Nhân viên đãng trí hãng bị phạt... 1,26 tỉ USD

14/11/2009 15:30 GMT+7

(TNTS) Có thể trong thời gian tới, hãng sản xuất nước giải khát PepsiCo sẽ phải kiểm tra lại tính hiệu quả trong lao động của nhân viên thuộc quyền. Bởi, mới đây chỉ do một nhân viên đãng trí mà hãng này đứng trước nguy cơ phải bồi thường 1,26 tỉ USD.

Nước của anh - nước của tôi

PepsiCo bị xử thua kiện khi hai công dân người Mỹ là Charles Joyce và James Voigt khởi kiện hãng này. Vào tháng 4.2009, hai người này đệ đơn lên tòa án bang Wisconsin, Mỹ, kiện PepsiCo cũng như các đại lý phân phối Wis-Pak và Carolina Canners. Joyce và Voigt khẳng định PepsiCo đã ăn cắp ý tưởng của họ để sản xuất nước tinh khiết đóng chai.

Theo lời của Joyce và Voigt thì từ năm 1981, họ đưa cho đại diện của Wis-Pak và Carolina Canners công nghệ sản xuất nước tinh khiết “U.P” và ký với hãng PepsiCo thỏa thuận về việc không tiết lộ thông tin bí mật này. Tuy nhiên thỏa thuận này bị vi phạm vào năm 1994, khi PepsiCo bắt đầu sản xuất nước uống Aquafina theo công nghệ nêu trên mà không có sự đồng ý của hai đồng tác giả nắm giữ bản quyền.

Từ tháng 4.2009, tòa án thụ lý đơn của Joyce và Voigt và đến ngày 11.6 gửi trát hầu tòa cho hãng luật Stith & Stith – đại diện pháp lý của PepsiCo. Tuy nhiên theo hãng tin AP, hãng Stith & Stith, không hiểu vì lý do nào nên không thông báo điều này cho khách hàng (PepsiCo). Sau đó đến tận ngày 15.9, Stith & Stith mới gửi một bản sao trát hầu tòa cho bộ phận pháp lý của PepsiCo do Tom Tamoney đứng đầu.

Thư ký của Tom Tamoney là Kathy Henry - tên tuổi của người phụ nữ này hiện đang được báo chí thế giới nhắc đến - đã nhận bản sao từ hãng Stith & Stith. Tuy nhiên, do “quá bận rộn” trong việc chuẩn bị kế hoạch cho cuộc họp sắp tới của hội đồng các giám đốc mà Henry đã không gửi bản sao cho lãnh đạo và cũng không thông báo miệng cho bất kỳ ai về vụ việc hãng đang bị kiện này.    

Ngày 30.9.2009 (có nguồn tin đưa 29.9) tòa án quyết định phần thắng cho Joyce và Voigt chỉ vì đại diện của PepsiCo vắng mặt trong phiên xét xử. Tòa án ra phán quyết hãng này phải trả cho hai người 1,26 tỉ USD tiền bồi thường. Đến ngày 5.10, người của PepsiCo mới nhận được bản sao về phán quyết của tòa và chỉ đến khi đó Kathy Henry mới sực nhớ đến bản sao mà mình nhận từ 15.9 và gửi cùng lúc cả hai bản sao cho lãnh đạo của mình.

Lý lẽ của bị đơn

Giờ đây hãng sản xuất nước giải khát này có quyền kháng án với bản án sơ thẩm của tòa án. Người đại diện chính thức của PepsiCo là Joe Jacuzzi khẳng định, việc Joyce và Voigt kiện là thiếu cơ sở pháp lý và hãng này sẽ buộc phải chứng minh điều đó. 

Ngoài ra, Jacuzzi còn lưu ý: Chẳng lẽ PepsiCo suốt 13 năm trời không sử dụng công nghệ ăn cắp nào đó, nhưng cuối cùng lại quyết định dùng công nghệ đó để sản xuất nước uống (!?). Ngoài ra, quả là khó tin vì trong suốt ngần ấy năm trời, kể từ khi thương hiệu Aquafina ra đời mà Joyce và Voigt không một lần nhìn thấy chai nước được bày bán trong các cửa hàng ở khắp nơi (!?). Còn nếu nhìn thấy, thì vì sao họ không nhớ ngay đến thỏa thuận ký kết với các đại lý Wis-Pak và Carolina Canners (!?).

