10 năm "treo" biên chế

17/10/2008 23:33 GMT+7

Hàng chục giáo viên tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên bị "treo" biên chế sự nghiệp, không được nâng lương và phụ cấp đứng lớp dù đã được tuyển dụng giảng dạy hàng chục năm nay.

Treo “lâu dài”

Cô T.T.M.L tốt nghiệp ĐH Sư phạm Anh văn hệ chính quy, được tuyển dụng về dạy tại trường TH Hòa Tân Đông từ năm học 2002 - 2003. Đến nay cô L. đã trải qua 8 năm đứng lớp nhưng vẫn chưa được xét tuyển vào biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong suốt 8 năm, cô L. chỉ được hưởng mức lương cơ bản với hệ số 2,34 và không được hưởng phụ cấp đứng lớp 35% kể từ năm học 2007 - 2008. Cô L. bức xúc: "Cũng như nhiều giáo viên khác, tôi được tuyển dụng cùng thời điểm, mỗi tuần phải đứng lớp từ 15 - 20 tiết nhưng không hiểu vì sao các giáo viên khác được xét tuyển vào biên chế và hưởng đầy đủ các chế độ, còn tôi thì bị "treo" biên chế cho đến nay".

Tương tự, cô giáo N.T.K.C tốt nghiệp CĐ Sư phạm tiểu học (trường CĐ Sư phạm Phú Yên), được phân công về dạy tại trường TH Hòa Hiệp Bắc từ năm học 2002 - 2003 cho đến nay nhưng cũng không được xét tuyển vào biên chế nên thu nhập hằng tháng từ việc đứng lớp chỉ vỏn vẹn một triệu đồng. 

Hiện nay, huyện Đông Hòa vẫn còn 53 giáo viên thuộc diện hợp đồng bị "treo" biên chế nhiều năm liền. Việc 53 giáo viên bị cắt phụ cấp đứng lớp và "treo" biên chế không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập mà còn gây tâm lý không yên tâm công tác.

Chưa biết đến khi nào!

Thực tế này bắt đầu vào năm 2000, huyện Đông Hòa thiếu hụt trầm trọng giáo viên dạy một số bộ môn ở bậc TH và THCS. Vì vậy, Sở Giáo dục - Đào tạo Phú Yên và UBND huyện Tuy Hòa (cũ) tự ý tuyển dụng hàng trăm giáo viên vào giảng dạy, trong khi chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục tỉnh phân bổ hằng năm cho địa phương này rất ít. Nguồn kinh phí cho việc trả lương số giáo viên hợp đồng trên do chính quyền địa phương tự cân đối.

Hằng năm, UBND huyện Tuy Hòa (cũ) cũng như huyện Đông Hòa xét đưa số giáo viên này vào biên chế, nhưng phải có tiêu chí là con em thương binh, gia đình liệt sĩ mới được ưu tiên, còn những trường hợp không thuộc diện này thì phải chờ theo thứ tự từ trước đến sau (xét những giáo viên dạy lâu năm trước - PV). Vậy, những giáo viên này chờ đến bao giờ? Ông Trịnh Văn Chánh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đông Hòa cho PV biết qua điện thoại là trường hợp 53 giáo viên này thuộc diện dư thừa của ngành giáo dục huyện Đông Hòa nên phải chờ đến khi nào có giáo viên đến tuổi nghỉ hưu thì mới xét vào biên chế.

Thực tế thì khác hẳn, nhiều trường tiểu học ở địa phương này chỉ có một giáo viên dạy môn tiếng Anh, mỗi tuần phải đứng lớp từ 15 - 20 tiết. Trường hợp giáo viên bị đau ốm xin nghỉ phép thì không có giáo viên thay thế nên không thể gọi những giáo viên này thuộc diện giáo viên dư. Trong khi ở bậc THCS lại xảy ra tình trạng dư giáo viên trong biên chế ở một số bộ môn và phải luân chuyển dạy các môn khác.

Nhiều giáo viên bức xúc là vì địa phương này kêu dư giáo viên nhưng hằng năm vẫn tuyển thêm giáo viên mới và trong số đó chỉ qua từ 1 - 2 năm được xét vào biên chế, còn họ thì "treo" gần chục năm nay.

Một khuất tất nữa khiến dư luận đặt câu hỏi: Năm học 2007 - 2008 huyện Đông Hòa được bổ sung thêm 15 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong số đó, phân về Trung tâm dạy nghề huyện 10 biên chế, 5 biên chế còn lại lẽ ra phải xét số giáo viên đang hợp đồng vào nhưng huyện Đông Hòa đã không làm như vậy mà nhận 5 giáo viên biên chế từ các địa phương khác chuyển về. Sự việc này được ông Chánh thừa nhận.

Thật trớ trêu, trong khi huyện Đông Hòa "kêu" 53 giáo viên hợp đồng là gánh nặng về khoản lương phải trả hằng tháng, nhưng lại nhận số giáo viên từ nơi khác chuyển về. Chẳng lẽ các ngành chức năng và chính quyền huyện Đông Hòa cứ để 53 giáo viên này tiếp tục "treo" biên chế mãi?

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.