Diệu “quéo” và 60 bộ huy chương

12/11/2010 15:07 GMT+7

Vượt qua mặc cảm số phận, Trần Văn Diệu (31 tuổi, ngụ thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, H.Gio Linh, Quảng Trị) đã đứng dậy với đôi chân tật nguyền, trở thành kình ngư nức tiếng khắp tỉnh và mở cơ sở mộc mỹ nghệ, sửa chữa ô tô, thu nhận những người khuyết tật như mình.

Đi dọc quốc lộ 1A, qua Ngã tư Sòng (H.Cam Lộ, Quảng Trị) thêm chừng 7 km, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp một cơ sở mộc mỹ nghệ và một gara sửa chữa ô tô bên đường. Đó là cơ ngơi của Diệu “quéo”.

Chuyện đời Diệu “quéo”

Chẳng biết từ bao giờ cái tên Diệu “quéo” đã vận vào cuộc đời anh. Diệu bảo đó có thể là biệt danh mà lũ trẻ chăn trâu ngày xưa nghĩ ra để mô tả dáng hình quặt quẹo, khác người của anh. Sinh ra đã là con nhà cực, bố là thợ đá tận đảo Cồn Cỏ, mẹ thì lặn lội ở chợ Đông Hà, 5 anh em của anh lớn lên trong cảnh thiếu thốn bộn bề. Diệu là con thứ hai. Năm lên 2 tuổi, anh bị một cơn sốt bại liệt hành hạ và đôi chân teo tóp dần từ dạo đó. “Bao nhiêu tài sản có thể quy ra tiền trong nhà lúc đó đều đội nón ra đi để chạy chữa cho tui có được đôi chân lành lặn, nhưng đó là điều không thể. Tất cả chỉ mang lại nỗi xót xa, buồn tủi cho mẹ cha tui…”- anh xúc động nhớ lại thuở cơ hàn.

Trầy trật mãi, Diệu mới học hết lớp 9 rồi nghỉ ngang, bởi điều kiện gia đình quá ngặt nghèo trong khi anh đi lại khó khăn, mỗi ngày đến trường phải có người cõng hoặc chở bằng xe đạp. Anh sợ phiền lụy đến bố mẹ và ảnh hưởng đến việc học hành của anh em mình…


Với nhiều tấm bằng khen và huy chương đã nhận được - Ảnh: Nguyễn Phúc

Chơi thể thao nhưng tui vẫn có thu nhập vì còn xưởng gỗ, xưởng sửa chữa ô tô, chứ hầu hết người khuyết tật đều gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở tỉnh nghèo như Quảng Trị…
Đùng một cái, năm 2001 Diệu cưới vợ… Tin này đối với bà con chòm xóm còn sốc hơn cả việc anh gầy dựng được cơ ngơi khá giả. “Tránh làm sao được lời ra tiếng vào, nhưng chuyện tình cảm biết nói răng cho hết… Thú thực lúc đó tui cũng ngần ngại bởi cứ lo rằng lấy vợ không biết mình có đủ khả năng nuôi vợ nuôi con không? Nhưng có lẽ cũng chính những lời dị nghị của người không hiểu chuyện làm cho tui thêm quyết tâm…” - anh nói. Và chị Nguyễn Thị Thông (31 tuổi) đã về ở với anh Diệu sau lễ cưới như bao người. Cô vợ hiền của chàng trai tật nguyền nay đã sinh cho anh 2 con gái và 1 con trai kháu khỉnh. “Cứ mỗi lần tui chuẩn bị sinh là anh cứ lo hùi hụi, đi ra đi vô không yên, sợ con chúng tôi mắc dị tật gì đó như anh, thật may là mẹ tròn con vuông cả…” - chị Thông cười nhớ lại kỷ niệm của hai vợ chồng.

Trở thành kình ngư

Đó là một cơ duyên khác lại vô tình đến với anh Diệu. Một ngày nọ vào năm 2003, có đoàn cán bộ huyện tham quan cơ ngơi của anh. Trong đoàn có một anh đang công tác trong lĩnh vực thể thao phong trào, buột miệng hỏi chơi: “Mi cái chi cũng giỏi rứa có chơi được môn thể thao mô không?”. Anh Diệu không suy nghĩ đáp luôn: “Tui chơi bơi lội chắc được”. “Ưng đi thi không?”, người này lại hỏi. Diệu gãi đầu gãi tai thoáng ngần ngại một lúc rồi nói cứng: “Đi thì đi chứ tui sợ chi”.


