải lip thôi. Vì, nếu hát live, âm thanh bị loãng, khán giả xem trực tiếp không nói, người coi ti vi ở nhà chắc khó chịu lắm... Trừ những người lạm dụng nạn hát nhép - họ "diễn" quá siêu, không bàn tới, còn tôi thấy mình không có "khiếu" đó, một vài lần được yêu cầu hát rồi, cảm giác như gương mặt lúc đó của mình thật đần và đơ ra".

"Trong tuần này, chúng tôi sẽ tham mưu văn bản cho Sở, làm thế nào để chấn chỉnh nạn hát nhép tràn lan hiện nay. Để thực hiện được, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức biểu diễn, đòi hỏi nhiều yếu tố - mà quan trọng nhất vẫn là ý thức đạo đức nghề nghiệp của ca sĩ. Sau khi có văn bản, chúng tôi sẽ làm mạnh chuyện này, có thể bằng hình thức kiểm tra đột xuất" - Ông Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật Sở VHTT TP.HCM.

“Điều tôi bức xúc nhất chỉ là, vì sao chính những người hô hào cấm hát nhép, không chấp nhận hát nhép lại yêu cầu ca sĩ hát nhép! Hình như trở thành một thông lệ, hễ chương trình có truyền hình trực tiếp thì y như rằng có đĩa thu sẵn! Tôi dám chắc rằng có đến 80, 90% ca sĩ tham gia chương trình ca nhạc có truyền hình trực tiếp lipsync (có chương trình lip 100%). Mỗi ca sĩ nên tự ý thức về nghề của mình, về đẳng cấp của mình, nếu anh không tôn trọng khán giả, thì anh sẽ bị tẩy chay thôi. Còn nếu đã cấm và cương quyết thực hiện, thì Nhà nước, truyền hình phải là người làm gương!" - Đạo diễn Đinh Anh Dũng

Đúng là đâu phải ai cũng thích kiểu hát giả mà nhận tiền thật, ra sân khấu diễn... giả rồi cười chào đi vô nhận cát-sê; nhưng "gặp thời thế" nên... phải thế thôi.

Cấm nhưng không tuyệt đối, ai phục?

Đã ban hành lệnh cấm, có văn bản hẳn hoi, nhưng lại có trường hợp "du di" (ban tổ chức, nhà đài, thậm chí cả cơ quan quản lý văn hóa), đại loại như ca sĩ xin hát lip 1, 2 bài (cần vũ đạo nhiều) trong một show riêng để đảm bảo chất lượng nghệ thuật (cho việc ghi lại chương trình, làm đĩa), người tổ chức xin cho ca sĩ được lipsync (thường là những chương trình truyền hình trực tiếp mà ca nhạc chỉ là phần phụ)... Đành rằng, những lý do nêu ra đôi khi thuyết phục, và chính đáng, nhưng lẽ ra khi đã thành luật rồi thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, bởi nếu đã cho phép trường hợp này thì ắt sẽ có những hoàn cảnh khác.

Về những chương trình ca nhạc được phát trên Đài truyền hình TP.HCM gần đây bị khán giả phản ánh hát lip quá nhiều, nhạc sĩ Nguyễn Nam - Trưởng phòng Ca nhạc của đài cho biết: "Với những chương trình thu tại studio của đài, cũng không riêng gì HTV, buộc ca sĩ lip để ghi hình. Những chương trình do Đài tổ chức ở sân khấu lớn, nếu ca sĩ không tập kịp bài mới (hát theo yêu cầu Ban tổ chức nhằm phù hợp tính chất đêm diễn) hoặc những bài quá phức tạp về kỹ thuật thanh nhạc, về vũ đạo, chúng tôi cho phép họ thu lời trước. Nhưng, chúng tôi vẫn luôn khuyến khích ca sĩ hát trực tiếp. Đài có bộ phận biên tập và kiểm soát tình trạng hát nhép, nếu có vấn đề không ổn, họ sẽ can thiệp ngay.

Dẫu sao, chương trình được phát trên truyền hình tương đối dễ dãi hơn chương trình bán vé, show lớn". Quả thật, đã cấm đó còn chưa chắc chấp hành triệt để, huống hồ chỉ khuyến khích, thì khó mà chấm dứt vấn nạn này. Trao đổi với ông Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật - Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM, ông cho biết: "Trong tất cả các buổi phúc khảo, nếu phát hiện ca sĩ nào nhép, chúng tôi đề nghị cắt tiết mục đó ngay. Vấn đề là khi chương trình diễn ra, mọi sự lại khác. Mà lực lượng quản lý, kiểm tra của mình cũng mỏng, nên đâu thể rà soát bất cứ lúc nào”.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.