Cũng cần nhắc lại rằng, có một câu hỏi được đặt ra, là tại sao các luật sư đại diện quyền lợi cho PepsiCo suốt 2 tháng trời đã không thông báo cho khách hàng của mình về vụ việc. Ngoài ra, chẳng lẽ Kathy Henry “quá bận” đến nỗi trong suốt hai tuần lễ không một lần kiểm tra hộp thư của mình và hoàn toàn không nhớ đến bức thư mà Stith & Stith đã gửi cho cô? Một nhân viên đã làm tại hãng 20 năm như Henry đương nhiên là có đủ kinh nghiệm, nhận thức cũng như trình độ để không bỏ qua vụ việc có tính nghiêm trọng như thế?

Cho đến nay về số tiền bồi thường cũng không rõ vì sao lại lớn đến như vậy. (Lenta.ru dẫn nguồn các báo nước ngoài viết là “1,26 billion dollars - yes, it's with B”). Trong khi đó, vào tháng 4.2009, Joyce và Voigt khởi kiện và chỉ đòi số tiền bồi thường hơn 75 ngàn USD. Trong các thông tin mà nhiều báo đưa, không có sự giải thích vì sao số tiền bồi thường lại tăng đột biến như vậy!

Cuộc chiến pháp lý giữa PepsiCo và hai công dân người Mỹ vẫn tiếp tục. Ngày 6.11 sẽ có phiên tòa xét xử lại và trong lần này chắc chắn đại diện của hãng sản xuất nước giải khát sẽ có mặt. Dù kết quả có thế nào thì “chính xác là có ai đó sẽ mất việc” như được viết trên website associatedcontent.com.

Hy vọng cuối cùng…

Theo lời của Joe Jacuzzi mà hãng Reuters dẫn lại thì quả thực tại PepsiCo có “vấn đề nội bộ với các giấy tờ”. Jacuzzi cũng thanh minh cho Kathy Henry và nói có thể “tha thứ” được cho người phụ nữ này.

Giờ đây xử lý vụ việc là các lãnh đạo của Henry. Liệu họ có bỏ qua cách hành xử của nhân viên thuộc cấp, hay tạm thời đóng băng vụ việc hoặc có thể ngay lập tức chỉ tay ra phố đuổi việc cô? Nếu xét về toàn cảnh vụ việc và những gì đang diễn ra trong nội bộ của hãng thì khả năng Henry bị đuổi việc hiện chưa thể xảy ra. Vì nó sẽ được coi là hành động “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng nếu PepsiCo thua kiện thì nhiều khả năng không ít người sẽ mất việc làm.

Trong thời gian gần đây, trong nội bộ của hãng này không chỉ có những vụ việc xảy ra với nhân viên cấp thấp. Vào tháng 7 năm nay, cựu Phó chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của PepsiCo là Edward F.Backus thừa nhận mình đã gian lận mà kết quả là ngân sách của hãng thiếu hụt 1,8 triệu USD. 

Backus và vài người nữa đã lập các công ty trung gian để thông qua đó moi tiền của PepsiCo từ các dịch vụ như tổ chức các chuyến đi chơi, hay các hoạt động vui chơi giải trí cho các khách hàng tiềm năng của hãng này. Nếu không có gì thay đổi, vào ngày 12.11 này, tòa sẽ tuyên án đối với Backus. Với tội danh gian lận, ông ta có thể sẽ lĩnh án 20 năm tù và nộp phạt 250 ngàn USD. Ngoài ra, PepsiCo sẽ đòi Backus bồi thường 2,3 triệu USD về các hậu quả mà ông ta gây ra. 

Việc nhân viên lơ đễnh hay gian lận gây thiệt hại lớn cho hãng của mình không phải chỉ diễn ra ở PepsiCo mà còn có ở hãng cạnh tranh Coca-Cola. Hơn hai năm trước đây, vào tháng 2.2007, cựu nhân viên của Coca-Cola là cô Joya Williams bị tòa án kết án 8 năm tù giam. Williams làm thư ký cho giám đốc chi nhánh Coca-Cola tại Atlanta nên nắm giữ được thông tin mật cũng như các mẫu mã sản phẩm mới của hãng. Cô có ý định bán các thông tin mật này giá 1,5 triệu USD cho PepsiCo. Tuy nhiên người của PepsiCo đã thông báo vụ việc cho cơ quan điều tra FBI và cho cả Coca- cola. Sau khi theo dõi, ghi hình, có đầy đủ chứng cứ, Williams đã bị bắt và trước tòa nhận tội đánh cắp thông tin mật của hãng.

Người ta đang hy vọng, bằng cách nào đó, vụ việc sẽ được giải quyết bên ngoài tòa án. Bởi với 20 năm làm thư ký tại PepsiCo, Kathy Henry chắc phải nắm giữ khá nhiều thông tin của hãng. Và hẳn nhiên, không ai muốn kết thúc một vụ việc đã xấu lại còn xấu hơn nữa.

Ngữ Tử Yên
(Theo Lenta.ru)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.