Tranh Việt và "vương quốc riêng" của nhà sưu tập

02/11/2006 16:37 GMT+7

Có nhiều giai thoại vui kể về tranh. Một người đàn ông mua được bức tranh "rác" từ hàng gánh của bà đồng nát phút chốc bỗng sở hữu gia tài "khổng lồ" vì đó là tác phẩm nổi tiếng của một danh họa. Một người chơi tranh khác dám bỏ ra hàng chục nghìn đô-la để mua một bức "tranh cổ", còn người bán là một nhà sưu tập nổi tiếng viết giấy tay cam đoan "tranh thật 100%" rồi bỗng nhiên xuất hiện một bức khác "giống hơn thật" cũng mang một số phận ly kỳ không kém. Những câu chuyện hấp dẫn úp mở đó hé lộ một "vương quốc riêng" của các nhà sưu tập.

"Vương quốc" của các nhà sưu tập được hình thành cho thấy trước hết là tính tự phát, lòng đam mê, tình yêu tranh... pháo (!). Ông Đỗ Huy Bắc, một cái tên có hạng, thăng trầm và khá nổi tiếng trong làng sưu tập tranh quả quyết: "Không chỉ VN mà trên thế giới, tôi cam đoan rằng không có một trường nào dạy nghiệp vụ về nghề sưu tập. Bởi nghề này không thể dạy mà nên được. Nó là tự học và đam mê!". Ông Bùi Quốc Chí, hiện là Giám đốc gallery Đức Minh (31C Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) cũng đồng ý như vậy: "Sưu tập tranh là nghiệp, không thể là nghề được. Cái ngòi nổ ấy nó lặn đâu sâu trong người. Một ngày nó "văng miểng" là mình phải vứt mọi việc theo nó không thể cưỡng lại được!".

Nói như ông Chí là hơi ly kỳ bởi ông là con trai của nhà sưu tập Đức Minh nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng cuộc đời ông Chí rẽ nhiều bước ngoặt. "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ kế nghiệp cha mình", ông nói, "Tôi vốn được gia đình cho đi học thành một kỹ sư xây dựng!".


Chân dung anh bộ đội, nhà thơ Hoàng Cầm vẽ sau Giải phóng Thủ đô 10 ngày của họa sĩ Lưu Văn Sìn (trong bộ sưu tập Đỗ Huy Bắc)
Có thể xem ông Đức Minh là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên của sưu tập tranh VN. Xung quanh câu chuyện nói về bộ sưu tập giá trị của nhà Đức Minh bị "vỡ tổ" cũng đã có thể viết lại thành cuốn tiểu thuyết. Là một người giàu có, buôn bán kim hoàn, yêu tranh, sưu tập tranh, ông Đức Minh có điều kiện sở hữu nhiều tranh "mét", tranh của các danh họa tốt nghiệp trường Đông Dương, các họa sĩ hàng đầu VN từ Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Ông Đức Minh cũng đã từng qua Paris tham gia đấu xảo tranh. Chính ông đã mua lại được hai bức tranh nổi tiếng Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh và Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân. Sau khi ông mất bộ sưu tập tranh của gia đình không giữ lại được phải bán ra ngoài. Người mua được rất nhiều là ông Danh Anh. Ông này "đánh hơi" được tầm mức "vô giá" của tranh quý bởi ông vốn là con của một thương gia buôn đồ cổ ở phố Hàng Đường (Hà Nội). Vì thế, ông đã bán hết nhà cửa, ti-vi, máy móc, "vay nóng" trả lãi suất cao để mua tranh "vỡ ra" từ bộ sưu tập Đức Minh. Sau này, như nhiều người kể lại, ông Danh Anh chỉ cần bán 1,2 bức tranh là có thể mua được 1 căn nhà (!) thời giá bấy giờ.

Ở thế hệ những nhà sưu tập đầu tiên ở Hà Nội còn có thể kể ông Bổng Hàng Buồm, ông Giáo Đạm, ông Việt Chiến, Nguyễn Hào Hải, ông Lê Vượng (nhà nhiếp ảnh), ông Trương Đầu Bạc... Phải nói đây là thế hệ đam mê sắc màu, hội họa một cách trong sáng. Những câu chuyện về ông Bổng Hàng Buồm sẵn sàng nhịn "cơm bao cấp", đi ăn chực bạn bè một bữa đặng dùng tiền mua màu, toan, giấy... đổi tranh cho họa sĩ. Hay buổi tối thường đến nhà Bùi Xuân Phái xem vẽ. Cái nào ông Phái không vừa ý, vứt vào sọt rác thì "nhà sưu tập" nhặt về ủi thẳng, cất giữ. Cao tay hơn nữa là chuyện ông Bổng "đón đầu" tại xưởng in Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn, đổi thuốc lá, cà phê, trà... cho các công nhân sau khi báo in xong để lấy các minh họa báo của các họa sĩ nổi tiếng. Bộ sưu tập này "đắt giá" và "nổi tiếng" đến nỗi triển lãm 40 năm thành lập Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn phải mượn trở lại bộ "minh họa" của ông Bổng. Từ những người yêu tranh thực thu,å họ đã trở thành nhà sưu tập sở hữu nhiều tranh quý.


