Bữa cơm thời... bão giá

18/11/2010 10:20 GMT+7

(TNTS) Cơn "bão giá" theo sau "bão vàng, đô la" trong những ngày qua đã khiến cuộc sống sinh hoạt cùng bữa cơm gia đình của người dân thiếu cả về "lượng" lẫn "chất".

Ở nhiều công sở tại TP.HCM lẫn Hà Nội thời gian gần đây, sau câu chuyện của giá vàng, giá đô la tăng "điên khùng" là những tiếng thở dài, những câu chuyện bất tận về sự tăng giá ào ào của nhiều mặt hàng tiêu dùng. Cái gì giá cũng tăng, từ những thứ vụn vặt như gói tăm, xà phòng đến thực phẩm như dầu ăn, nước mắm, gạo, đường, bột ngọt...; đặc biệt là giá thức ăn hằng ngày như rau, củ, quả, thịt, cá…

Sự tăng giá này đã khiến bài toán chi tiêu cho mỗi bữa ăn trở nên khó giải hơn bao giờ. Kết quả: "cắt lượng, giảm chất" là phương pháp đang được nhiều người áp dụng nhất.

20.000 đồng 1 kg rau muống

Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong quý 3 năm 2010, cả nước đã xảy ra 48 vụ ngộ độc thực phẩm làm 12 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2009, số vụ ngộ độc tăng lên 9 vụ và số người tử vong tăng 10 trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu do vi sinh (chiếm 20,8%), độc tố tự nhiên (33,3%), hóa chất (6,3%) và không xác định được nguyên nhân (chiếm 39,6%).

Đầu tiên là các suất ăn công nghiệp, bà Võ Thị Liên Hồng, Giám đốc Công ty Kiên Cường (TP.HCM) trăn trở: "Chưa bao giờ tôi thấy giá rau củ tăng kỷ lục như hiện nay. Xà lách xoong giá 50.000 đ/kg, xà lách 35.000 đ/kg, bông cải giá 35.000 đ/kg, đậu que 25.000 đ/kg, rau muống 20.000 đ/kg. Giá đường cũng tăng ngất ngưởng, đứng mức 24.000 đ/kg, trứng lên 24.000 đ/chục; thịt heo, thịt bò tăng thêm hơn 10.000 đ/kg…  khiến tôi không thể cầm cự ở mức 12.000 đ/suất nữa. Sau khi cắt giảm lợi nhuận tối đa và đàm phán với đối tác (là các doanh nghiệp đặt suất ăn cho công nhân - PV), tôi quyết định tăng lên 13.000 đ - 14.000 đ/suất. Tuy vậy, bữa ăn cũng không thể đạt chất lượng bằng thời điểm cách đây 3 tháng, lượng thịt, cá, rau, củ phải giảm đi chút ít. Chẳng hạn, nếu như trước đây tôi mua cá trê loại 1 kg có 5 con về chia thành 5 suất ăn thì giờ tôi mua loại 1 kg có 6 con và chia thành 6 suất ăn. Muốn suất ăn đạt chất lượng như trước thì giá mỗi suất phải tăng lên 15.000 đ…".

Chưa bao giờ tôi thấy giá rau củ tăng kỷ lục như hiện nay. Xà lách xoong giá 50.000 đ/kg, xà lách 35.000 đ/kg, bông cải giá 35.000 đ/kg, đậu que 25.000 đ/kg, rau muống 20.000 đ/kg. 

Võ Thị Liên Hồng, Giám đốc Công ty Kiên Cường (TP.HCM)

Bữa ăn của giới công nhân viên chức cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Chị Bùi Thu Thủy, nhân viên kế toán của công ty thiết kế đồ nội thất tại phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho biết, những ngày qua, mọi người trong cơ quan chị đã chuyển từ "cơm văn phòng" sang "cơm vỉa hè" để không bị thâm hụt hầu bao. Bà chủ quán cơm văn phòng gần cơ quan đã nâng giá cơm từ 25.000 - 30.000 đ/phần thành 35.000 - 40.000 đ/phần, cơm thêm cũng tính đến 10.000 đ/phần. Cơm vỉa hè cũng không được như xưa, một đĩa cơm sườn có 5 miếng giờ giảm còn 4 và rất ít rau củ. 

