Bông điên điển mùa nước nổi

06/11/2006 11:16 GMT+7

Mỗi năm, cứ vào đầu mùa nước nổi, nơi các bờ sông, bờ rạch, bờ ruộng, những cây điên điển chết héo từ những tháng ngày nào tự nhiên xanh tươi trở lại làm đẹp thêm phong cảnh đồng bằng sông Cửu Long. Chừng một vài tháng sau, khi con nước tràn ngập các bờ sông, bờ ruộng, cũng là lúc điên điển trổ đầy cành những đóa hoa vàng rực màu nắng phương Nam, phất phơ trong ngọn gió hoặc rủ oằn trong những cơn mưa.

Trước đây không lâu, người nông dân nghèo khổ dùng bông điên điển nấu cháo cầm cự với cơn đói của những tháng ngày không có khả năng kiếm được tiền. Ngày nay, với những người nghèo, bông điên điển giúp họ có thêm thu nhập bên cạnh việc đánh bắt cá, tép trên những cánh đồng trắng xóa một màu nước nổi. Nhưng để trở thành món ngon, cách giản dị nhất là người ta dùng bông điên điển làm dưa. Chỉ cần ngâm bông điên điển đã lặt rửa sạch với giá sống để cho ráo nước rồi ngâm trong nước vo gạo lắng cho trong pha muối có độ mặn vừa chuẩn trong cái vịm hay khạp nhỏ, đậy lá chuối hoặc lá môn, ủ kín chừng ba ngày sau là đã có một dĩa dưa vừa chua vừa giòn vừa đăng đắng, chấm với nước tương giằm ớt ăn đã ngon mà chấm với cá hoặc thịt kho lại càng ngon hơn. Nếu ta cho vào món dưa này bông súng, ngó sen, củ co, xác dừa nạo rồi nêm tỏi đường, muối, bột ngọt thì giòn ngon không chê được. Đây là món ăn thường được dùng ăn ghém với mắm kho lạt hay cá linh kho mía.

Đến Châu Đốc (An Giang), trong những ngày mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức tô bún nước lèo độc đáo. Tô bún ở đây cũng giống như tô bún nước lèo ở Sóc Trăng hoặc tô bún mắm ở Cần Thơ nhưng rau thì khác. Nếu như ở những địa phương trên người ta ăn bún với rau ghém được làm bằng giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Châu Đốc bạn sẽ được thưởng thức hương vị lạ kỳ của chỉ độc một loại bông điên điển mà thôi. Muốn có phong vị thời khẩn hoang, người ta nấu một nồi mắm kho, nhúng bông điên điển cùng một vài loại rau sống khác. Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ (Campuchia) trôi dạt xuống sông Tiền, sông Hậu. Nấu một cái lẩu cá linh với me sống (hoặc nặn chanh) vừa chua, người địa phương chỉ nhúng độc một thứ hoa vàng rực này vào. Với bông điên điển, cả hai món ăn này sẽ cho bạn một bữa tiệc dân dã mà không phải nhà hàng nào ở thành phố cũng có được. Món ngon này sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn nếu có vài người bạn "tâm đầu" bên ly rượu đế, nói chuyện mùa màng, chuyện làm ăn, chuyện thời sự quốc tế rôm rả trong những buổi chiều bảng lảng bóng hoàng hôn. Tình làng nghĩa xóm sao mà đậm đà đến vậy! Bông điên điển còn được dùng để nấu canh chua cá rô, xào tép, làm nhưn bánh xèo... cho ta những món ăn vừa ngon vừa ngọt. Tôi còn nhớ dĩa mắm chay bông điên điển của những ngày còn đi học ở Sài Gòn trước năm 1975, trong quán "cơm xã hội" trên đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM bây giờ). Dĩa mắm chay được làm bằng bông điên điển cùng một vài thứ phụ gia, ngon không thể tả! 

Bông điên điển được bày bán nhiều tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, trên Đường tỉnh 941 (từ Tri Tôn đi Ngã ba Lộ Tẻ) với giá 10.000đ/kg.

P.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.