Cần duy trì lạm phát ở mức nào?

21/10/2005 23:33 GMT+7

Năm 2005, Chính phủ không thực hiện được mức kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (lạm phát) dưới 6,5%. Và đây là điều khiến các đại biểu Quốc hội (QH) không yên tâm hay nói đúng hơn là lúng túng khi quyết định chỉ số lạm phát cho năm 2006. Sáng qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy đã nói về vấn đề này trước khi QH kết thúc phần thảo luận về nhiệm vụ năm 2006:

"Việc đề ra mục tiêu lạm phát là cần thiết nhưng thưa QH, mục tiêu như thế nào phải có tính khả thi. Chúng ta phải cân nhắc, nếu tăng trưởng kinh tế nhanh, tức là mức lạm phát phải cao hơn tăng trưởng chậm, tăng trưởng nóng thì mức lạm phát phải tăng cao. Có ý kiến cho rằng cần phải tăng lạm phát cao để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Chính phủ cho rằng đó không phải là mức tăng trưởng bền vững cho nên phải kiểm soát lạm phát. Nhưng bây giờ, kiểm soát ở mức nào thì QH chưa đồng tình với Chính phủ, nói rằng phải thấp hơn tăng trưởng nhưng không có con số cụ thể. Ở một số nước hiện nay (khoảng 10 nước) thực hiện mô hình kiểm soát lạm phát mục tiêu, tức là đề ra mục tiêu rõ ràng. Chẳng hạn như lạm phát 2%, thống đốc ngân hàng T.Ư phải chịu trách nhiệm giữ mức lạm phát này với một biên độ cho phép cộng trừ 50%, nếu lên đến 3% vẫn chấp nhận được và xuống đến 1% vẫn coi là hoàn thành mục tiêu. Nhưng chỉ có những nước có nền tài chính và kinh tế mạnh mới dám áp dụng lạm phát mục tiêu kiểu đó. Còn theo kinh nghiệm của chúng tôi, một nền kinh tế phát triển bền vững là nền kinh tế duy trì được lạm phát ở mức thấp hơn tăng trưởng 1%-2%.

Ở nước ta, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2006 là 8% thì lạm phát nên ở mức 6%-7% chứ không nên cứ nhất định là 6% hay 7%. Nếu kinh tế tăng trưởng nhanh hơn 8,5%, lạm phát có thể cho phép 6,5-7,5%. Nguyên Tổng giám đốc của IMF cũng đã từng gợi ý cho Việt Nam chỉ số hợp lý này".

T.Nhung (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.