Xử lý bùn đỏ như thế nào?

12/11/2010 00:14 GMT+7

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề xử lý bùn đỏ trong dự án (DA) khai thác bauxite tại VN. Nhân việc các bộ, ngành chức năng đang triển khai điều chỉnh lại quy hoạch bauxite (Thanh Niên số ra ngày 8.11.2010), chúng tôi xin đăng ý kiến của PGS-TS Nguyễn Xuân Nguyên (Viện Khoa học Việt Nam).

Theo quy hoạch phát triển công nghệ khai thác và chế biến bauxite từ nay đến 2025, VN sẽ có 8 DA khai thác bauxite và sản xuất alumin (là nguyên liệu để sản xuất nhôm) với tổng công suất 13 - 18 triệu tấn/năm. Quặng bauxite bán thô chỉ có giá FOB khoảng 20 - 22 USD/tấn, giá CIF tại Mỹ 30 - 32 USD/tấn, trong khi đó alumin có giá tại Mỹ khoảng 200 - 210 USD/tấn.

Do đó các DA khai thác bauxite đều gắn thêm các hạng mục chế biến bauxite để sản xuất alumin nhằm tăng giá trị của quặng và giải quyết công ăn việc làm cũng như tăng hiệu quả kinh tế.

Để tạo được sự ổn định và bền vững của các DA và toàn bộ chương trình của Chính phủ đề ra, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về môi trường và cần đưa ra các giải pháp giải quyết đồng bộ những vấn đề trên.

Trước hết cần chú ý vấn đề sạt lở đất do khai thác mỏ, ô nhiễm nước ngầm (chưa nói các ô nhiễm khác), mất rừng và thảm thực vật, cũng như vấn đề bảo vệ và bồi phụ nguồn nước ngầm… Các DA cũng đã bắt đầu đầu tư cho công tác phục hồi đất, trồng lại rừng, phục hồi vật nuôi. Song với 13 tỉ đồng mỗi năm hiện nay đang đầu tư cho công tác môi trường thì còn quá khiêm tốn.

Để sản xuất ra 1 tấn alumin, sẽ phải chế biến 2,3-2,5 tấn bauxite, sử dụng 95-100 kg xút (NAOH), 800-1.000 kWh điện, 95 kg dầu nhiên liệu… chúng ta phải đối đầu với lượng quặng thải (bùn đỏ) khoảng 1,3-1,5 tấn/tấn alumin. Con số bùn đỏ sẽ khoảng gần 1 triệu tấn/năm. Bùn này có độ pH rất cao 13-13,2 (do sử dụng xút để chế biến bauxite) là nguy cơ chính gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường.

Hiện nay, theo quy định chung, bùn đỏ cần được trữ tại các bể chứa bùn, rồi được xử lý theo điều kiện của mỗi nơi.

Song song với những biện pháp nói trên, cần bổ sung và tăng cường thực hiện các giải pháp công nghệ xử lý nhằm tái sử dụng và tái chế bùn đỏ, góp phần thiết thực giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hơn hiệu quả của bauxite.

Các nhà khoa học của nhiều nước đã nghiên cứu những công nghệ xử lý và tái sử dụng bùn đỏ như một loại nguyên liệu có ích cho công nghiệp và xây dựng. Theo đó, bùn đỏ được sử dụng như các phụ gia để sản xuất gốm, sứ xây dựng và công nghiệp. Bùn đỏ đã tách nước gọi là Ferro-Alumin được đưa vào như nguyên liệu để sản xuất xi măng. Nước rỉ từ bể chứa bùn đỏ có thể tận thu TiO2 (Di-oxit-Titan) là nguyên liệu quý có giá trị xuất khẩu cao. Bùn đỏ trung hòa (đến pH = 7-8,5) phối hợp với tro bay (fly ash) được sử dụng rộng rãi như chất keo tụ và hấp phụ để xử lý nước thải sinh hoạt, bệnh viện và công nghiệp. Đặc biệt bùn đỏ có khả năng hấp phụ các kim loại nặng: chì, niken, kẽm, cadmi (Cd), arsen, đồng, crôm và thủy ngân.

Bùn đỏ hấp phụ được amoni (NH4+) vốn có trong nước thải đô thị, nước thải rỉ từ các bãi rác, nước thải chế biến hải sản, nước thải luyện cốc và cán thép… Trung hòa bùn đỏ tức là hạ pH của bùn, đang từ 13 - 13,2 xuống dưới pH = 9 bằng nước biển kết hợp với các phương pháp cấy vi sinh, vi nấm cũng là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” vừa để xử lý bùn vừa để lấp biển, làm kè, chống xói lở bờ biển.

Trong thời gian vừa qua, một nhóm các nhà khoa học của VN và các chuyên gia của một số tập đoàn hàng đầu về xử lý môi trường của Nhật Bản và Nga đã nghiên cứu về vấn đề này và dự kiến sẽ làm việc với Tập đoàn Viancomin của VN để cùng phối hợp triển khai việc xử lý bùn đỏ.

PGS-TS Nguyễn Xuân Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.