Vì sao hệ CĐ thiếu sinh viên?

16/10/2009 08:05 GMT+7

(TNO) Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009 đã kết thúc, các trường ĐH, CĐ đang thu nhận hồ sơ thí sinh (TS) trúng tuyển nguyện vọng (NV) 3 đăng ký nhập học để hoàn tất công tác tuyển sinh năm học 2009-2010.

Hiện vẫn còn nhiều TS bị trượt cả ba NV, thế nhưng cũng không ít trường bị thiếu hàng trăm sinh viên (SV). Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, gây “điêu đứng” cho một số trường CĐ.

Tâm lý thích ĐH hơn CĐ

Ở hai NV1 và 2, các trường CĐ thường gọi khá nhiều TS nhập học, thậm chí gấp đôi chỉ tiêu ở cả ba NV của trường. Cụ thể, trường CĐ Nguyễn Tất Thành, xét NV1 gọi gần 6.000 TS, gấp đôi chỉ tiêu 3.000 ở cả ba NV, thế nhưng số lượng TS nhập học chưa đến 50%, kết quả tương tự ở NV2, gọi gần 1.000, chỉ tuyển được khoảng 500.
 
Giải thích lý do tại sao trường thiếu khá nhiều TS ở NV1 và 2, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Nguyễn Tất Thành, Trần Ái Cầm cho biết, tâm lý phụ huynh TS thường thích ĐH hơn CĐ. Do đó, ở hai NV này đa số họ chọn các trường ĐH. Đến NV3, khi không còn khả năng trúng tuyển ĐH, mới bắt đầu nộp đơn vào các trường CĐ. Đây cũng là khó khăn chung của các trường CĐ. Mặc dù nhà trường đã tính toán, cân nhắc và khá lo lắng vì nếu gọi quá cao, với điểm chuẩn thấp, nhiều TS nộp đơn thì sẽ bị vượt chỉ tiêu nhưng nếu xét điểm chuẩn cao thì không đủ chỉ tiêu, và không thể hạ điểm chuẩn được.

Thiếu một trong hai yếu tố là nhu cầu xã hội và sở thích, nguyện vọng của TS sẽ gây ra thực trạng thiếu SV ở một số trường. Nếu TS chọn NV đúng ngành nghề xã hội đang cần và dễ có việc làm thì thực trạng này sẽ phần nào được giải quyết. Ngoài ra, các trường cũng cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về các ngành nghề đào tạo và đầu ra của trường mình, nên điều tra nhu cầu của xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp để thu hút SV. Về phía TS, cần định hướng rõ các ngành mà hiện nay cung lớn hơn cầu như ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… hầu như trường nào cũng đào tạo, còn một số ngành thì xã hội cần nhưng nguồn cung ứng chưa đủ như khoa học công nghệ...

Đỗ Quốc Anh - Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM

Phó phòng Đào tạo trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, Phùng Khối Anh cũng có nhận định tương tự, khi kết thúc mùa tuyển sinh năm nay, trường chỉ đạt tỷ lệ 54% so với số lượng TS trúng tuyển ở cả ba NV. Mặc dù nhìn tổng quan, trường vẫn đạt 94% so với chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao là 400, vì theo thống kê của trường, tính đến ngày 8.10, đã có 376 TS đã hoàn tất hồ sơ nhập học.  

Hệ CĐ ở các trường ĐH cũng gặp tình cảnh tương tự. Nếu như tỷ lệ tuyển sinh ĐH ở các trường đa số đạt từ 70-80% trở lên thì ở hệ CĐ, tỷ lệ này chỉ đạt 40-50%. Theo thông tin từ Phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, ở hệ ĐH, trong tổng số 1.500 chỉ tiêu, đã có 1.300 TS nhập học ở NV1 và 2, số TS trúng tuyển NV3 là 253. Số liệu này cho thấy trường có khả năng tuyển vừa đủ hệ ĐH.

Tuy nhiên ở hệ CĐ, Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Thị Mai Bình cho biết, tỷ lệ nhập học so với tỷ lệ trúng tuyển chỉ đạt 40%. Điều đó cho thấy TS đăng ký nhiều trường nhưng chỉ chọn một trường để học và thường ưu tiên chọn hệ ĐH. 

Ở trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, trong chỉ tiêu 500 cho cả ba NV, tỷ lệ nhập học NV1 ở các ngành đạt khoảng 70% so với chỉ tiêu thì đến NV2, tỷ lệ này giảm đáng kể. Cụ thể ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, không có TS nào nộp hồ sơ nhập học, và ngành Công nghệ thông tin chỉ có 5 TS. Tất cả bốn ngành ở NV2 chỉ có 27 TS đăng ký nhập học. Vì đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh, nên nhiều TS chưa biết đến trường và xem trọng hệ ĐH hơn.

TS cần được định hướng đúng

Lý giải về nguyên nhân thiếu SV, thạc sĩ Nguyễn Thế Lực, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ bán công Công nghệ và quản trị doanh nghiệp cho rằng nhận thức của người học chưa thay đổi khi quá xem trọng trường ĐH. Khi rớt NV1, TS có hai giấy báo điểm, nếu biết định hướng, nắm bắt tình hình tuyển sinh thì nên nộp một đơn vào trường ĐH, một vào trường CĐ, nhưng có một số TS nộp cả hai NV vào ĐH và rớt cả hai. Trong khi đó, các trường CĐ lại thiếu TS.

Mặc dù theo thống kê, không ít TS đạt điểm 10 các môn thi năm nay, thế nhưng kết quả vẫn không vào được trường mong muốn vì chưa biết lượng sức mình. Ngoài ra, khi tìm hiểu một trường để đăng ký NV, đa số TS chỉ biết đến tên và quyết định thành lập, danh tiếng, các ngành “hot” mà không xét đến cơ sở vật chất và “đầu ra” của trường cho SV tốt nghiệp trong tương lai.

“Điều đó cho thấy TS đã không chọn đúng trường. Do đó, chúng ta nên định hướng cho học sinh từ khi học cấp 2, nếu không có khả năng học tiếp lên cấp 3, nên chọn vào trường nghề để học lên CĐ nghề. TS nên xác định rõ khả năng của mình, bên cạnh đó, phải biết phân tích, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới và thông tin cụ thể của các trường ĐH để chọn trường cho phù hợp”, thạc sĩ Lực chia sẻ.

Còn trường CĐ Bách Việt thì phải bù thêm 100 chỉ tiêu của NV2 còn thừa (do TS trúng tuyển bỏ, không đến đăng ký nhập học) để xét thêm NV3. Thạc sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường cho biết, điều này cũng khẳng định sự định hướng của TS rất dễ thay đổi, mặc dù đăng ký học trường này, nhưng rất nhiều khả năng bỏ, không học và tiếp tục xét NV3 ở một trường khác.

 Cẩm Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.