Con đường ban đầu

01/11/2008 23:00 GMT+7

Từ ngày 3 - 9.11, tại Trung tâm Nghệ thuật Việt - Viet art (Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh lần đầu tiên của một cây bút nữ đã rất quen thuộc: Võ Thị Hảo.

Có vẻ như hội họa mang lại cho người ta nhiều tự do hơn so với các ngành nghệ thuật khác. Lý do nằm ở chỗ hội họa chấp nhận cho họ được sai, được méo mó, được không phép tắc, khuôn mẫu, được hớ hênh, được lỏng lẻo, được nhầm lẫn, được mơ hồ, được ngây thơ, dại dột. Trong bối cảnh hiện đại, những ưu điểm nêu trên của hội họa ngày càng rõ.

Tôi nghĩ, tinh thần tự do của hội họa đã quyến rũ Võ Thị Hảo và cũng có thể hiểu chị đã tìm thấy tự do trong hội họa. Kỹ năng ở một số ngành nghệ thuật không quá quan trọng. Kỹ năng chỉ là phương tiện, nó giúp người ta làm đúng và nhanh hơn mà thôi trong khi nghệ thuật đâu phải là chuyện đúng sai. Một họa sĩ chuyên nghiệp với một nhà văn chuyên nghiệp cầm bút vẽ chỉ khác nhau 1% ở khu vực kỹ năng. Để vẽ thì không ai vẽ bằng tay cả. Ấy là chưa kể mỗi một họa sĩ phải tạo ra một loại kỹ thuật cho mình. Cứ tưởng có kỹ năng, kỹ thuật thì dễ vẽ hơn nhưng ai là họa sĩ đều biết đó là con dao hai lưỡi. Kỹ năng, kỹ thuật quá sẽ khô khan, cứng nhắc, hết đất cho cảm xúc bộc lộ.

Còn 99% giống nhau của các nhà văn vẽ và họa sĩ chính là người ta vẽ bằng sự trải đời, bằng văn hóa sống, bằng năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bằng đam mê hội họa, bằng mơ  mộng. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thích chữa lại chữ mơ mộng bằng phù phiếm. Võ Thị Hảo có tất cả các điều này, ngoài ra chị còn có thêm những điều khác nữa, đó là một chút lần đầu, một chút điên dại, một chút vô chiêu, một chút liều lĩnh, một chút núi lửa trong lòng khi vẽ. Thêm một chút vụng về (rất cần thiết trong nghệ thuật) và cả không phải một chút mà là một cánh đồng tự do của người không biết kỹ thuật, kỹ năng.

Khi xem tranh của Võ Thị Hảo, người xem có cảm giác chị vẽ là do sự dẫn dắt của một linh cảm hội họa nào đó, một cảm xúc thẩm mỹ từ thẳm sâu trong chị. Điều này khó lý giải và có lẽ cũng không hẳn là cần thiết phải lý giải. Tranh của Võ Thị Hảo vì thế mà tự nhiên tránh được những căn bệnh của phần đông người mới vẽ là cố vẽ giống và bệnh của nhà văn vẽ là thích áp đặt cho hội họa quá nhiều ý tứ. Các nhà văn có quyền được vẽ nhưng tốt nhất khi vẽ thì họ đừng quá văn thôi. Người mới vẽ bức tranh đầu tiên và người đã vẽ được trăm bức thì thâm niên màu như nhau. Vì mỗi người đã có sẵn một bảng màu trong mình. Màu không ai dạy ai được. Màu không có tuổi, sinh ra là đã có rồi. Bảng màu của Võ Thị Hảo không chói lọi, rạng rỡ  xanh đỏ tím vàng bắt mắt. Đó là một bảng màu của khó đẹp, khó vẽ, khó xem nhưng cũng khó quên vì nó là màu của trầm trầm, đùng đục, âm u, xám lạnh, khô, màu của gạch ngói cũ, của lá úa, của nói thầm, của không rõ ràng... Buồn nhưng đẹp.

Chính vì thế nên cái bảng màu này lại xem được lâu. Tôi muốn nhấn mạnh đây là một bảng màu hiếm (màu không màu). Hội họa Việt Nam đã có những bảng màu thâm trầm của Nguyễn Tư Nghiêm, của Trần Trung Tín nhưng Võ Thị Hảo vẫn khang khác. Hình như biết rằng sống khó thì mới vẽ được và dễ đến được với hội họa hơn. Căn nguyên của hội họa là ở đó chứ không phải bắt đầu vẽ sớm hay muộn, chuyên nghiệp hay không.

Tôi không muốn khen chê, tôi không muốn nói đến được mất, thành công thất bại, hay dở, xấu đẹp, khôn dại của khoảng ba chục bức tranh trong triển lãm lần này của Võ Thị Hảo, tôi chỉ thấy rằng những bức tranh đó là một không khí hội họa thực sự. Bao giờ thì tạo ra không khí tạo ra cái không nắm bắt được, cái không nhìn được, cái chỉ để cảm mới khó, tuy vẫn biết hội họa là nghệ thuật của nhìn.  

Lê Thiết Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.