Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chính phủ sẽ có giải pháp chống đầu cơ nhà đất"

26/10/2007 23:09 GMT+7

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ động có một cuộc trao đổi rất cởi mở và thẳng thắn với báo chí về những vấn đề lớn của nền kinh tế bên lề phiên thảo luận của Quốc hội.

* Thưa Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhưng chỉ số tăng giá cũng rất cao khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, đa số người nghèo không được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng kinh tế?

- Chúng ta mong muốn tăng trưởng cao và lạm phát ít hơn. Nhưng thực tế diễn biến thời gian qua có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Trong báo cáo Chính phủ đã nói rõ, chúng ta có nền kinh tế thị trường thì giá cả phải theo thị trường, giá cả thế giới tăng cao, chúng ta không thể cưỡng lại được. Tất nhiên, giá cả còn phụ thuộc vào năng suất lao động, chi phí sản xuất, đó là nguyên nhân chủ quan. Chính phủ cũng thừa nhận có những vấn đề là do chúng ta chưa lường hết được khi điều hành vĩ mô. Chẳng hạn, trong vòng 1 năm, dự trữ ngoại tệ đã tăng từ 12 tuần nhập khẩu lên 20 tuần. Tại sao vậy? Vì đầu tư nước ngoài vào mạnh quá (đó là điều đáng mừng) nhưng đô la chuyển vào nhiều, do không muốn nền kinh tế bị đô la hóa, chúng ta đã lấy tiền đồng để đổi lấy đô la. Trong vòng 6 tháng, chúng ta mua gần 9 tỉ USD. Cái dở ở đây là, đưa tiền ra nhưng rút tiền về thế nào? Đây là chuyện không thể làm bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng phát hành tín phiếu, trái phiếu, tăng dự trữ bắt buộc... Trong khi nền kinh tế phát triển nhanh nhưng chúng ta vẫn giữ những dự đoán về độ trễ đồng tiền chậm. Đây là yếu kém và chúng tôi đã nghiêm túc kiểm điểm trước Quốc hội.

* Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong chuyện này như thế nào, thưa Thủ tướng?

- Chính phủ sẽ có kiểm điểm rút kinh nghiệm, ở đây cũng phải nói rõ là anh em không cố ý làm trái mà là do tình hình mới không dự đoán được. Không ai có thể dự đoán được rằng vốn đầu tư lại tăng nhanh như vậy, 8-9 tỉ USD trong vòng 6 tháng. Nhưng đây cũng là bài học, hội nhập càng sâu thì biến động càng nhanh, càng lớn vì vậy công tác điều hành cũng phải nhanh chóng thích nghi.

* Thưa Thủ tướng, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang tăng rất mạnh nhưng trong báo cáo Chính phủ đánh giá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang kém, Chính phủ sẽ giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

- Việt Nam được xếp đứng thứ 6 trong 10 nền kinh tế thu hút vốn đầu tư lớn nhất thế giới. Dĩ nhiên chúng ta chưa thỏa mãn với điều đó; nếu làm tốt thì nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) còn lớn hơn và ODA còn giải ngân được nhiều hơn. Một nguyên tắc là trong nền kinh tế thị trường, vốn đã đổ ra phải có hiệu quả, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tìm những ngành, lĩnh vực hiệu quả để đầu tư. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư mang lại hiệu quả cao hơn. Điều này thì không đến nỗi phải lo lắng quá.

* Liên quan đến chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, thưa Thủ tướng, giá ô tô lắp ráp trong nước cao hơn 2 lần giá khu vực, phải chăng chính sách nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp ô tô đã thất bại?

- Công nghiệp ô tô thất bại hay không tôi không bình luận nhưng chuyện này nó có quá trình. Các liên doanh ô tô được cấp phép cách đây 10 năm, khi đó chúng ta có điều kiện trong giấy phép là nhà đầu tư phải cam kết mỗi năm tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 5% nhưng trở ngại này, trở ngại khác nên nhà đầu tư cảm thấy nội địa hóa không lợi bằng nhập. Nhưng chết nỗi là chúng ta không có chế tài để ràng buộc họ. Đây cũng lại là bài học nữa của chúng ta.

* Nhưng Chính phủ hoàn toàn có thể chủ động trong việc thay đổi chính sách?

- Hiện Chính phủ đang áp dụng mấy chính sách, thứ nhất là đánh thuế tính theo phụ tùng, tức là phụ tùng nào trong nước sản xuất được thì đánh thuế nhập khẩu cao loại phụ tùng đó và ngược lại chứ không tính thuế nguyên chiếc kiểu CKD nữa. Thứ hai, theo cam kết hội nhập, chúng ta sẽ phải mở cửa thị trường này, chúng ta phải đối xử công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Chúng ta sẽ thực hiện lộ trình giảm thuế xe nguyên chiếc để các doanh nghiệp liên doanh trong nước triệt để thực hiện nội địa hóa để tồn tại, vì nội địa hóa tốt sẽ được hưởng lợi từ giảm thuế linh kiện như nói trên. Chúng ta đang chuyển sang kinh tế thị trường và những thất bại ấy là những trả giá bắt buộc trong quá trình phát triển.

* Thị trường bất động sản với những "cơn nóng" bất thường đang tác động bất lợi đến nền kinh tế, Chính phủ có động thái gì trong vấn đề này?

- Kinh tế phát triển thì bất động sản lên giá, đó là điều bình thường nhưng Chính phủ sẽ có giải pháp hữu hiệu không để xảy ra tình trạng đầu cơ nhà đất. Kinh tế thị trường phải có cung-cầu, có lên xuống, vấn đề làm thế nào để nó vận hành một cách lành mạnh không có sự bất thường.

An Nguyên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.