Lợi thế nhiều nhưng hiệu quả thấp

09/11/2009 15:17 GMT+7

(TNO) Hôm nay 9.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT).

Các ý kiến phát biểu đều tán đồng với báo cáo kết quả của đoàn giám sát, ghi nhận vai trò và những đóng góp của các TĐ, TCT. Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) QH chưa hài lòng với việc hiệu quả sử dụng đồng vốn của nhà nước ở các đơn vị này.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng việc các TĐ, TCT chiếm tới 60% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền, trong đó có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng chỉ đóng góp 40% GDP là chưa tương xứng.

Theo kết quả giám sát thì chỉ có ít các TĐ, TCT lãi ở mức trên 15%. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng ngay cả với mức lãi kể trên cũng không thể gọi là cao được, so với những lợi thế vô cùng lớn mà nhà nước ưu ái cho các đơn vị này. Bỏ qua các lợi thế về tài nguyên, ngay cả chuyện đi vay vốn thôi thì “không có đơn vị nào đi vay tiền dễ bằng các TĐ, TCT” - ĐB Nguyễn Đình Xuân nói.

Báo cáo giám sát cho biết, do kinh doanh có hiệu quả nên một số TĐ, TCT đã được bổ sung vốn kinh doanh. Nhưng ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) lại băn khoăn: Phải xem xét việc bổ sung này được bắt nguồn từ đâu. Nếu bổ sung vốn từ những hoạt động không bền vững như từ chứng khoán, bất động sản thì phải xem xét chứ không nên tự hào.

Có những TCT càng kinh doanh càng lỗ, số lỗ năm sau cao hơn năm trước. Đơn cử TCT Dâu tằm tơ lỗ lũy kế đến 31.12.2007 là 59,78 tỉ đồng, phát sinh lỗ 301 triệu đồng, lỗ lũy kế đến 31.12.2008 là 61,28 tỉ đồng, lỗ phát sinh 1,75 tỉ đồng. TCT Cà phê lỗ lũy kế đến 31.12.2006 là 589,68 tỉ đồng, phát sinh lỗ 16,14 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến 31.12.2008 là 482,53 tỉ đồng, lỗ phát sinh 19,04 tỉ đồng…

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lo lắng: “Để càng lâu thì tài sản của nhà nước càng bị thất thoát, trong khi trách nhiệm của người làm ra sự thua lỗ thì ngày một mờ nhạt đi, về hưu hạ cánh an toàn”.

Hơn 45% các TĐ, TCT hoạt động hiệu quả thấp

Kết quả kinh doanh tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các tập đoàn, tổng công ty năm 2008: có 35/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên 15%; 15/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 10-15%; 20/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 5-10%; 18/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận dưới 5%; 3/91 đơn vị thua lỗ.

Như vậy, có 25,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5% và 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%. Qua đó cho thấy một tỷ lệ không nhỏ (45,05%) các TĐ, TCT hoạt động hiệu quả thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%), làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.

Đầu tư trái nghề hiệu quả thấp hơn nghề chính

Tính đến cuối năm 2008, có 34 TĐ, TCT đầu tư 14.263 tỉ đồng vào tổ chức tín dụng; có 18 TĐ, TCT đầu tư 3.098 tỉ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm; có 34 TĐ, TCT đầu tư 2.039 tỉ đồng vào chứng khoán... Hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính gộp chung của 47 TĐ, TCT vào lĩnh vực tài chính năm 2007 là 9,24%; năm 2008 là 4,78%, nhìn chung là thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này.

(Báo cáo giám sát của UBTVQH)

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.