Tippi Hedren: Nữ chúa rừng xanh

11/10/2009 11:07 GMT+7

(TNTT>) Với Hedren, lũ hổ báo sư tử là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Bên cạnh bầy thú dữ, Hedren tìm thấy sự bình yên

Với nhiều diễn viên tại Hollywood, họ luôn mồm nói yêu động vật và bảo vệ trái đất. Nhưng chính những con người đó đôi khi lại thích mặc những bộ áo da thú đắt tiền. Nhưng với diễn viên Tippi Hedren lại khác, nếu bạn đem một bộ áo da báo đến tặng bà, bạn hãy yên tâm rằng bà sẽ tống cổ bạn ra khỏi cửa. Với Hedren, hổ báo là bạn còn những kẻ săn hổ báo, lột da chúng hay mặc da chúng là kẻ thù.

Lỗ chỏng gọng vì yêu thú

Hedren giờ đã là bà lão 79 tuổi nhưng 6 thập niên trước, Hedren là một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất nước Mỹ. Ngay từ khi còn là một thiếu nữ, Hedren đã tham gia diễn thời trang và không có cảm giác gì khi nhìn thấy những người mẫu mặc áo da thú. Hedren lúc đó chưa có nhận thức nhiều chuyện môi trường hay sinh thái. Năm 19 tuổi, Hedren tham gia bộ phim đầu tiên The Pretty Girl. Không có gì đặc biệt với cô gái gốc Thụy Điển trong phim này. 13 năm sau, Hedren tham gia bộ phim kinh dị The Birds (Đàn chim dữ) của đạo diễn Alfred Hitchcock. Bộ phim đó nói về cuộc tấn công của đàn chim dữ với loài người. The Birds đạt doanh thu cao hơn 4 lần tiền đầu tư,  Hedren đoạt giải Quả cầu vàng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất. Nhưng quan trọng hơn là sau bộ phim này, Hedren đã có ý thức về vấn đề môi trường.

Năm 1970, Hedren lên ý tưởng về một bộ phim cực kỳ táo bạo: “Roar” (Tiếng gầm). Hedren muốn thông qua bộ phim này để kêu gọi mọi người hãy bảo vệ động vật họ mèo đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nội dung phim kể về cuộc sống của một gia đình với 4 chú sư tử con, 2 con voi và hàng trăm con hổ, báo, sư tử trưởng thành… Những diễn viên chính trong phim này là  Hedren, Noel Marshall (chồng của Hedren), Melanie (con gái của Hedren) và John, Jerry (2 con của Marshall). Có thể thấy, bộ phim này đã tiết kiệm được khoản cát-sê kha khá.

Nhưng chi phí của phim này ngày càng phình to và lên đến 17 triệu USD, một con số khổng lồ vào thập niên 70. Chi phí lớn là do công tác hậu trường quá tốn kém do Hedren phải nuôi cả bầy thú dữ (từ năm 1972) và trả công cho người chăm sóc chúng.  Nhưng sự tốn kém đó chưa là gì so với những nguy hiểm mà Hedren và chồng phải đối mặt. Có những cảnh quay mà không cascadeur nào dũng cảm thực hiện như can… hai con sư tử đang đánh nhau. Vài lần Hedren và Marshall đã bị tấn công bởi lũ thú dữ nhưng họ không bỏ cuộc. Khi nhớ lại, Hedren nói: “Đây là bộ phim nguy hiểm nhất Hollywood  và may mắn là sau khi phim hoàn thành không ai bị chết”.

 

Ròng rã năm tháng công phu và tốn kém, năm 1981, “Tiếng gầm” được công chiếu nhưng nó chẳng gây được tiếng vang nào. Bộ phim chỉ thu được 2 triệu USD và lỗ nhất thời kỳ đó. Dư luận đánh giá, sẽ chẳng còn ai dám làm thêm một bộ phim theo kiểu nhà Hedren. Nhưng Hedren chẳng buồn lâu vì phim thất bại và bà tìm được niềm vui mới từ bầy thú, những diễn viên thất nghiệp sau bộ phim “Tiếng gầm”. Hedren đã biến chuồng nuôi thú khổng lồ thành khu bảo tồn Shambala. Khu bảo tồn này nằm cách Los Angerles 70km về phía Đông Bắc và là nơi nuôi dưỡng 70 loài thú nhưng chủ yếu là các loài họ mèo.

