Hành trình lận đận của thi hài vua Lê Dụ Tông (tiếp theo)

31/10/2009 23:34 GMT+7

Một vị hoàng đế sau khi mất gần 300 năm, đến nay vẫn chưa được “mồ yên mả đẹp”.

Những giả thuyết

Theo Ngọc phả của họ Lê thì sau khi băng hà, vua Lê Dụ Tông được táng tại Bố Vệ, Đông Sơn (TP Thanh Hóa ngày nay). Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì vua Lê Dụ Tông được táng ở lăng Cổ Đô, Đông Sơn, Thanh Hóa, sau dời đi táng ở lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (đất Lôi Dương nay thuộc huyện Thọ Xuân và Thường Xuân, Thanh Hóa). Nhưng, tình cờ tháng 2.1958, ông Đỗ Văn Lương, ở thôn Bái Trạch (Trang Bàn Thạch xưa), xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), trong lúc làm vườn đã phát hiện ra lăng mộ của vua Lê Dụ Tông. Được biết khi phá vỡ một mảng quách ra thì trong chiếc quan tài tỏa ra mùi trầm thơm ngát. Năm 1964, được phép của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ Văn hóa - Thông tin, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức khai quật ngôi mộ và mang chiếc quan tài nguyên vẹn được làm bằng gỗ Ngọc Am (gỗ pơ mu) về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nghiên cứu. Và thi hài của nhà vua được lưu giữ tại đây suốt 45 năm qua như ta đã biết.

Thi hài vua Lê Dụ Tông khi mới mở quan tài - Ảnh: Tư liệu

Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, thông thường vì để giữ bí mật nơi táng các bậc đế vương sau khi mất, có thể con cháu chép vào gia phả một nơi, nhưng lại chôn cất ở một nơi khác. Nhưng cũng có người cho rằng sở dĩ có chuyện lăng mộ của vua Lê Dụ Tông phải dời đi dời lại nhiều lần, sau phải bí mật táng tại đất Bái Trạch là vì, vào khoảng giữa thế kỷ 18, con trai của ông là Lê Duy Mật đã đứng lên khởi nghĩa, âm mưu giết họ Trịnh (tại Thăng Long). Sự việc bất thành phải bỏ chạy vào Thanh Hóa tiếp tục chiêu mộ binh sĩ. Sau cố thủ tại đất Nghệ An, rồi bị con rể là Lại Thế Chiêu làm phản khiến Lê Duy Mật phải cùng với vợ con tự thiêu mà chết. Cuộc khởi nghĩa bất thành và vì sợ trả thù nên Lê Duy Mật phải bí mật dời lăng mộ của vua cha đi nơi khác (?). Đây là một trong những tình tiết rất đáng được các nhà nghiên cứu lịch sử xem xét và tìm hiểu thấu đáo.

Khi nào thi hài vua Lê Dụ Tông mới được an táng?

Bắt đầu từ năm 1996, đại diện con cháu họ Lê Duy (hậu duệ trực hệ của nhà vua) đã làm tờ trình gửi lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, các lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin, các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xin được đưa thi hài của Đức Dụ Tông - Hòa Hoàng đế Lê Duy Đường hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam về yên nghỉ tại Lam Kinh, Thanh Hóa. Sau đó, được sự đồng ý của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa đã có Tờ trình gửi lên Bộ Văn hóa - Thông tin và Cục Bảo tồn bảo tàng (nay là Cục Di sản) đồng ý chấp nhận việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về Thanh Hóa. Tại cuộc họp với các cơ quan chức năng của Thanh Hóa, đại diện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng “Di hài dù được chú ý bảo quản, nhưng vẫn xuống cấp dần, nay da đen dần, quần áo bị mủn, xương khớp nếu không có chất kết dính thì sẽ rời rụng, râu rụng hết. Vì vậy nếu nhu cầu nghiên cứu khoa học (của giới nghiên cứu) còn tiếp tục thì Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiếp tục lưu giữ di hài; trái lại, có thể đưa về an táng tại Thanh Hóa...”.

