Có nhất thiết phải trị mụn bằng laser?

03/11/2007 21:11 GMT+7

Với mong muốn điều trị mụn nhanh chóng, nhiều người đã tìm đến phương pháp laser. Liệu có cần thiết phải như thế?

Chớ nặn lung tung

Anh Đ.V.C (36 tuổi, ngụ tại TP.HCM), bị mụn trứng cá đỏ từ nhiều năm nay. Biểu hiện rõ nhất là lỗ mũi anh đỏ bóng như quả cà chua. Ngay từ khi bắt đầu bị mụn, anh đã theo chỉ dẫn của bạn bè tìm đến một số cơ sở không chuyên để nặn mụn. Do nặn mụn không đúng cách nhiều lần, mũi anh bị sưng to, đồng thời để lại di chứng là những vết sẹo lồi lõm lên xuống. Những di chứng này tồn tại và không thay đổi theo thời gian.
Theo các bác sĩ, điều quan trọng trong điều trị mụn là ngăn ngừa tình trạng tái phát. Theo đó, bệnh nhân cần kiêng dùng các thức ăn, đồ uống ngọt và các thức ăn nêm nếm quá mặn... vì những loại thức ăn, đồ uống này có thể kích thích da tăng tiết nhờn gây nên mụn. Đồng thời, bệnh nhân không nên tự nặn mụn ở nhà hay tự chữa trị không đúng cách vì sẽ để lại hậu quả xấu trên mặt, khiến da mặt bị rỗ, bị sẹo...

Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - giảng viên bộ môn Da liễu, trường Đại học Y dược TP.HCM: "Mụn trứng cá là một bệnh da khá phổ biến, đặc biệt ở người trẻ vào tuổi dậy thì (90% số người bị là thanh thiếu niên). Đây là giai đoạn cơ thể đang phát triển, nội tiết tố cơ thể luôn biến đổi dưới tác động của hormone giới tính nên chất dầu tiết ra nhiều hơn. Mụn thường nổi ở vùng mặt, vùng da dưới hàm do nơi này tập trung nhiều tuyến bã. Mụn gây ảnh hưởng khó chịu cho nhiều người, thường có nhiều biểu hiện như mụn đầu đen hay đầu trắng; mụn mủ và những nốt cục dưới da. Đó là do tác động "gộp" của ba yếu tố: tăng tiết bã từ các tuyến bã nhờn; hoạt động của vi trùng Propioni bacterium acnes gián tiếp tác động lên tiến trình viêm; hiện tượng tạo chất sừng quanh lòng phễu nang lông (cồi). Ngoài ra, các yếu tố khác cũng góp phần gây nên mụn như: khí hậu, mỹ phẩm, chế độ ăn uống, sinh hoạt và một số loại thuốc trị bệnh...".

Lưu ý khi dùng laser

Trường hợp của anh Đ.V.C nói trên, bác sĩ có thể phối hợp dùng phương pháp laser để điều trị, nhằm giúp hủy tuyến bã nhờn tránh tình trạng tăng tiết bã nhờn, ứ bã nhờn hay viêm dẫn đến nổi mụn... Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp bị mụn khác không nhất thiết phải dùng đến laser để chữa trị. Trong gần 100 trường hợp đến khám mụn mỗi ngày tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, rất ít trường hợp được chỉ định điều trị bằng laser. 

Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, laser ít khi được các bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định trong điều trị mụn, ngoại trừ số ít trường hợp cần thiết, bởi chi phí quá cao. Bên cạnh đó, hiệu quả điều trị mụn bằng laser không kéo dài, bởi  khi laser hủy các tuyến bã nhờn đang hoạt động, không chắc là có thể tiêu diệt các tuyến bã nhờn khác hay đơn vị nang lông khác. Do đó, để "thanh toán" hết mụn, không thể nào chỉ chiếu laser một hoặc hai lần. Cũng cần hiểu rằng, không phải chiếu laser vào thì hết mụn. Đối với các mụn đã nổi và có mủ trên mặt, bên cạnh chiếu laser, vẫn cần phải điều trị hỗ trợ bằng nội khoa hay các phương pháp khác... Điều trị bằng laser, mụn có thể bớt, nhưng bệnh nhân có thể sẽ bị tăng sắc tố dẫn đến nám da sau đó; hoặc có trường hợp viêm da dị ứng, bệnh nhân bị viêm đỏ vùng da mặt.  

Ngoài ra, laser cũng có những chống chỉ định, đặc biệt là với bệnh nhân tăng sắc tố sau viêm, những bệnh nhân có da nhạy cảm, bệnh nhân có viêm da do tia laser, bệnh nhân bị viêm da dị ứng...

L.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.