Cuối năm, về xóm bún...

21/01/2004 11:39 GMT+7

Thôn Giáng Nam 1 nằm bên này sông Tứ Câu, ven quốc lộ 1A, thuộc xã Hòa Phước (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Xưa xóm có biệt danh xóm Bún, nay trong xóm mọc lên mấy lò gạch, vài bãi cát ven sông cạnh nhiều chân ruộng 2 mùa.

Các em học sinh nơi đây vốn siêng năng, ngoài giờ học thường đi vác gạch, xúc cát thuê giúp cha mẹ và chiều chiều thường rủ nhau ra sông cào hến. Chiều 13/07/2003 có 7 em từ 10 đến 17 tuổi xách rá ra bờ sông vắng để “kiếm thêm ít tiền mua sách vở”. Gặp nước ròng, cả đoàn men theo bờ có nhiều cỏ lùng, lau sậy. Được khoảng nửa giờ, tai nạn xảy ra, nước sông nhấn chìm các em Nguyễn Thị Mỹ Vân và Lê Thị Thúy Hà (cùng lớp 6 trường THCS Hoà Phước 1). Nghe tiếng kêu, em Lê Thị Trúc Loan (lớp 11/1 trường Phan Thành Tài) lao ra sông cứu nhưng do bị 2 em Vân và Hà níu tay nên Loan sẩy chân, chìm theo dưới hố cát sâu hơn 5m dọc lòng sông. Sau gần cả tiếng đồng hồ lặn hụp, người ta mới đưa được xác 3 em lên bờ. Không còn kịp nữa, cả Thúy Hà, Mỹ Vân và Trúc Loan đều vĩnh viễn ra đi!

Mới đó đã nửa năm, ngày 11/01/2004, chúng tôi trở lại xóm Bún, trao 1.021.000đ do bạn đọc gửi tặng gia đình các em cũng là lúc vài nhà chuẩn bị cúng tất niên. Chị Lê Thị Liên, mẹ em Loan từ dưới ruộng chạy về, đôi chân còn bê bết bùn, rưng rưng nước mắt trước tấm lòng bạn đọc. Chị vốn là thương binh, chồng bị tai nạn giao thông. Với 2 sào ruộng và vườn, chị một tay quần quật nuôi cả gia đình. Anh Lê Phát, cha em Thúy Hà, là thợ hồ, cuối năm hết việc, đang dành chút thời gian ngồi trước bàn thờ con gái của mình.

Nhận khoản tiền nhỏ từ tay phóng viên Thanh Niên, ông nói như phân trần: “Tôi bận bịu quá, lại ít chữ nghĩa, đúng ra phải viết lời cảm tạ rất nhiều cơ quan, đoàn thể, báo chí... đã đến thăm”. Trong khi đó em Nguyễn Thị Mỹ Vân, cô bé nhí nhảnh ngày nào, nay vẫn như tươi cười trong nghi ngút khói nhang. Cha em, anh Nguyễn Tuấn, đang chuẩn bị cúng cuối năm. Anh không kiềm được nỗi xúc động khi biết mục đích của chuyến đi. Thấy chúng tôi áy náy về khỏan tiền khiêm tốn, 1 đồng nghiệp Đài Truyền thanh Hòa Vang cùng đi, an ủi: “Bà con xóm Bún còn nghèo, với họ khoản tiền ấy là niềm động viên không nhỏ”.

Chúng tôi ra về, lòng thầm nghĩ, nếu 2 em Mỹ Vân, Thúy Hà tuổi đời còn bé bỏng thì em Trúc Loan khi ra đi để lại bao kỷ niệm sau 17 năm có mặt trên đời. Chỉ vì muốn cứu sống 2 em nhỏ mà giấc mơ vào đại học của em đã muôn đời dừng lại. Sự ra đi của em là nỗi buồn thương của xóm Bún, là sự mất mát khôn nguôi của bạn học chung trường lớp và là nỗi đau không dứt của gia đình.

Theo các cụ già, cách nay khoảng 5 năm, người bên Giáng Nam 1 có thể lội qua bên Hòa Quý, Điện Ngọc (thuộc 2 huyện giáp ranh Ngũ Hành Sơn và Điện Bàn) mà không ướt đầu. Nay do có đội quân ghe thuyền hút cát từ nhiều nơi kéo về khai thác suốt ngày đêm, nên lòng sông bây giờ sâu hoắm. Cũng hồi trước ngày, đoạn sông Tứ Câu là nơi cư trú và sinh trưởng của loài hến ngọt nổi tiếng khắp vùng. Mỗi ngày có tới 100 - 150 người đổ về đây cào hến. Chính những con hến nhỏ ấy đã góp phần nuôi lớn họ và bao trẻ em nơi đây. Và thật trớ trêu, chính vì đi cào hến mà cách nay nửa năm, 3 em Vân, Hà, Loan đã bị chết đuối cùng thời điểm. Anh Lê Phát, cha của em Lê Thị Thúy Hà trầm ngâm nói: "Cháu nói với tôi xin tiền đi học hè. Tôi nói cứ đi đi, ba đi làm (thợ hồ) về, có tiền là cho. Ai ngờ..." Được biết, mỗi ngày Hà (cũng như nhiều bạn nhỏ trong xóm), xúc được khoảng 2 - 3 kg hến, mỗi ký 3 lon, mỗi lon bán được 500đ. Sáng 13/ 07/2003 anh Phát đi làm khi Hà còn ngủ, chiều tối khi ông về nhà thì em đã vĩnh viễn ra đi!

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.