Age of Empires III

06/11/2005 22:39 GMT+7

Sau khi Age Of Empires II: The Coquerors ra đời, hầu hết các game thủ đều nghĩ rằng series game huyền thoại Age Of Empires đã hoàn tất sứ mạng lịch sử của nó. Tuy nhiên, sau một thời gian rất, rất dài, ngày 18.10 vừa qua, Microsoft Games và Ensemble Studios đã tung ra Age Of Empires III (AOE III).

Bối cảnh lịch sử của game AOE III là châu Mỹ khi vừa được phát hiện. Trong vai một người lãnh đạo, bạn phải dẫn dắt đạo quân của mình khám phá vùng đất mới, đối đầu với dân bản địa, bọn hải tặc cũng như những  quốc gia đang dòm ngó tân thế giới.  Sau hơn 5 năm vắng mặt, AOE III đã có bước chuyển lớn về chất lượng đồ họa. Các hiệu ứng "thời thượng" hiện nay  đều được khai thác rất tốt, chính vì vậy, để tận hưởng hết sự hoàn mỹ của game, bạn phải sở hữu một PC thuộc hàng "chiến". May mắn là game có nhiều thiết lập đồ họa  khác nhau, và nếu PC của bạn chỉ có cấu hình trung bình thì vẫn chạy game trơn tru ở mức thiết lập tương xứng (tất nhiên chất lượng đồ họa sẽ giảm). Nhìn chung gameplay không có nhiều thay đổi so với  các phần trước, bạn vẫn sẽ khởi đầu việc xây dựng đế chế chỉ với 5 gã nông dân yếu ớt.  Các công trình xây dựng cũng tương tự các phiên bản trước. Phần kinh tế trong AOE III được đơn giản hóa:  Tài nguyên giờ đây chỉ còn lại gỗ, vàng và lương thực; bên cạnh đó, ở mỗi màn chơi đều có một con đường giao thương, bạn có thể xây dựng các trạm trao đổi tại đây và có thể ngồi chờ lượng tiền khổng lồ chảy vào túi.  Điều éo le là những con đường giao thương này cũng là nơi chiến sự nóng bỏng nhất.

Sự xuất hiện của Home City là tính năng mới nhất của AOE III. Mỗi khi đánh thắng kẻ địch hay xây dựng được nhiều công trình, bạn sẽ được thưởng điểm kinh nghiệm. Khi đạt đến một mức điểm nhất định, Home City sẽ gửi một tặng phẩm cho bạn, chẳng hạn như một nhóm quân, lương thực, hay một công trình nâng cấp mới nào đó. 

Điểm thú vị là các Home City có khả năng lên level, từ đó cung cấp nhiều tặng phẩm có giá trị hơn. Các cuộc giao tranh trong AOE III  cũng trở nên ác liệt hơn rất nhiều. Gươm giáo ngày nào giờ đây đã được thay thế bằng súng đạn và khả năng tương khắc cũng  rất được chú trọng. Điểm đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của các khẩu pháo, không hiểu vô tình hay hữu ý mà đơn vị này mạnh đến... kỳ lạ: chỉ cần một số ít thôi là đủ để bạn ra tay hủy diệt đối phương. Một dấu son trong các trận đánh chính là khả năng tương tác vật lý.  Chẳng hạn như khi bạn dùng pháo bắn vào một công trình nào đó, một góc của công trình sẽ văng theo hướng của viên đạn. Nếu cho 3-4 khẩu pháo cùng lúc nã đạn ở các hướng khác  nhau, bạn sẽ có dịp chứng kiến một cảnh tượng hết sức ngoạn mục...  

Một vấn đề nan giải của game dàn trận chính là số lượng quân, nếu số quân quá đông có thể làm cho game trở nên "nặng nề", quá ít thì lại không "đã". AOE III đã cung cấp một giải pháp khá hay: số lượng quân của game vẫn chỉ giới hạn trong con số 200 (khá ít) nhưng bù lại, bạn có thể sản xuất quân theo từng nhóm 5 người với tốc độ rất nhanh và "giá cả" thì rẻ như bèo. Nhờ cách này nên các trận đánh vẫn  diễn ra rất ác liệt mà không ảnh hưởng đến tốc độ game.

Sự trở lại lần này của AOE không đem lại nhiều thay đổi về gameplay nên AOE III gặp phải khá nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các game dàn trận gần đây. Tuy nhiên, đây lại là bước tiếp nối hoàn chỉnh của series AOE vì vẫn giữ được phong cách chơi với tiết tấu nhanh và cấu hình máy "thoải mái". Chắc chắn đây sẽ là cái tên không thể thiếu trong danh mục game dàn trận của bạn.

Phạm Bá Diệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.