Cuối cùng tôi đã tìm thấy nguồn gốc Việt

07/11/2008 22:27 GMT+7

Sau khi biết được mình có cơ hội trở về Việt Nam, Veronique Nguyễn đã làm mọi cách để có trong tay tấm "visa miễn thị thực". Lần đầu tiên đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào tháng 8.2008, người phụ nữ Pháp này biết rằng mình đã trở về nhà...

Kỳ 4: Tôi đã là Việt kiều

Chứng minh nguồn gốc Việt

Ông chồng cũ của tôi là nhà báo và thường đi du lịch có đề nghị nhiều lần với tôi là nghỉ hè ở Việt Nam. Tôi không muốn như vậy, tôi muốn khám phá đại gia đình tôi, khám phá đất nước tôi. Tôi không hề muốn chỉ là khách du lịch đến Việt Nam.

Đề án của tôi là phải tìm cho ra các cô bác đã đến định cư ở Pháp từ lâu, nhưng lòng mong ước của tôi, cái đích của tôi là gặp được đại gia đình đã ở lại Việt Nam.

Muốn được cấp "visa" Việt kiều thì phải chứng minh được nguồn gốc Việt Nam. Ông tôi là người Việt, nhưng tôi không có một giấy tờ chính thức nào về ông tôi và cả bố tôi nữa. Tôi đã tìm tòi và thật may mắn tìm ra được ông Lung là em ruột của ông nội tôi. Tôi thấy ông hết sức tử tế, dễ thương, sẵn sàng giúp đỡ một cách đáng ngạc nhiên. Lập tức ông chấp nhận tôi là một thành viên trong gia đình. Tất cả mọi người trong đại gia đình tôi ở Pháp đều đi Việt Nam với visa du lịch là đủ rồi nên ông phải suy nghĩ về nguyện vọng của tôi là muốn được "miễn thị thực".

Tôi phải giải thích đối với tôi đó là một sự phục hồi, một chứng minh về nguồn gốc của mình. Tôi hết sức muốn được công nhận là một người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Lung đã hiểu và quyết định là chúng tôi sẽ chuẩn bị một hồ sơ không có sơ suất gì, một hồ sơ chắc thắng. Ông làm việc khoa học. Ông chỉ dẫn cho tôi thu thập các tài liệu cần thiết (tài liệu quan trọng nhất để chứng minh nguồn gốc Việt của tôi là giấy khai sinh ghi tên tôi: Veronique, họ tôi: Nguyễn. Một lần nữa tôi cám ơn bố tôi). Và thay tôi, ông viết một đơn bằng tiếng Việt để trình bày là tôi thuộc về đại gia đình Việt Nam của chúng tôi. Tôi đã nộp đơn đến Đại sứ quán Việt Nam và được hẹn quay trở lại sau ba tuần lễ.

Cuối cùng, ngày "N" đã tới. Có bốn người được hẹn và lần lượt từng người sẽ được gọi tên. Khi tên đầu tiên được xướng lên, tôi quay sang nhìn ba người kia vì không phải tên tôi. Không ai động đậy. Tôi rất ngạc nhiên khi tên đó lại được gọi lần nữa. Tôi hỏi ba người kia xem có phải đó là tên của họ không? Họ trả lời không phải. Và họ hỏi lại tên tôi là gì, rồi, tôi rất sửng sốt khi họ nói là đúng tên tôi đã được gọi: "Madame Nguyễn". Tôi rất xấu hổ là đã bất lực, không hiểu tên họ mình khi được đọc lên với giọng Việt Nam. Vậy thì khi Nhà nước Việt Nam đã công nhận tôi, để xứng đáng với sự công nhận này, tôi sẽ phải làm một việc về tinh thần, về trí tuệ, về tình cảm sao cho xứng đáng là một Việt kiều thực thụ.

 

Veronique Nguyễn trong căn nhà của người thân tại VN - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vào giây phút nhìn thấy "visa miễn thị thực" đẹp đẽ trên hộ chiếu Pháp của tôi, tôi biết rằng tất cả chuyện này sẽ đưa tôi đi xa, rất xa đất Pháp là tổ quốc tôi từ khi tôi sinh ra, nhưng lại không cảm thấy là ở trong nhà của mình!

Tôi ra khỏi Đại sứ quán Việt Nam và tôi cười. Tôi cười một mình trên đường phố, mặc cho những người qua đường dòm ngó. Tôi cười sung sướng vì biết rằng tôi sẽ đi, nhanh chóng đi đến đất nước tôi, tìm đến những người thân của tôi. Tôi đã là Việt kiều!

Đến Việt Nam, TP Hồ Chí Minh...

Sân bay Tân Sơn Nhất sạch sẽ, im lặng. Đám đông vội vàng tản ra các trạm của công an cửa khẩu. Tôi thấy một cửa dành cho Việt kiều. Tôi đi tới đó. Mới chỉ có hai người. Ông đến trước tôi có vấn đề; hộ chiếu của ông không ổn. Ông phải theo mấy công an viên đưa đi. Đến lượt tôi. Tôi nói tiếng Anh để chứng tỏ là tôi không nói được tiếng Việt. Thông tin đó được hiểu ngay: ông công an hỏi tôi bằng tiếng Anh rằng tôi có hiểu và nói chuyện bằng tiếng Việt được không? Tôi trả lời là không. Ông ghi điều đó vào hồ sơ của tôi. Vậy là xong.

Tôi đi ra cửa. Cửa tự động mở ra. Tôi bị nghẹt thở vì không khí bên ngoài: trời rất nóng và độ ẩm rõ ràng. Người đón rất đông và tức thì tôi thấy hai bó hoa vẫy vẫy. Tôi hiểu theo bản năng, đúng là họ, gia đình tôi. Tôi đi tới những bó hoa, chưa thấy những khuôn mặt bị che lấp. Đó là một phụ nữ, mắt long lanh, dáng điệu rất châu u và một người đàn ông với cách nhìn bí hiểm. Đó là Mai, con gái của ông chú tôi và Lăng, chú tôi, anh em cùng cha khác mẹ với bố tôi. Ôm hôn, hồi hộp, cảm động. Những sự giới thiệu đều vô ích, mối liên hệ đã được thiết lập, tích cực, sống động. Chúng tôi lên một chiếc taxi đậu ngay trước chúng tôi như một phép lạ. Taxi chạy luồn giữa làn sóng xe gắn máy, hướng khách sạn Métropole. Gia đình họ hàng đã bảo tôi đến nhà cùng ở, nhưng tôi chưa đến: tôi khóc.

Tôi đã về nhà tôi, đã về đất nước này. Tôi đã hiểu rằng, quyết định của tôi về định cư ở đây đã xác định, không thể đảo ngược được, đó là điều thiết yếu.

Tôi khóc. Quyết định đó không dựa trên một sự nghiên cứu về tình hình đời sống vật chất hay chính trị. Không! Quyết định của tôi lệ thuộc vào sự cần thiết được sống bên những người họ hàng của tôi, những người đã lựa chọn ở lại trên đất nước của mình, mặc cho những xáo động chính trị đã diễn ra; ở đất nước này tôi cảm thấy tốt, thích hợp với chính tôi. Ở đây, đây là đất lành, dù cho có nhiều khó khăn phải vượt qua, tôi sẽ sống ở đó.

Veronique Nguyễn

Kỳ 1: Tuổi thơ u ám
Kỳ 2: Những cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam
Kỳ 3: Chuẩn bị cuộc phiêu lưu mới

Nguyễn Vũ - Hoài Sơn
(dịch và giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.