Người phụ nữ không sợ thất bại

13/09/2005 20:38 GMT+7

Khi chúng tôi hỏi về sự thành công, chị đã gạt đi và nói: "Nếu mọi người muốn mình chia sẻ những kinh nghiệm, những thất bại trong thương trường, thì mình sẵn lòng, chứ thành công thì mình chưa có. Bởi những gì mà mình đang có được chỉ là hạt cát nhỏ trong lòng đại dương mà thôi". Đó là lời tâm sự chân tình của chị Lê Hải Yến - Phó giám đốc Công ty Sản xuất thiết bị đồ gỗ Sophy.

Giữ cái “tâm” trong kinh doanh

Có lẽ bài học mà chúng tôi nghe chị nhắc đến nhiều nhất chính là chuyện thất bại trong việc làm chủ bản thân. Đấy là giai đoạn chị mới bắt đầu bước ra cuộc sống, năm 1987, chị làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với vai trò là MC, phát thanh viên, đồng thời cũng cộng tác cho một số tờ báo. Chị Yến tâm sự: "Từ bé tôi luôn là niềm tự hào của gia đình và thầy cô trong học tập, cho nên lúc nào tôi cũng cho mình là "nhất", không biết người biết ta, cái "tôi" quá lớn so với những kinh nghiệm, vốn sống của mình, chủ quan trong công việc. Đây chính là nguyên nhân của nhiều trở ngại. Phải mất nhiều thời gian tôi mới nhận ra nếu chưa "quản" được bản thân thì không thể nào quản lý được công việc".

Sau 10 năm sinh sống tại Bungari, chị đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm sống từ ông xã Anh Dũng - người sáng lập ra "công ty gia đình" tính đến nay được hơn 4 năm, chuyên nhập gỗ và sản xuất các thiết bị gia dụng như: bàn, tủ, ghế, giường, sàn nhà... Bước vào kinh doanh, mỗi ngày đối với chị là một ngày "vật lộn" cùng thương trường. Hiện nay, công ty đang từng bước đi lên, chính thức đưa sản phẩm vào thị trường trong nước và tiến tới hội nhập với một số nước châu u (Pháp và Tây Đức). Ở vai trò người vợ, chị đã từng bước vun quén, ủng hộ anh mọi thứ trong công việc, từ tìm hiểu về gỗ, sơn, đến cách thiết kế, máy móc... dù rằng cả hai vợ chồng chưa một lần kinh doanh. Bên cạnh đó, chị luôn trân trọng tiếp thu những lời khuyên hữu ích của người thân khi chuẩn bị trở về nước "khởi động" lập nghiệp. Thế nhưng, chị vẫn gặp nhiều "trục trặc" mà theo chị nói vui, có lẽ vì cái "tôi" trong người mình vẫn còn tồn tại, chưa thật sự bắt đầu cho cuộc "chiến đấu" quản lý công việc và nhân sự.

Chị kể: "Sau khi rời Bungari năm 2000, tôi lên kế hoạch tìm hiểu về địa hình để "tác chiến", song lại chưa được mọi người tin tưởng. Tôi âm thầm tìm đọc những loại sách về đắc nhân tâm, về quản lý công việc... Gần đây nhất, tôi còn tham gia lớp học CEO - PACE (lớp học đào tạo giám đốc chuyên nghiệp). Qua nhiều thăng trầm, tôi mới hiểu rằng: Muốn thành công trong công việc thì cái tâm của mình phải sáng, chỉ một vết gợn nhỏ thôi thì mình cũng khó có thể đạt được như ý. Gian nan trong nghề, có nhiều thứ không thể nói hết bằng lời, nhưng để công ty được như ngày hôm nay một phần là nhờ tuy tôi gặp nhiều bài học rất "chua", nhưng chưa bao giờ tôi sợ!".

Công việc cũng là tình yêu

Là phó giám đốc công ty, chị phải quản lý hàng trăm nhân viên, làm việc không kể ngày nghỉ. Động lực để giúp chị vượt qua những khó khăn trong thời gian này là tình yêu với chồng con và với công việc. Trên danh nghĩa đây là công ty gia đình, nhưng trong tương lai vợ chồng chị sẽ xây dựng nó ngày càng chuyên nghiệp hơn. Chồng chị là một tiến sĩ ngành tự động hóa, tốt nghiệp tại Bungari nên anh là người rất am hiểu công việc khi bắt đầu xây dựng nhà máy. Vừa là "hậu phương" vừa là "quân sư" kiêm luôn người quản lý công việc nên trách nhiệm càng đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ nhỏ nhắn này. Có điều chị luôn cùng chồng chia sẻ những vui buồn, cả thất bại lẫn thành công trong công việc, trong cuộc sống. Chia sẻ và vươn lên, không mệt mỏi. Như chị nói thì tiếng cười trong nhà là không bao giờ thiếu, vì chị là "cây hài", biết cười ngay cả lúc thất vọng, chán nản, biết biến mọi thứ phức tạp thành nhẹ nhàng, đơn giản...

Nguyên Châu - Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.