Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng: "Sẽ đánh thuế cao vào diện tích đất đầu cơ"

23/10/2007 01:04 GMT+7

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2007 cũng nêu lên tình trạng lạm phát tăng cao là một yếu kém, khuyết điểm trong công tác điều hành nền kinh tế. Trong giờ nghỉ giải lao, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời báo chí về quan điểm và một số giải pháp Chính phủ sẽ thực hiện để bình ổn thị trường giá cả từ nay đến cuối năm.

* Thưa Phó thủ tướng, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo những giải pháp cấp bách để kìm chế mức độ tăng giá nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng mạnh, 9 tháng đã đạt tới con số 7,32%. Liệu Chính phủ có đảm bảo được mục tiêu mà Quốc hội (QH) giao là kiềm chế mức độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế ?

- Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Có những cơ sở để tăng giá và đó là chuyện bình thường. Ví dụ như giá xăng dầu lên, mà lên đến 80 - 90 USD/thùng rồi, thì đó là những cái bất khả kháng. Hay là thép, phôi thép mình chưa làm được, phải nhập về thì có khả năng giá tăng, đó là những cái mình phải chấp nhận. Chủ yếu là mình phải yêu cầu không được tăng giá những nhu yếu phẩm cần thiết. Mình phải tuyên truyền, vận động thế nào đó để bà con, nhất là bà con buôn bán vừa ủng hộ Chính phủ, vừa ủng hộ người dân trong lúc này.

Phải cân đối giữa những mặt hàng bất khả kháng và những mặt hàng có thể điều tiết được để đáp ứng cung - cầu, như tăng nhập khẩu, sản xuất trong nước đẩy mạnh lên, phân phối hàng hóa mở rộng ra và thực hiện hạ giá vào cuối năm. Ta phải chống lại cái xu thế tăng giá cuối năm, mà giải quyết cái cuối năm chủ yếu là quan hệ cung - cầu.

* Chính phủ sẽ có những giải pháp gì quyết liệt hơn để lạm phát không thể tiến tới mức 2 con số ?

- Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Cái gì giá tăng bất khả kháng thì tìm cách điều phối sản xuất, cung cầu, còn cái gì là những cái không có cơ sở tăng giá thì ta phải quyết phân phối thương mại tốt, hàng nhiều, để nó đảm bảo. Và đây là lợi ích của người dân. Cái gì có lợi cho người dân thì chúng ta phải tính. Những mặt hàng khác như ô tô, nhà nước cũng sẽ tiếp tục giảm thuế, có thể bớt thu một chút, nhưng để tăng cung cầu. Nhưng nếu mình không đấu tranh tốt thì những anh lợi dụng việc Nhà nước có chính sách phục vụ đa số, những anh thiểu số này lại tiếp tục lợi dụng chính sách ấy. Hiện tượng ấy phải phê phán quyết liệt: những anh lợi dụng chính sách để làm lợi cho riêng mình, hoặc là đầu cơ. Những anh lợi dụng bão lụt mà nâng giá tấm lợp từ 7 - 8 nghìn lên thành 14 - 15 nghìn thì cần tịch thu giấy phép kinh doanh đi. Tôi nói đợt này là Chính phủ rất kiên quyết, mà công luận cũng cần kiên quyết thì mới làm được. Trận lũ lụt vừa rồi, bà con nhà cửa bị trôi, bây giờ sơn tăng, xi măng cũng tăng, rồi tấm lợp cũng tăng... Vô lý quá, cái đó là phải kiên quyết đối với những người kinh doanh.

* Ở nhiều  đô thị lớn hiện nay có hiện tượng đầu cơ đất, giá nhà, đất đang tăng nhanh. Người dân đang lo ngại có một cơn sốt đất lần 3. Chính phủ có biện pháp gì để kìm chế?

- Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Tăng trưởng kinh tế kéo theo giao dịch về đất đai phát triển, đấy là nhu cầu khách quan. Cái quan trọng là quy hoạch phát triển về đất đai, quy hoạch phát triển về xây dựng, cơ sở hạ tầng, cho đến các khu công nghiệp, thương mại phải công khai minh bạch, kể cả đất đai, nhất là đất đai xây dựng nhà ở. Đồng thời, phải có những biện pháp để chống lại hiện tượng đầu cơ, trong đó có vấn đề giá đất, tạo cơ chế công khai minh bạch để người dân hiểu giá nào là hợp lý. Nhà nước cũng phải đánh thuế cao vào những diện tích đầu cơ.

Mạnh Quân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.