Rèn mình với nghề PA

28/10/2009 16:16 GMT+7

Những SV (sinh viên) đang làm PA (Personal Assistant - hỗ trợ cá nhân) chia sẻ: "Làm PA cũng là để mình rèn luyện thêm tính kiên trì nhẫn nại, đồng cảm với những người không may mắn"...

"Em biết... luộc rau, nấu cơm rồi đấy"!

"Vào nghề" từ tháng 5.2009, Nguyễn Phương Nhung, SV khoa Kế toán, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, khoe: "Em biết... luộc rau, nấu cơm rồi đấy!".

Ngày trước, trong mắt bạn bè xung quanh, cô nữ sinh xuất thân từ quê lúa Thái Bình này kiệm lời lắm, chẳng bao giờ chủ động bắt chuyện với người lạ. Còn bây giờ, Nhung giao tiếp với phong thái tự tin và đĩnh đạc. Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, nhà ở phố Quan Nhân, người đang được Nhung hỗ trợ cũng chính là người góp phần rất lớn khiến bạn thay đổi. Chị Hương bị chấn thương cột sống, liệt hai chân sau vụ tai nạn do xe buýt tông vào từ phía sau trên cầu Đuống hồi năm 2006. Kể từ đó, mọi sinh hoạt của chị Hương gắn liền với chiếc xe lăn. Suốt ngày chị quẩn quanh trong căn phòng trên tầng bốn, sở thích dạo phố, đi siêu thị sắm đồ trở nên xa vời. "Làm PA cho chị Hương, em thấy mình đảm đang hơn, từ việc rửa bát, lau dọn nhà cửa đến giặt quần áo, nấu ăn... em làm ngon lành rồi", Nhung nói. Từ khi có Nhung, mỗi tháng chị Hương đi siêu thị đôi, ba lần, thi thoảng còn xuống chợ chọn đồ ăn cho bữa cơm gia đình. 

 PA chỉ phục vụ cho cá nhân người khuyết tật chứ không phục vụ gia đình người khuyết tật khi họ yêu cầu. PA không làm việc thụ động, phục vụ số đông người như nghề ô sin.

Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập

Cát Văn Song - SV Học viện Hành chính quốc gia - đang làm PA cho Nguyễn Trung M., quê ở Bắc Giang. M. bị liệt hai chân và tay trái, đang theo học khóa học công nghệ thông tin tại trường Trung cấp Kỹ thuật tin học Hà Nội. Đều đặn mỗi ngày, Song đến nhà trọ của M. từ sáng sớm giúp bạn vệ sinh cá nhân, lau dọn phòng, giặt giũ quần áo rồi đẩy xe lăn đưa M. tới giảng đường. Ngoài ra, Song thường đưa M. vào lớp mình để bạn gặp gỡ và giao lưu với nhiều người. Vào buổi tối, M. cần trợ giúp gì Song đều tận tâm đáp ứng dù biết khoảng thời gian làm thêm buổi tối thế này không có kinh phí hỗ trợ.

"Nghị lực và quyết tâm của M. khiến em nể phục mà tiếp tục làm PA. Làm PA cũng là để mình rèn luyện thêm tính kiên trì nhẫn nại, đồng cảm với những người không may mắn", Song giãi bày.

Trung tâm Sống độc lập

Trung tâm Sống độc lập là mô hình đầu tiên tại VN được thành lập dưới sự tài trợ của Quỹ từ thiện Nippon Foundation, thông qua Tổ chức Người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cung cấp PA cho người khuyết tật nặng, bại não ảnh hưởng đến vận động và khả năng nói, tổn thương cột sống, người sử dụng xe lăn... nhằm hỗ trợ họ phát huy cao nhất tiềm năng của mình tại gia đình, cộng đồng; giúp họ tiếp cận với các phương tiện giải trí và dịch vụ xã hội.

Sau hơn 9 tháng hoạt động, Trung tâm đang có hơn 42 PA trợ giúp hội viên và hiện đang rộng cửa tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của các bạn trẻ. Công tác chọn lựa ứng viên làm PA được tiến hành rất kỹ. Ứng viên phải thể hiện sự nhiệt tình, đồng cảm với người khuyết tật mới đáp ứng yêu cầu công việc. Sau khi trúng tuyển, ứng viên phải qua giai đoạn tập huấn: từ học cách đẩy xe lăn, kỹ năng giao tiếp và nắm bắt tâm lý, đến chuyện vận động chính quyền can thiệp giúp đỡ nếu gặp rắc rối hay những thủ thuật xoa bóp vật lý trị liệu... Qua vòng tập huấn nếu đạt yêu cầu, ứng viên được cấp chứng chỉ hành nghề đồng thời trải qua 2 tuần thực tập trước khi ký hợp đồng.

Trung tâm phân bổ PA giúp đỡ các hội viên theo nguyên tắc đồng giới và cố gắng không có sự chênh lệch quá lớn về độ tuổi nhằm hạn chế rắc rối phát sinh. Mỗi giờ làm trong thời gian thử việc, PA nhận mức thù lao 8.000 đồng; còn nếu chính thức là 11.000 đồng/giờ. Kinh phí này lấy từ nguồn ngân sách dự án. Sử dụng PA, người khuyết tật không mất thêm khoản chi phí nào ngoài khoản tiền hội phí 50.000 đồng/tháng.

8 tiếng một ngày, PA luôn ở bên cạnh trợ giúp mọi việc cho người khuyết tật. Chính vì thế, thời gian đầu khi mới thành lập, Trung tâm rất khó khăn trong việc tuyển PA bởi giới trẻ cho rằng: PA chẳng khác gì nghề "ô sin". Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm, khẳng định: "PA chỉ phục vụ cho cá nhân người khuyết tật chứ không phục vụ gia đình người khuyết tật khi họ yêu cầu. PA không làm việc thụ động, phục vụ số đông người như nghề ô sin".

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.