Bút tích của nhà thơ Hoàng Cầm xác nhận về bức tranh của họa sĩ Lưu Văn Sìn
Thế hệ sưu tập thứ hai hình thành có mùi 'kinh tế" thị trường hơn đó là các tên tuổi Lê Thuận, Đỗ Huy Bắc, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí, Trần Mạnh Đạt, Dũng Vĩnh Lợi, Trần Lê Nguyễn, Mai Nghĩa, Huỳnh Nga... Thế hệ thứ ba có thể kể Lê Thái Sơn, Mai Gallery... Ở họ hình thành những phong cách sưu tập khác nhau. Có người chuyên về dòng tranh các họa sĩ nổi tiếng ở miền Nam như Thái Tuấn, Đinh Cường, Nguyễn Trung, người chuyên về hội họa trừu tượng hiện đại của các họa sĩ trẻ.

Nhưng cao hơn hết, vẫn là ý kiến đáng ngẫm nghĩ của nhà sưu tập Bùi Quốc Chí. Ông Chí ao ước là làm sao chuyển đổi được vị trí của nhà sưu tập thành bảo tàng để có thể trưng bày những bức tranh nổi tiếng của các danh họa VN để  tất cả những người yêu hội họa thưởng thức. "Chúng tôi đã nhận được sự quản lý đúng mức nhưng vẫn chưa nhận được quan tâm đúng mức. Có chính sách thành lập bảo tàng tư nhân hiện nay là nhu cầu có thực của nhiều nhà sưu tập và thái độ tôn vinh văn hóa. Những giá trị đích thực cần để nhiều người cùng thưởng thức", ông Chí nói.

Họa sĩ và các nhà sưu tập đã nói gì?

Nhà sưu tập Bùi Quốc Chí: "Nhiều người vẫn nhầm "đồ cũ" là "đồ cổ". Đó là cái khó cần phải biết của nhà sưu tập tranh. Nhưng cao hơn "sưu tập tranh" chính là "bảo tàng tranh" điều mà tôi đang ao ước. Bởi sưu tập đã dừng lại ở chỗ chỉ tìm kiếm những cái "tôi" thích, còn bảo tàng đối tượng phục vụ rộng lớn hơn, đó là công chúng. Hiện tôi vẫn còn giữ được hơn 500 bức tranh là "xương sống" từ bộ sưu tập của cha tôi là ông Đức Minh, rất có giá trị rất muốn đưa ra cho người yêu nghệ thuật thưởng ngoạn. Nhưng từ người sưu tập trở thành bảo tàng tranh vẫn là cả một chặng đường dài. Tôi rất muốn có được sự hỗ trợ về phía Nhà nước cũng như có những chính sách, văn bản rõ ràng hơn để ý nguyện này được thực hiện trong tương lai không xa".

Họa sĩ Trần Hải Minh: "Theo tôi, ở VN tầm cỡ sưu tập được nhiều tranh quý như Đức Minh là rất hiếm. Ông Minh ý thức được giá trị của tranh và theo đuổi rất sớm. Ông đến với nghệ thuật với cái tâm của mình. Còn nhà sưu tập hôm nay phải nhắc đến Trần Hậu Tuấn bởi anh ta có nghiệp vụ và sở hữu được nhiều tranh giá trị".

Nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc: "Nghề sưu tập là nghề đầy rủi ro chứ không phải dễ thành công như nhiều người vẫn nghĩ. Tất cả chỉ dựa trên lòng đam mê và năng khiếu. Biết đánh giá, hiểu đúng tiềm lực của tranh và thời cuộc. Tuy nhiên, những giá trị thành công của nghề là không thể so sánh. Ví dụ, như trong chuyến đi Pháp năm 1995, thật bất ngờ tôi mua được một bộ tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu trên 30 bức trong triển lãm của ông tại đây từ năm 1990. Khi đưa tranh về nước họa sĩ cũng rất bất ngờ và cảm động. Làm sao sưu tập và gìn giữ được những tranh quý vẫn là thao thức của những nhà sưu tập có tâm huyết".


Ảnh: Đông Dương
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn: "Tôi chỉ dám nhận mình là một người mê tranh, chơi tranh và đang có ý thức trở thành nhà sưu tập tranh. Sưu tập hiện đại tôi nghĩ cần theo sát không khí hội họa, phải xem triển lãm nhiều, khiêm tốn nghiên cứu học hỏi các trào lưu nghệ thuật mới của thế giới. Bởi vì chưa lúc nào nhiều trường phái nở rộ như hiện nay. Tôi vẫn theo dõi thường niên các hội chợ nghệ thuật của khu vực như Art Singapore tổ chức hằng năm vào tháng 10. Quan điểm của tôi mua tranh vẫn theo cảm nhận cá nhân, đầu tiên phải là tác phẩm đẹp, gây xúc động chứ không hẳn là tác giả nổi tiếng". 

Cảnh Hưng (ghi)

 Đ.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.