Hãy hành động ngay!

14/11/2010 00:29 GMT+7

Thông tin về tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) đang diễn biến phức tạp ở Lâm Đồng, khiến dư luận càng thêm lo lắng. Chỉ vì mâu thuẫn, xích mích đơn giản mà nhiều học sinh đã dùng vũ lực dẫn đến hậu quả là có không ít em bị thương, thậm chí thiệt mạng.

Trước đó Báo Thanh Niên đã có loạt bài phân tích bạo lực trong giới trẻ nói chung và bạo lực trong học đường nói riêng đang ở mức báo động. Thông điệp này cũng vừa được ban tổ chức chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, đưa ra thảo luận lại vào cuối tháng 10.2010. Các nhà giáo dục, tâm lý học và các bậc phụ huynh tham gia chương trình, cùng cho rằng, BLHĐ đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng nguy hiểm và đây cũng là nỗi lo chung của các trường và toàn xã hội.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cảnh báo vấn đề quan ngại hiện nay là tình trạng học sinh đánh nhau có sử dụng hung khí, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng; tụ tập kết bè phái với đối tượng xấu, băng nhóm bên ngoài trường để “xử” nhau; đánh tập thể, rủ nhiều người đánh hội đồng một vài học sinh khác chỉ vì một xích mích nhỏ. “Điều nhức nhối hơn cả là sự vô cảm, thờ ơ của chính các em học sinh hoặc người lớn chứng kiến những cảnh bạo lực đó mà không can thiệp kịp thời”, ông Sơn tâm tư.

Theo vị lãnh đạo ngành giáo dục TP, thì việc kết hợp giữa 3 môi trường là rất quan trọng trong giáo dục đạo đức học sinh, trong đó cốt lõi nhất vẫn là ở nhà trường, sau đó đến cha mẹ học sinh, các lực lượng chính quyền, đoàn thể xã hội. Chuyên gia tư vấn tâm lý Lương Minh Nhật thì chỉ rõ gia đình phải có trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ, giáo dục nhân cách cho con cái.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết, hiện nay, ở một số trường đã thành lập được phòng tư vấn tâm lý học đường. Đây là mô hình hay hết sức cần thiết, nhằm tăng cường lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giúp giải tỏa, định hướng tâm lý cho học sinh, góp phần ngăn chặn BLHĐ. Ngành giáo dục TP đang có kế hoạch tổ chức và nhân rộng thành lập phòng này tại các trường trong thời gian tới.

Đồng tình với những giải pháp trên, song các bậc phụ huynh đề nghị các ngành chức năng cần quyết liệt và hiệu quả hơn để làm trong sạch môi trường học đường. Trong đó, cần tăng cường giờ học môn giáo dục công dân, tăng cường kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử; tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động cộng đồng; biến những giờ học đạo đức chung chung hiện nay thành diễn đàn để các em bày tỏ ý kiến của mình, cùng lên án nạn BLHĐ…

Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt và kiên trì của toàn xã hội, BLHĐ mới có cơ may bị đẩy lùi.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.