Người giàu Việt Nam - Người đi trồng rừng

13/11/2009 23:26 GMT+7

Người làm nên thương hiệu gỗ Trường Thành và hiện giữ cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc - ông Võ Trường Thành - nói rằng mình không phải là người mơ mộng mà chỉ biết lập các kế hoạch kinh doanh.

Nỗi lo thiếu rừng

Hơn 10 năm qua, những siêu thị nổi tiếng, những tập đoàn phân phối lớn có uy tín ở châu u, châu Á... đã tiếp nhận sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) và đưa đi tiêu thụ tại nhiều nơi trên thế giới. Việc ngày càng có nhiều đơn đặt hàng khiến ông Thành ngày càng lo lắng vì phải luôn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu - đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Khởi nghiệp năm 1993 với một xưởng sơ chế nhỏ, ông Võ Trường Thành chỉ có vốn ban đầu 3.000 USD với số công nhân ít ỏi. Đến nay, Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành đang có 7 nhà máy tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương và TP.HCM cùng 11 công ty con. Ước tính năm 2009, Trường Thành đạt doanh thu 1.200 tỉ đồng. Tập đoàn đã chuyển thành công ty cổ phần và niêm yết tại sàn TP.HCM từ đầu năm 2008 (mã chứng khoán TTF) với 20 triệu cổ phiếu (tương ứng tổng vốn điều lệ đạt 200 tỉ đồng). Bản thân ông Võ Trường Thành và những người thân trong gia đình hiện nắm giữ số cổ phiếu chiếm khoảng 40% vốn điều lệ của TTF.

Kế hoạch phải trồng rừng để từng bước thay thế gỗ nhập khẩu đã được ông Thành vạch ra khá lâu nhưng cũng chỉ được thực hiện gần đây. Sau 3 năm, bên cạnh những cánh rừng trồng mới, TTF còn tìm kiếm và mua lại những cánh rừng đã được trồng sẵn để tiếp tục chăm sóc. Hiện công ty đang sở hữu hơn 7.000 ha rừng ở các tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk và Đắk Nông, trong đó có những cánh rừng 8 tuổi và sắp được đưa vào khai thác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thành say sưa nói về các dự án trồng rừng, cứ khai thác đến đâu lại trồng phủ xanh đến đó theo kiểu cuốn chiếu liên tục: "Năm 2010 chúng tôi bắt đầu khai thác và trước mắt sẽ giảm được 25% nguyên liệu nhập khẩu".

Học và chỉ người khác học

Ông Thành từng là giáo viên dạy toán cấp 2 ở quê nhà (Bình Định) sau đó đi thanh niên xung phong tại Tây Nguyên. Con đường học vấn của ông không được liên tục như nhiều doanh nhân khác mà bị ngắt quãng trong thời gian dài. Tuy nhiên, để phát triển công ty và theo kịp với sự phát triển đó, Tổng giám đốc Võ Trường Thành vẫn cố gắng học thêm để tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh. Đến năm 1999 - 2000, ông đã giao hết mọi việc công ty cho các cộng sự để sang Mỹ học MBA về quản trị kinh doanh.

Tại công ty, chương trình đào tạo đội ngũ nhân sự cũng luôn được đặt lên hàng đầu, nhiều người đã được cử đi học các khóa ngắn hạn cũng như dài hạn trong ngoài nước. Đặc biệt trong năm 2008, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công việc chuẩn bị đội ngũ kế thừa vẫn không bị xao lãng. Công ty đã lựa chọn khoảng 100 cán bộ nguồn từ các công ty con, các chi nhánh để tham gia khóa đào tạo kéo dài 18 tháng về quản trị nhân sự. Hiện khóa học đã diễn ra được 5 tháng. Ông Thành là một trong những giảng viên của khóa học

Những ngày đầu tháng 11 sau khi bão số 11 đổ bộ vào miền Trung, ông Võ Trường Thành đã kêu gọi cán bộ nhân viên trong tập đoàn chung tay hỗ trợ đồng bào và bản thân ông đóng góp 100 triệu đồng. Ngày 6.11, Công ty cổ phần Trường Thành Xuân (thuộc Công ty CP Tập đoàn gỗ Trường Thành) tại Phú Yên đã tổ chức chuyến hàng cứu trợ đầu tiên cho các hộ dân tại thôn Thạch Đức và Long Châu (tỉnh Phú Yên). Tiếp theo, từ ngày 12 - 15.11, đoàn cứu trợ chính thức của Công ty CP Tập đoàn gỗ Trường Thành do ông Võ Trường Thành dẫn đầu tiếp tục đến với bà con vùng lũ tại Phú Yên và Bình Định.

 Theo ông, giảng dạy cho nhân viên các lý thuyết đã học ở nước ngoài, có chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình Việt Nam cùng những ví dụ thực tế là cách hay nhất để truyền đạt kinh nghiệm. Người nghe không bị nhàm chán mà có thể học được nhiều điều trong thời gian ngắn nhất. Theo dự kiến của ông, trong một năm tới sẽ tìm người có đủ khả năng để giao lại vị trí tổng giám đốc và ông chỉ còn giữ vai trò chủ tịch HĐQT mà thôi.

 Hỏi về thú vui, cách thư giãn của ông, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là: “Rất ít thời gian cho việc đó”. Hằng tuần, thứ bảy và chủ nhật thì ông tham gia giảng dạy ở các lớp đào tạo kể trên. Nếu không lại chìm ngập trong công việc. Đặc biệt, trong hơn một năm nay, lãnh đạo công ty đốc thúc phải họp hành liên tục để tìm cách giải quyết những khó khăn khi việc kinh doanh giảm sút vì kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Ông cười và nói: “Cũng may là sức khỏe của tôi vẫn đảm bảo để chịu được cường độ làm việc này. Đơn giản đây là lúc phải làm việc gấp đôi bình thường để duy trì sức mạnh của công ty. Hy vọng qua khủng hoảng, công ty sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn”.

Pháp trị là tối ưu

Phát triển thành tập đoàn với số lượng nhân sự không nhỏ nhưng mới nghe qua, dễ có cảm giác Trường Thành vẫn là một công ty mang hơi hướng gia đình khi đa số thành viên trong nhà đều đang làm chung với nhau. Vợ ông Thành hiện đang nắm chức Chủ tịch HĐQT của hai công ty con. Con trai đầu đã hoàn thành chương trình MBA về tài chính tại Mỹ và đang đảm nhiệm chức giám đốc tài chính của tập đoàn. Cô con gái thứ hai đã làm việc ở công ty nhưng đang tiếp tục đi học về quản trị kinh doanh tại Úc... và có lẽ không xa cũng sẽ quay về để tham gia vào đội ngũ nhân sự của Trường Thành. Ông Thành vẫn luôn cho rằng dù là người một nhà nhưng công ty có những quy định và luật lệ riêng. Quản trị là sử dụng đủ mọi phương pháp, nhiều kỹ năng có cả nhu và cương và riêng mình ông cho biết thiên về sử dụng pháp trị nhiều hơn. Khi đã có những luật lệ và nguyên tắc rõ ràng thì tất cả mọi người đều phải tuân theo, không thể có chuyện nhân nhượng. Khi lựa chọn các kế hoạch hay quyết định nào thì yếu tố lợi ích của công ty được đặt lên hàng đầu. Vì làm được điều đó cũng đồng nghĩa với việc mỗi cá nhân của gia đình ông và nhiều cộng sự khác đều có lợi hơn...

Ông Thành cho biết kế hoạch gần nhất của ông là sẽ đưa công ty thành 1 trong 3 doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.