Với đôi bàn tay diệu kỳ, anh Diệu đã thành công với nghề điêu khắc, chạm mỹ nghệ trên gỗ

Chuyện như đùa thế mà thật. Ngay trong năm 2003, dù không được tập luyện bài bản  nhưng trong giải bơi lội người khuyết tật của H.Gio Linh, anh Diệu đã giành gần hết các bộ huy chương vàng ở nhiều cự ly. Lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch, anh được đại diện cho tỉnh Quảng Trị dự giải bơi người khuyết tật cấp quốc gia và tiếp tục nhận hai huy chương vàng, một huy chương đồng. Bất ngờ hơn, cũng trong năm này, khi giải thể thao người khuyết tật Đông Nam Á Paragame tổ chức tại Hà Nội anh cũng góp mặt với 2 huy chương bạc, một huy chương đồng… Có thể nói năm 2003 là năm đầu tiên nhưng cũng là năm thành công rực rỡ trong sự nghiệp bơi lội của tay ngang Nguyễn Văn Diệu.

“Ở giải huyện thì cứ bơi chồm hổm rứa thôi chứ tui đâu biết kỹ thuật chi mô. Đến khi đi thì các giải cao hơn thì các thầy mới hướng dẫn, mấy thầy nói cự ly sở trường của tui là 100m và 200m  bơi tự do”.

Lối về nhân ái

Những thành tích trong lĩnh vực thể thao kinh doanh và công tác xã hội của Nguyễn Văn Diệu đã được mang về cho anh 60 bộ huy chương các loại, 20 tấm bằng khen của các cấp.

Từ năm 2003 đến nay, cái tên Diệu “quéo” càng được nhiều người biết đến cả trong vai trò kinh doanh lẫn về tài năng bơi lội. Nhưng anh đã không chờ người ta tìm đến với mình mà chủ động đến với những người có khiếm khuyết như anh… “Đi nhiều nên tui trở trăn lâu rồi, tui chơi thể thao nhưng tui vẫn có thu nhập vì còn xưởng gỗ, xưởng sửa chữa ô tô, chứ hầu hết người khuyết tật đều gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở tỉnh nghèo như Quảng Trị…”, anh nói.

Có nhìn thấy cảnh anh Diệu gấp từng tấm chăn, cuốn từng chiếc chiếu nơi nghỉ ngơi của anh em thợ thuyền và cầm tay chỉ việc, ân cần từng ly từng tý trong từng nhát đục với thợ mới thấy được tấm lòng của anh. Trong giờ làm việc, anh là thầy, còn sau đó anh như là cha, là anh hết mực gần gũi quan tâm. Anh Diệu nói khó nhất là dạy nghề cho người bị câm điếc bởi họ không hiểu ngôn ngữ, muốn dạy được là phải dạy bằng cả trái tim cảm thông. Có lẽ cũng vì thế mà anh Lê Văn Kiều (bị câm bẩm sinh, người xã Gio Mai, H.Gio Linh) sau khi ra nghề đã tình nguyện ở lại xưởng và trở thành cánh tay phải của anh Diệu.

Suốt 7 năm qua, đã có tới 23 người thợ khuyết tật được anh đào tạo ra nghề và hiện nay anh đang chỉ dẫn và cưu mang cho 7 người khuyết tật khác. Em Lê Văn Bùi (18 tuổi, quê xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh, bị khuyết tật ở chân) nói với đầy sự hàm ơn: “Chân cẳng em thế này ai mà nhận làm việc chi hả anh, may gặp anh Diệu cho học nghề không thu tiền, lại còn lo ăn, lo ở cho em. Thiệt, đời em thế này là may…”.

“Ngoài khoản trả thu nhập cho mấy đứa đều đặn từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, tui còn lo cho anh em khi ốm đau, khi có chuyện buồn gia đình, với mong muốn mọi người hãy xem cái xưởng này như là mái ấm thực sự…” - anh xúc động nói.

Dù nghề điêu khắc, khảm mỹ nghệ của xưởng nay đã có tiếng tăm, đơn đặt hàng liên tục cộng với việc mở rộng thêm xưởng sửa chữa ô tô, nhưng cách nhận học trò, cách dạy nghề miễn phí  lại trả lương, bao ăn ở nên lời lãi hằng năm của anh Diệu cũng chẳng được bao nhiêu. Thấy tui băn khoăn về điều đó, anh phất tay xuề xòa: “Lo chi, mình có cơm thì cũng phải để cho anh em miếng cháo. Ham hố chi để anh em bỏ đi hết thì mình sống với ai…”.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.