Nguy cơ ngộ độc từ "bí kíp vượt bão"

Nhiều bà nội trợ tại TP.HCM lẫn Hà Nội hiện cũng đang truyền nhau "bí kíp" vượt "bão giá" để phần nào bớt sự khó khăn. Đó là đi chợ thật sớm hoặc mua hàng ở… chợ tự phát. Chị Nguyễn Hồng Hải, nhà tại khu Khương Đình (Q.Thanh Xuân) giải thích: "Vì hàng ở chợ tự phát là do những người dân từ các vùng lân cận mang lên trực tiếp bán, không qua trung gian nên giá rẻ hơn. Họ thường bán ở phía ngoài chợ chính hoặc những chỗ góc khuất, phía cuối chợ". "Chị không sợ thịt cá có ướp hàn the, rau, củ không an toàn vệ sinh thực phẩm sao?" - chúng tôi thắc mắc. "Cũng có nghĩ tới. Nhưng thu nhập của vợ chồng tôi có giới hạn nên phải khéo thì mới đủ sống", chị Hải chia sẻ.

Nhiều công ty cung cấp suất ăn công nghiệp cũng đã có "đối sách" riêng để tồn tại. Nếu như trước đây dùng thịt heo tươi thì nay chuyển qua dùng thịt heo đông lạnh; hay chuyển từ thịt gà tươi sang nấu thịt gà đông lạnh giá rẻ hơn, khoảng 27.000 đ/kg… Còn gạo, thay vì trước đây dùng gạo tốt thì nay chuyển qua gạo trung bình; gia vị, hành, tiêu, tỏi cũng ít lại.

Thậm chí, một tiểu thương kinh doanh thịt heo lâu năm tại TP.HCM đã tiết lộ nguyên nhân mà anh vừa bị mất hai mối hàng nghe muốn rụng rời: "Vì họ muốn dùng thịt heo chết, heo bán ế nấu thức ăn cho rẻ nhưng tôi không cung cấp".

Ngẩn ngơ như vừa bị móc túi…

Bữa cơm trong gia đình cũng hẩm hiu hơn trước nhiều. Trên một diễn đàn dành cho "chị em", một chị có nick "mẹ ủn" tâm sự: "Bữa cơm hôm nay con trai hỏi sao mẹ không mua thịt bò, con gái hỏi mẹ quên xúc xích rán của con rồi. Tôi đành cười trừ, đáp lại là vì mẹ đi làm về muộn.

Nhưng thực tình, mấy ngày đi chợ vừa rồi giá cả tăng lên chóng mặt, cứ cân, đo, đong, đếm, lấy rồi lại trả, để không bị thủng hầu bao tôi đành cắt mấy thứ mà bọn nhỏ thích. Cái gì giảm được là cắt hết, những sự lựa chọn tốt cũng giảm bớt, ví dụ như thịt, giờ toàn mua cả mỡ chứ không mua nạc riêng, rau cũng phải lượn tới 5-6 hàng, mặc cả hết lời; trái cây là coi như "nói không" luôn. Đi chợ về tính toán một lúc người cứ ngẩn ngơ như vừa bị móc túi. Tiền cơm gia đình hiện đã tăng gấp đôi thời điểm cách đây 3 tháng...".

Dù TP.HCM hiện có gần 2.000 điểm bán hàng bình ổn giá, Hà Nội có gần 400 điểm nhưng còn rất nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được. Nguyên nhân là do việc treo băng-rôn "Điểm bán hàng bình ổn giá" chưa được thực hiện nghiêm túc nên người dân không biết để đến mua. Ngoài ra, số lượng điểm bán hàng bình ổn giá vẫn còn quá ít, chưa thể giúp người dân vượt qua khó khăn.

Cẩm Nhi - Hồng Minh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.