Tác giả Vương Huyền Cơ: Tôi nghe lời tỏ tình giữa phòng họp

07/11/2010 10:58 GMT+7

Ở tuổi mộng mơ, tôi luôn hình dung mẫu người lý tưởng của mình là một thanh niên đầy nam tính, cao to, có gương mặt sáng...

Một lần ba chấm tử vi cho tôi và bảo không nên lấy chồng sớm, sẽ khổ. Nghe vậy tôi cười phì. 20 tuổi, tôi không hề nghĩ đến chuyện yêu đương.

Hẹn hò bên bàn... khoai lang nướng!

Vài tháng sau, cô bạn gái ở Trường Giáo dục lao động Sông Bé rủ rê: "Xuống đây công tác với mình không?". Tôi cho rằng người trẻ thì phải sống với lý tưởng cao đẹp nên bỏ ngang Trường Nghiệp vụ thể dục thể thao để cùng bạn... cải tạo phạm nhân ở đó.

Ngôi trường ngày ấy nằm trong khung cảnh lãng mạn, cây cối bao quanh. Lần đầu đặt chân đến tôi đã thích mê. Tôi được phân công phụ trách văn thể mỹ, là đội phó đội nữ. Các anh chị ở đó đều rất trẻ. Người để ý tôi hiện diện nổi bật so với những chàng trai thường hay theo đuổi, chọc ghẹo tôi. Giống như chàng trai bước ra từ giấc mơ, anh cao to, râu quai nón nam tính. Nhưng anh rất ít nói. Một lần vừa họp xong, giữa bao người bất ngờ anh nói to: "Tôi yêu Cơ đó nghen". Các chàng trai vây quanh tôi... dạt ra, nhường chỗ cho anh y sĩ cao to đó.

Chúng tôi bắt đầu viết câu chuyện tình giản đơn của mình. Những buổi hẹn hò chúng tôi bắc bàn ra sân cùng nhau ăn khoai lang nướng. Hôm nào lãng mạn hơn, chúng tôi vào rừng tìm hái lan. Gần một năm sau chúng tôi tổ chức lễ cưới. Anh vừa là người yêu đầu đời, vừa là chồng. Hạnh phúc đong đầy khi chúng tôi dành cho nhau những tình cảm vẹn nguyên, trong sáng.

Chồng không biết tặng hoa hồng

LTS: Nhằm phản ánh đa dạng mọi mặt của cuộc sống giới trẻ, từ số báo này trang 360 độ yêu sẽ chuyển về trang Nhịp sống trẻ, với những chuyên mục mới như “Một thuở yêu” - những kỷ niệm đẹp về một thời lãng mạn của những người nổi tiếng, góc ảnh “Khoảnh khắc yêu”... Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và cộng tác của bạn đọc dành cho trang.

Như nhiều đôi vợ chồng khác, chúng tôi cùng nhau "dịch thơ thành văn xuôi". Cuộc sống hôn nhân khác nhiều thuở yêu nhau. Chén đũa trong chạn còn khua. Cuộc sống áp lực hơn khi trở về TP.HCM, tôi không thể xin được việc làm. Căn nhà nhỏ ở đường Bà Hom chật hơn khi đứa con chào đời. Anh đưa vai gánh hết cơm áo gạo tiền mà không một lời thở than. Sau đó tôi xin làm phục vụ bàn. Tiền lương không nhiều nhưng cộng với tiền tip thì khá hẳn. Loay hoay mãi chúng tôi không đủ tiền gửi con nhà trẻ. Anh lại lặng lẽ lui về chăm sóc con cái, cơm nước. Giữa cuộc tranh giành miếng ăn với người đời, tôi luôn tự nhủ với lòng phải sống đẹp để không thẹn khi về nhà gặp anh, gặp con.

Nhà có nhiều sách, tôi thường lôi hết cuốn này đến cuốn khác ra đọc những lúc rảnh rỗi. Càng đọc tôi càng thích thể loại kịch nói. Năm 1997, tôi viết tác phẩm đầu tay dự thi viết kịch bản ở Ðài truyền hình TP.HCM. Ðoạt giải, tôi cảm thấy đây là con đường của mình. Từ đó, nhiều tác phẩm của tôi nối tiếp nhau ra mắt khán giả. Cuộc sống dễ chịu hơn khi chúng tôi có đủ tiền trang trải các sinh hoạt gia đình. Bù lại khi ngồi vào bàn viết, tôi chỉ nhìn thấy ngòi bút của mình. Anh bắt đầu đi làm lại nhưng vẫn bao thầu trọn gói việc dạy con, nội trợ.

Sống với nhau hơn 20 năm, anh không tặng hoa hồng, chẳng nói với tôi những lời có cánh, thiếu hẳn cử chỉ lãng mạn. Anh vẫn như ngày đầu tôi quen: ít nói, hiền lành và luôn biết yêu vợ, yêu con bằng những hành động cụ thể. Nhiều lúc trước khi ngồi vào bàn viết, tôi bâng quơ nói thèm ăn một món gì đó. Anh, bằng mọi cách, tìm và nấu món đó thật ngon cho tôi. Càng ngày tôi càng tiếp xúc với nhiều người tài giỏi, khéo léo nhưng vẫn trân quý mái ấm mình đang có. Tôi không ảo tưởng về bản thân. Tôi biết ơn sự hi sinh của anh - định mệnh của tôi. Nếu anh không bước lùi, làm hậu phương vững chắc cho tôi trong những giai đoạn khó khăn, có lẽ tôi khó lòng đến với niềm đam mê sân khấu.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.