Báu vật của Hedren

Hedren có 4 đời chồng nhưng tình yêu của người phụ nữ gốc Thụy Điển này với các động vật họ mèo thì không bao giờ thay đổi. Trong gần 40 năm nuôi lũ hổ báo sư tử, Hedren chưa bao giờ cảm thấy chán. Hedren không bao giờ coi chúng chỉ là những con vật nuôi làm cảnh hay là trò tiêu khiển của những kẻ thừa tiền không biết tiêu vào việc gì. Với Hedren, hổ báo sư tử là một phần của cuộc sống. Hedren có thể nằm bên cạnh đùa giỡn với chúng mà không cảm thấy sợ. Tại Hollywood, chẳng ai có gan lớn như "Nữ chúa rừng xanh".

Khu bảo tồn Shambala của Hedren còn nổi tiếng với giới khoa học Mỹ. Nó không chỉ là nơi bảo tồn hổ, báo, sư tử... mà còn là nơi đã lai tạo ra giống tigon năm 1978. Tigon là con lai giữa hổ đực và sư tử cái. Thời điểm đó, ngay cả các vườn thú danh tiếng cũng hiếm làm được điều này. Năm 1983, con tigon đấy lại bén duyên cùng một chàng hổ và sinh ra một con gọi là ti-tigon. Lúc đó, cả nước Mỹ cũng chỉ có 3 con tigon và Hedren coi tigon và ti-tigon như những báu vật. Đáng tiếc là sau đó cả hai con thú họ mèo này đều chết vì ung thư.

Đến năm 1998, Hedren nhận được niềm vui khác khi được vườn thú Illinois tặng một con liger. Liger là con lai giữa sư tử đực và hổ cái. Nếu tigon có kích thước nhỏ hơn cả hổ và sư tử (do hổ bố không truyền gien tăng trưởng còn sư tử cái truyền gen kìm hãm) thì liger lại rất lớn, lớn hơn cả sư tử và hổ (do sư tử bố truyền gien tăng trưởng còn hổ cái không truyền gien kìm hãm). Do đó, liger tăng trưởng trong suốt quá trình sống và nó có thể nặng đến 800kg (con liger có tên Shasta tại vườn thú Hogle năm 1948).

Liger đực có cả bờm sư tử lẫn vằn hổ và chúng là thú họ mèo lớn nhất thế giới. Hedren dành hàng giờ để ngắm báu vật này và bà có thể kể về chúng như một nhà động vật học chuyên nghiên cứu về họ mèo. Trong chương trình thế giới động vật, Hedren từng nhận xét: “Liger là động vật lai tuyệt nhất họ loài mèo. Chúng có thể bơi như hổ và sống bầy đàn giống như sư tử. Những con liger to xác nhưng rất đáng yêu. Kể cả khi chúng nặng 500kg thì bạn vẫn có thể cho nó uống sữa”. Nhưng con liger của Hedren hiện nay mới nặng có 360kg và mỗi ngày nó vẫn ngốn đều đặn 20kg thịt. Trên thế giới, những vườn thú có liger đếm trên đầu ngón tay và Hedren hạnh phúc khi nghĩ đến điều này. Ở tuổi 79, khi gần đất xa trời, Hedren nghiệm rằng tình yêu là không biên giới: Hổ và sư tử là loài dữ tợn còn yêu được nhau thì con người, những kẻ tự coi là giống thượng đẳng cũng cần phải biết yêu thương lẫn nhau và bảo vệ loài vật khác dưới mái nhà chung là trái đất.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.