Các đại biểu Quốc hội tiếp tục lên tiếng về nhà vệ sinh trường học

01/11/2007 00:47 GMT+7

Họ không hiểu rằng nhịn tiểu tiện rất hại thận Tôi thấy một ông hiệu trưởng khi trả lời Báo Thanh Niên lý giải cho chuyện không có nhà vệ sinh, nhà vệ sinh mất vệ sinh rằng "phải lo mặt tiền trước". Điều đó gây phản cảm rất lớn cho người đọc. Họ không hiểu rằng nhịn tiểu tiện rất hại thận và rất nguy hiểm cho trẻ em. Nhà vệ sinh trong trường học không quá đắt tiền, không phải là gánh nặng cho nhà trường, thậm chí nếu thiếu, phụ huynh sẵn sàng đóng góp.

Vấn đề ở đây là bản thân các trường không quan tâm. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà những người lãnh đạo cần phải quan tâm giải quyết ngay. Các Sở Giáo dục-Đào tạo phải đi kiểm tra, trường nào không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo, không cho phép khai giảng. Nếu thế tôi nghĩ các trường sẽ làm ngay mà làm tốt là đằng khác.

ĐB Nguyễn Lân Dũng  (Đắk Nông)

Nguồn gốc thói quen bừa bãi suốt đời
Nhân phát biểu về chất lượng giáo dục, đào tạo và các khoản cân đối ngân sách cho giáo dục tại diễn đàn Quốc hội ngày 30.10, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) một lần nữa khẳng định "chúng ta không phải không chấp nhận một khoản tiền lớn chi cho giáo dục, chi cho cơ sở vật chất trường học". Và ông bức xúc: "Nhưng ngay chuyện nhà vệ sinh không làm cho các cháu mà Báo Thanh Niên đã phải lên tiếng, tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội phải quan tâm đến vấn đề này".

Trong quản lý môi trường có quy định: ở những nơi công cộng như trường học, bệnh viện... cứ bao nhiêu người đó phải có một nhà vệ sinh tùy quy mô và tần suất sử dụng. Có nghĩa rằng tiêu chuẩn về nhà vệ sinh là bắt buộc. Nhưng trên thực tế khi tôi còn làm ở Phòng Quản lý môi trường (Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Tây Ninh - PV), đi kiểm tra thấy đa số các nơi công cộng đều không đạt tiêu chuẩn. Ở trường học thì chuyện không có nhà vệ sinh phổ biến. Có 2 nguyên nhân: thứ nhất, khi làm kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chỉ đặt chỉ tiêu bao nhiêu học sinh thì phải có một trường học hoặc bao nhiêu lớp học/vạn dân chẳng hạn mà không kèm chỉ tiêu về nhà vệ sinh. Do đó các nhà quản lý chỉ xây trường, xây phòng học để đảm bảo thành tích, bỏ qua nhà vệ sinh. Thứ hai, việc quản lý nhà vệ sinh ở nơi công cộng quả thật không dễ. Nhưng phải hiểu đây là nhu cầu tối thiểu của con người, giống như ăn và uống vậy. Chưa nói đến việc ảnh hưởng sức khỏe, chuyện không có nhà vệ sinh đẻ ra tình trạng vệ sinh bừa bãi của học trò và  mang theo thói quen bừa bãi suốt cuộc đời. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy bất cứ góc phố, gốc cây nào của Hà Nội đều có thể là "nhà vệ sinh".

Tổng kiểm tra nhà vệ sinh trường học  tại Hậu Giang

Ngày 31.10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Quang Hưng cho biết lãnh đạo tỉnh vừa chỉ đạo ngành GD-ĐT nhanh chóng tiến hành kiểm tra thực trạng nhà vệ sinh tại các trường học, kể cả các điểm lẻ thuộc trường. UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT sớm mở hội nghị chuyên đề nhằm tìm các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng học sinh lẫn giáo viên không sử dụng được. Đồng thời, Sở phải sớm ban hành nội quy nhà vệ sinh nơi trường học và giao cho từng hiệu trưởng chịu trách nhiệm triển khai, giám sát.             

                                        Quang Minh Nhật

Cách giải quyết không quá khó, vấn đề là các cấp lãnh đạo có quyết tâm làm và có cách làm đúng hay không? Năm 1999-2000 chính tôi đã trình bày vấn đề này tại Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh và khi đó tỉnh cũng đưa thành chương trình đầu tư xây dựng nhà vệ sinh trường học, nhưng kinh phí nhỏ giọt, trường nào có thì làm, không có thì thôi, thành ra không hiệu quả. Năm 2007 này, Hội đồng nhân dân quyết tâm dành 14 tỉ đồng chỉ để xây dựng nhà vệ sinh, ưu tiên các trường vùng sâu, vùng xa. Năm 2008 tiếp tục chi với mục đích "xóa trắng" về nhà vệ sinh. Tất cả nguồn này được lấy từ nguồn thu xổ số kiến thiết (Quốc hội đã cho phép tất cả nguồn thu từ xổ số dành cho địa phương đầu tư cho giáo dục và y tế - PV). Tôi nghĩ đó cũng là một kinh nghiệm hay.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)

Loạt bài của Thanh Niên rất được các đại biểu tán thành
 

Tỷ trọng đầu tư ngân sách dành cho giáo dục hằng năm khá lớn (20% tổng chi). Trái phiếu Chính phủ dành cho giáo dục đợt 1 cũng đã huy động 2.500 tỉ và năm 2008 tiếp tục phát hành khoảng 4.000-5.000 tỉ đồng trái phiếu giáo dục nữa. Nhưng vừa rồi khi thảo luận về kinh tế-xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề xem xét lại việc sử dụng nguồn vốn này vì nó chưa thực sự hiệu quả và có chất lượng. Loạt bài về nhà vệ sinh trong trường học của Báo Thanh Niên rất được các đại biểu tán thành, nó như một ví dụ nhỏ về việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chưa hiệu quả. Chuyện nhà vệ sinh và đi vệ sinh của trẻ con tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại không nhỏ bởi vì không có nhà vệ sinh khiến bọn nhỏ nhiều khi phải "đi bậy", và như thế thì dù bài học của các cô giáo về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung có hay đến đâu cũng đều vô nghĩa. Tôi nghĩ người Việt Nam rất hiếu học, gia đình dù nghèo khó đến đâu cũng chắt bóp cho con đến trường mong được học làm người. Giáo dục cho các cháu, ngoài kiến thức, trình độ thì cái quan trọng nhất là xây dựng nhân cách. Nếu chúng có suy nghĩ lệch lạc từ bé thì rất nguy hại. Cậu con trai nhỏ của tôi đang học mẫu giáo đã được học về an toàn giao thông, đi bên phải đường, vỉa hè dành cho người đi bộ... nhưng tôi đã rất lúng túng khi cháu hỏi "tại sao mọi người (ngay cả mẹ và con đây) lại đi bộ dưới lòng đường?". Tôi không thể nói với cháu rằng vì những người bán hàng đã chiếm hết vỉa hè. Hằng năm các trường đều thu tiền xây dựng trường từ phụ huynh học sinh, dùng để làm gì nếu không phải để đầu tư đồng bộ cho cơ sở vật chất.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường  (Hà Nội)

An Nguyên thực hiện

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”,  Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.