Cần có cơ chế khuyến khích nông dân tham gia BHYT

21/10/2008 14:43 GMT+7

Sáng nay 21.10, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung, ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm y tế.

Trước đó, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, BHYT cho nông dân, đối tượng tham gia, quản lý quỹ và vấn đề cùng chi trả...

Cần hỗ trợ sớm cho các đối tượng khó khăn

Về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, một số đại biểu nhất trí việc xác lập lộ trình BHYT đến năm 2014 là phù hợp với thực tế. Bởi đây là thời gian cần thiết để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân trong việc tham gia BHYT, tiếp tục nâng cao năng lực cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Tuy nhiên, trái ngược với ý kiến này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị không nhất thiết phải đến năm 2014 như dự thảo luật để bảo đảm một số đối tượng như học sinh, sinh viên, nông dân... được tham gia BHYT sớm hơn với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) bày tỏ băn khoăn chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, nông dân, sinh viên. Thực tế hiện nay, những đối tượng này rất khó khăn, không có khả năng đóng BHYT. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện.

Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) khẳng định: BHYT toàn dân cần phải có lộ trình nhưng cũng cần xem xét mức hỗ trợ cho các đối tượng theo tỷ lệ phần trăm từng năm. Đại biểu Võ Thị Dễ cho rằng, thực tế, những người cận nghèo ở ĐBSCL đã có sự hỗ trợ của tỉnh, của dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng họ vẫn không có điều kiện tham gia BHYT. Nhà nước cần hỗ trợ sớm hơn để đến năm 2014 tiến tới BHYT toàn dân.

Nên hỗ trợ tối thiểu 30% cho nông dân khi mua thẻ BHYT

Vấn đề bảo hiểm y tế cho nông dân cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo quy định của dự thảo luật, nông dân nếu không thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo chỉ có cơ hội tham gia BHYT tự nguyện với mức đóng 250.000 đồng/thẻ/người/năm. Trong khi đó, mặc dù Nhà nước đã có quy định hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi... song vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa tham gia BHYT.

“Hiện nay mới có khoảng 43,4% số nông dân được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT. Do đó, nếu không cân nhắc, vô hình chung dự thảo luật lại khiến nông dân có tâm lý muốn trở thành người cận nghèo để được Nhà nước hỗ trợ” - đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) lo ngại.

Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) cho rằng, mức hỗ trợ cho nông dân như trong dự thảo là thấp, nên hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT cho người nông dân để họ có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhất là các đối tượng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho nông dân có mức sống trung bình như trong dự thảo luật rất chung chung, thiếu thuyết phục, làm giảm tính khả thi của luật. Đại biểu đề nghị "mức sống trung bình" cần phải cụ thể hóa bằng con số để tránh hiểu nhầm, dễ thực thi hơn.

Cũng có ý kiến đề nghị Nhà nước nên hỗ trợ 40% cho nông dân tham gia BHYT, thể hiện sự quan tâm của QH, sự quyết tâm của Nhà nước trong việc chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Thẻ BHYT dùng như thẻ ATM

Việc cấp thẻ BHYT hiện nay quá bất cập, gây khó khăn cho người tham gia, nên rút ngắn lại việc cấp thẻ từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để người dân có bệnh kịp thời khám chữa bệnh. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu khi đề cập đến tình trạng cấp thẻ BHYT cho người dân.

Một số đại biểu cho rằng, người có thẻ BHYT nên được khám, chữa bệnh ở tất cả các bệnh viện trong phạm vi cả nước, miễn là các cơ sở này đã có hợp đồng với BHYT.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Nên chăng chúng ta phải linh hoạt, coi thẻ BHYT như thẻ ATM, có thể dùng khám chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện nào trong cả nước”.

Các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trần Đông A (TP.HCM) cho rằng: Hiện nay, do chênh lệch mức sống và nhiều yếu tố khách quan khác dẫn đến chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh giữa nông thôn và thành thị là rất lớn. Dịch vụ, kỹ thuật ở trạm y tế ở xã vùng sâu, vùng xa chênh lệch hẳn với nơi khám chữa bệnh của thành thị, dẫn đến bất bình đẳng.

Cùng quan điểm này, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) bày tỏ: Quy định như trong dự thảo chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện cận nghèo mới được hưởng chế độ cấp thẻ BHYT là không phù hợp. Vì hiện nay việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế, chất lượng sống của người dân ở đó còn cách xa với các địa phương khác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo luật nên xem xét lại vấn đề này.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.