Sau cuộc họp nói trên, Bộ Văn hóa - Thông tin đồng ý giao cho sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa lên phương án hoàn táng. Và dự định vào đầu năm 1997 sẽ tổ chức hoàn táng cho nhà vua tại khu vườn của Thái miếu Nhà Lê tại Bố Vệ, TP Thanh Hóa. Nghi lễ tổ chức gồm lễ đưa tiễn tại Hà Nội, lễ tiếp nhận tại Thanh Hóa... Công việc đang tiến triển đúng kế hoạch, thì bỗng nhiên có một nhà nghiên cứu đầu ngành (xin không được nêu tên) có ý kiến “Tôi chưa được nghiên cứu thi hài nhà vua”. Ngay lập tức việc tiến hành hoàn táng cho nhà vua đành phải dừng lại với nỗi muộn phiền không nguôi của những người trong dòng tộc họ Lê Việt Nam nói chung và dòng Lê Duy nói riêng...

Lo sợ sự xuống cấp của thi hài, cũng như yếu tố tâm linh nên từ năm 2006 đến nay, dòng họ Lê tiếp tục nhiều lần làm tờ trình lên các cơ quan chức năng để xin được rước thi hài vua Lê Dụ Tông trở về cố hương hoàn táng. Và sau nhiều nỗ lực, từ đầu năm 2008, dòng họ Lê cũng đã thuyết phục được các ngành, các cấp chấp thuận để đưa thi hài vua Lê Dụ Tông trở về hoàn táng tại quê hương. Trong báo cáo gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 12.11.2008, Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam khẳng định: Trước năm 1996, chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam viếng vua Lê Dụ Tông thì thấy thi thể Người được để ở một cái giá ba tầng như một hiện vật trưng bày ở bảo tàng. Sau khi chúng tôi có ý kiến, bảo tàng đã đưa thi hài vua Lê Dụ Tông vào quan tài kính, và nay được bảo quản trong phòng lạnh. Nhưng dù sao, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của nước ta và phần thi thể của Người cũng đã bị biến dạng, chắc chắn sớm muộn cũng sẽ bị phân hủy hoàn toàn. Mặt khác với truyền thống và tập quán của dân tộc Việt Nam, việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về quê Thanh Hóa chôn cất như tổ tiên ta đã làm là điều vô cùng cần thiết. Nó phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc ta, vừa là đền ơn đáp nghĩa với một đức vua đã có 24 năm trị vì đất nước. Ngay sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Về nguyên tắc, nhất trí với đề nghị của Bộ VH-TT-DL. Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo thực hiện”.

Khi tâm nguyện của dòng họ Lê và đông đảo nhân dân sắp được thực hiện, thì lại phát sinh ra vụ kiện tụng ở Xuân Giang khiến tình hình trở lên phức tạp. Những người trong dòng tộc họ Lê thì như ngồi trên đống lửa vì việc khởi công xây dựng lăng mộ không được thực hiện đúng kế hoạch, vì vậy việc dự định đưa nhà vua trở về quê vào ngày 10.10 âm lịch liệu có thành hiện thực. Còn chính quyền địa phương thì đang rất lúng túng, không biết phải giải quyết như thế nào để bảo đảm tính hài hòa giữa dòng họ, chính quyền với địa phương nơi mộ vua phát lộ...

Có thể nói, việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông là một việc làm hoàn toàn phù hợp với đạo lý văn hóa của dân tộc, cũng như đời sống tâm linh của dòng họ Lê và nhân dân cả nước. Dẫu biết vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh địa điểm hoàn táng cho nhà vua, nhưng thiết nghĩ mỗi người liên quan đến việc này cùng với các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần có một thái độ trân trọng, và phải nghĩ cho thân phận của nhà vua trước tiên, dần gạt bỏ những trở ngại để thi hài nhà vua sớm được yên nghỉ nghìn thu trong lòng đất mẹ.

Cao Ngọ - Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.