"Giờ trưa" của sinh viên

26/10/2007 21:23 GMT+7

Vào giờ trưa, nếu đi qua khuôn viên các trường ĐH, CĐ thì hình ảnh dễ dàng đập ngay vào mắt chúng ta là cảnh "bạ đâu bệt đó" của sinh viên (SV). Trong khi đó, phòng học, thư viện đóng cửa im lìm vì chỉ hoạt động theo giờ hành chính.

Ngủ ngồi, học ngồi

12 giờ, khuôn viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM bắt đầu tấp nập. Từ ghế đá, cầu thang, góc hành lang, bên gốc cây, và tập trung nhất là dưới sàn nhà... rất đông SV tìm một chỗ để nghỉ trưa. Một số thì túm tụm chuyện trò, người học bài, người ngủ, nhưng tất cả đều trong tư thế... "bệt". Trên các cây cột của dãy nhà C mới xây là thông báo "cấm SV không được ngủ, nghỉ tại sảnh, hành lang, cầu thang". Trong khi đó, một số phòng của dãy nhà này vẫn mở cửa cả ngày nhưng chỉ dành riêng cho SV nước ngoài, lớp Nhật ngữ nam học...

Cũng tương tự là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Cứ sau giờ học buổi sáng, các cô tạp vụ đến quét dọn từng phòng, "mời" hết SV ra ngoài và khóa cửa cẩn thận để "đảm bảo vệ sinh cho giờ học buổi chiều, vừa tiết kiệm điện và bảo vệ tài sản cho nhà trường". Những bàn tự học ít ỏi ở khu nhà C, D và gần chục ghế đá giữa khuôn viên trường thật sự không đủ chỗ nghỉ ngơi cho SV. Thế nên SV nào nhanh chân thì còn chỗ ngồi, chậm chân thì đành "bạ đâu bệt đó". Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý SV trường cho biết: "Lúc đầu nhà trường có mở cửa phòng cho SV vào nghỉ trưa, nhưng nhiều SV không ý thức trong việc tiết kiệm điện cũng như giữ gìn vệ sinh chung. Do vậy hiện nay, trường chỉ có mở cửa tại một vài phòng và bố trí bàn ghế ở 2 khu C và D cho SV nghỉ trưa".

Theo chân SV trường ĐH Sư phạm TP.HCM qua bên ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM ngay sát bên cạnh để nghỉ trưa và học bài, chúng tôi mới thấu hiểu vì sao có cảnh đi nghỉ nhờ của những SV "vãng lai" này. Không chỉ có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, trường còn có nhiều phòng học mở cửa vào buổi trưa...


SV đang lên mạng, đọc báo, xem phim tại thư viện ĐH dân lập Hùng Vương vào buổi trưa

Trong khi đó, trường ĐH Quốc tế trước kia cũng có thời gian đóng cửa phòng học vào buổi trưa để bảo vệ các trang thiết bị phục vụ việc học như máy chiếu, hệ thống âm thanh, máy lạnh... Nay, nhà trường sử dụng phương án thuê hẳn một đội bảo vệ nghiêm ngặt và tạo điều kiện cho SV ở xa có chỗ nghỉ ngơi. Các bạn SV có thể chọn lựa hoặc nghỉ ngơi trong phòng học có máy lạnh, hoặc vào đọc báo, tài liệu, học bài... miễn phí trong phòng máy vi tính. Một số trường như: ĐH Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức), CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Kinh tế kỹ thuật công nghiệp II, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM... cũng mở cửa hội trường lớn, các phòng học, phòng tự học để SV vào nghỉ ngơi buổi trưa.

Thư viện theo giờ... hành chính

Đó là tình trạng chung của thư viện nhiều trường ĐH, CĐ hiện nay. Phòng mượn trả sách, phòng đọc, phòng máy vi tính... trong thư viện trường ĐH Sư phạm TP.HCM đều gói gọn tại một địa bàn. Giờ hoạt động của thư viện được ghi rất rõ ngay tại cửa là sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 30 đến 16 giờ 30. Còn khoảng trưa thư viện không phục vụ vì là giờ nghỉ! Thư viện trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tuy có phân chia riêng biệt từng khu mượn trả sách, phòng đọc sách, phòng đọc báo, tạp chí, phòng tự học, phòng máy tính... nhưng tất cả cũng không mở cửa vào giờ trưa.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm thấy thư viện có hoạt động vào giờ trưa như: Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, thư viện trường ĐH dân lập Hùng Vương... Riêng thư viện Khoa học tổng hợp phục vụ từ thứ ba đến chủ nhật, trong đó các phòng đọc, phòng máy tính, kho dữ liệu phục vụ liên tục từ 7 giờ 30 đến 19 giờ. Thư viện trường ĐH dân lập Hùng Vương cũng mở cửa liên tục từ 7 giờ 30 tới 17 giờ 30 mỗi ngày trong tuần. Riêng khoảng thời gian từ 12 giờ trưa tới 13 giờ 30 chiều, kho sách đóng cửa cũng như ngưng hoạt động mượn, trả sách, nhưng phòng đọc vẫn phục vụ SV đọc báo, xem tạp chí, xem các chương trình trên truyền hình cáp, lên mạng tìm kiếm thông tin...

Có nhiều nguyên nhân mà thư viện các trường không mở cửa vào giữa trưa, trong đó cốt lõi nhất là do thiếu nhân sự. "Trường chúng tôi có đến 20.000 SV theo học nhưng cán bộ thư viện thì chỉ có... 13 người. Thật sự trường rất muốn mở cửa cho SV vào giữa 2 buổi để các bạn có thể đọc sách, báo thư giãn nhưng nhân sự quá mỏng nên lực bất tòng tâm", anh Vũ Trọng Luật - Phó giám đốc thư viện trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết.

Thư viện không những nên được tạo điều kiện hoạt động thường xuyên để phục vụ nhu cầu tra cứu, học tập cho SV mà còn nên được coi là... "phòng nghỉ tri thức" để khuyến khích SV đến đó và thư giãn sau chuỗi giờ học căng thẳng.

Tiến sĩ Bạch Văn Hợp - Hiệu phó trường ĐH Sư phạm TP.HCM:
"Việc mở cửa thư viện và các phòng học vào buổi trưa thì nhà trường gặp một số khó khăn như nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất... Bên cạnh đó, thời gian giao ca của những lớp học 2 buổi chỉ có 30 phút nên phải dành để dọn vệ sinh. Tuy nhiên, thời gian tới trường sẽ xem xét các nhu cầu của SV so với khả năng đáp ứng của nhà trường. Có thể, trường sẽ thực hiện phương án sắp xếp thời khóa biểu để mỗi SV không phải học 22 buổi, cũng như sẽ nghiên cứu thêm phương án nới rộng thời gian hoạt động của thư viện".

Ông Hồ Văn Thủy - Trưởng thư viện trường ĐH dân lập Hùng Vương:

"Trường không có khuôn viên rộng, nên mở cửa thư viện vào giờ trưa là để tạo cho SV chỗ nghỉ ngơi và giải trí. Đó cũng là cách thu hút SV đến với thư viện, giúp SV quan tâm hơn chuyện học hành, bài vở. Nếu chỉ hoạt động theo giờ hành chính, SV sẽ không có điều kiện để khai thác triệt để nguồn thông tin khổng lồ từ các thư viện, nhất là khi mà hệ thống thư viện điện tử đang ngày càng phát triển như hiện nay".

Hà Ánh (ghi)

Bài, ành: Trí Quang - Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.