Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII: Xây dựng luật cần bám sát thực tế của công tác cứu trợ nhân đạo

09/11/2007 16:58 GMT+7

Ngày 9.11, Quốc hội làm việc tại tổ, tiếp tục thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của các dự án Luật: Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật năng lượng nguyên tử; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Xây dựng Bộ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Góp ý vào nội dung dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sau khi được ban hành sẽ thay thế Luật cũ, do đó cần tổng kết quá trình thực hiện Luật cũ, để xác định được các nguyên nhân cần thiết dẫn đến phải sửa đổi luật này.

Lựa chọn giữa hai phương án về hình thức văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong điều 3 dự thảo Luật, trong đó phương án 1 đề nghị bỏ hình thức “nghị quyết“ là văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, hiện nay bên cạnh Hiến pháp, luật, hình thức ra nghị quyết của Quốc hội vẫn đang được sử dụng khá phổ biến. Nếu không coi nghị quyết của Quốc hội là một trong những hình thức văn bản quy phạm pháp luật sẽ rất khó vì nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm pháp luật rất cao. Hình thức này không chỉ sử dụng cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước đây mà còn được sử dụng để quyết định nhiệm vụ kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nhiều vấn đề quan trọng khác. Ở các nước khác không gọi là Nghị quyết về Ngân sách mà gọi là “Luật thông qua ngân sách”.

Đại biểu Trần Hoàng Thám, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến, việc xây dựng luật xuất phát từ nhu cầu, sự đòi hỏi của cuộc sống và cần lấy được ý kiến của cử tri trong quá trình xây dựng. Việc lấy được ý kiến của cử tri vào nội dung dự án luật sẽ góp phần làm cho luật dễ đi vào cuộc sống hơn.

Cùng vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Lập cho rằng việc lấy ý kiến của đông đảo cử tri trong quá trình xây dựng các luật là việc làm rất khó, tuy nhiên, cần hết sức quan tâm đến quy trình xây dựng luật. Đại biểu Huỳnh Thành Lập đề nghị Ban soạn thảo đưa các nội dung của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004 vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để có một Bộ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh.

Luật hoạt động chữ thập đỏ vẫn mang tính chất luật khung

Đại biểu Nguyễn Văn Chiền (Hà Giang) đã khẳng định như vậy khi phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Luật hoạt động chữ thập đỏ. Đại biểu Nguyễn Văn Chiền cho rằng các quy định trong Luật còn quá chung chung, chủ yếu là khái niệm và liệt kê các công việc. Luật vẫn mang tính chất là luật khung, chưa nêu được việc tổ chức thực hiện như thế nào; quy định về nguồn lực chưa đầy đủ; chưa nêu rõ các hình thức huy động tránh bị lợi dụng để phục vụ cho mục đích rửa tiền cũng như những loại tài sản nào không được Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận... Đại biểu Nguyễn Văn Chiền đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để làm rõ thêm các quy định trong dự thảo.

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) cho rằng điều 2 của dự thảo Luật đã quy định rất rõ nguyên tắc tự nguyện, không vụ lợi của hoạt động chữ thập đỏ, nhưng trong quy định tại các điều khác của dự thảo Luật, nguyên tắc tự nguyện đã không còn được tôn trọng nữa. Điển hình là ở điều 4 lại quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động chữ thập đỏ, khuyến khích và tao điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tiến hành hoạt động chữ thập đỏ. Ngoài ra, điều 19 của dự thảo Luật về các hoạt động khác do Chính phủ giao không phù hợp với nguyên tắc tự nguyện mà mục tiêu của hoạt động chữ thập đỏ đã đề ra, do đó không nên quy định điều này trong Luật. Đại biểu Trịnh Thị Nga cũng cho rằng không nên ràng buộc quá nhiều trách nhiệm của Nhà nước trong Luật này.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung thêm 1 điều quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trong dự thảo Luật. Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung như cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chữ thập đỏ, quỹ nhân đạo, Chủ tịch danh dự, tên gọi của luật...

Từ ngày 12 - 15.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật trên.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.