Tìm cha xứ kim chi

22/10/2008 23:32 GMT+7

Bài 2: Nước mắt ngày gặp lại Nhờ kinh nghiệm trong hành trình tìm cha, Trần Văn Ty tiếp tục làm cầu nối cho hàng chục trường hợp khác...

Gia đình không thể chia lìa

Theo chỉ dẫn của Ty, chúng tôi tìm gặp 3 chị em họ Ngô (ở thôn Bãi Giếng, xã Cam Hải Tây, H.Cam Hải, Khánh Hòa), những người may mắn đã gặp được cha sau hơn 30 năm xa cách. Trong ngôi nhà khang trang, chị cả Ngô Pang Thu Trang (sinh năm 1971) đã kể lại hành trình tìm cha. Mẹ chị làm thông dịch viên, kết hôn với ông Pang Yong Sok đang làm việc cho hãng Vinnel (hãng đóng tàu của Mỹ ở vịnh Cam Ranh) từ năm 1970. Sống với nhau một thời gian, ông Pang thổ lộ đã có vợ và 2 con ở Hàn Quốc. Năm 1975, vợ vừa sinh con gái út, ông Pang bỏ về nước.

Cô em út Ngô Pang Thu Thái (sinh năm 1975) nói: "Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng tụi em luôn khát khao tìm kiếm cha. Cứ nghe nói ở đâu có người Hàn Quốc, em cũng tìm đến gửi hình ảnh của cha và mẹ hy vọng nhờ họ tìm kiếm giúp. Thời kỳ này cũng có một số cựu chiến binh Hàn Quốc đến vùng đất này tìm con. Có người đến nhà, nhìn tụi em, họ lắc đầu bỏ đi, rồi bỗng nhiên quay lại... ôm cả ba đứa khóc. Tủi thân, tụi em cũng khóc nức nở".

Năm 2004, Trần Văn Ty tìm đến nhà 3 chị em thông qua Kim Sang Ho (bạn của Trang), cũng là con lai Hàn Quốc. "Nghĩ rằng đã hết mọi hy vọng trong việc tìm kiếm cha nên khi anh Ty đề nghị cung cấp cái gì, chúng tôi đều đáp ứng cho qua chuyện. Mãi đến năm 2007, anh Ty gọi điện bảo vào Sài Gòn gấp, có thể gặp được cha" - Trang kể. Sáng hôm sau, cả 3 chị em có mặt. Nhưng đến nơi có 2 người Hàn Quốc (đây là những người thường xuyên cùng Ty giúp đỡ con lai Hàn tìm thân nhân - PV) đưa cho 500.000 đồng rồi bảo... về, vì "đã liên lạc về Hàn Quốc, nhưng ông Pang đã rời quê hương đi đâu không rõ". Thất vọng, 2 người chị đón xe về quê, còn Thái ở lại TP.HCM. May mắn thay, "6 giờ sáng ông Kim lại gọi, nói đã liên lạc được với cha ở Úc. 9 giờ đến nghe điện thoại. Nghe xong, em đánh rơi điện thoại xuống đất, người lúc này như đi trên mây" - Thái kể.

 

Chị em họ Ngô đoàn tụ với người cha sau hơn 30 năm - (ảnh gia đình cung cấp)

Đúng giờ, Ty ngồi cạnh để thông dịch cho 2 cha con nói chuyện, nhưng chỉ vừa nghe bên kia a lô, Ty lẫn 2 ông Hàn Quốc đều khóc rưng rức. "Em cũng khóc theo. Tình cảnh này kéo dài cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng ở đầu dây bên kia có giọng nói tiếng Việt Nam hẹn ngày mai gặp lại, chứ hôm nay mọi người đều xúc động không thể nói được thành lời" - Thái kể tiếp. Sáng hôm sau, dù đã lấy lại được bình tĩnh, nhưng trong câu chuyện về cuộc hành trình đi tìm cha vẫn xen lẫn những tiếng nấc nghẹn ngào.

Ngày 16.4.2007, ông Pang cùng với vợ và 2 đứa con đáp chuyến bay về Việt Nam thăm lại 3 người con gái đã xa cách hơn 30 năm. Đặt chân xuống sân bay Cam Ranh, cả 3 cha con ôm chầm lấy nhau trong hạnh phúc. "Tôi có hỏi lý do vì sao một thời gian dài không kiếm 3 chị em, cha nói: sau khi về nước có nhờ nhiều người đi tìm, nhưng không ra, tối nào cũng cầu nguyện mong tìm gặp lại 3 con; bây giờ đã được toại nguyện. Người anh trai cả tỏ ra hết sức vui vẻ khi gặp lại 3 đứa em. Trên đường từ sân bay về nhà anh ấy nắm lấy tay mấy chị em áp vào ngực nói: một đại gia đình không thể chia lìa. Mẹ cũng nói, đã tha thứ cho cha từ lâu" - Trang kể lại. Sau cuộc hội ngộ này, ông Pang cùng với người vợ còn trở lại Việt Nam, giúp đỡ cho 3 chị em, cuộc sống của họ từ đây đã khá lên rất nhiều.

Những cuộc hội ngộ ngắn ngủi

Khác với niềm hạnh phúc của ba chị em họ Ngô, anh Phan Trọng Đức, ngụ tại thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Thành, H.Cam Lâm (Khánh Hòa) cũng tìm gặp được cha sau hơn 35 năm mong mỏi, nhưng lại mang một tâm trạng day dứt. Mẹ anh, bà Phan Thị Sen (58 tuổi) kết hôn với ông Kim Sơn Kieu (lính đã giải ngũ và mở quán ăn tại cây số 9) năm 1970. Cuối năm sinh ra Đức thì ông Kim về nước. "Trước khi ra đi, ông ấy cũng muốn đưa 2 mẹ con theo cùng, nhưng tôi lại không muốn phá vỡ gia đình ông ấy (ông Kim cũng đã có vợ ở quê nhà - PV) nên từ chối" - bà Sen thổ lộ.

Sau giải phóng, mọi giấy tờ liên quan đến ông Kim bị bà Sen đốt sạch, chỉ còn tấm thẻ bài giao lại cho Đức để sau này có điều kiện đi tìm cha, như nguyện vọng của ông Kim lúc chia tay. Rồi cuộc sống khốn khổ (cả hai mẹ con đều đi làm thuê) khiến cho họ quên đi sự hiện diện của ông Kim trên cõi đời này. Cũng qua giới thiệu của một người quen, Ty tìm gặp và Đức đưa tấm thẻ bài. "Tôi đọc trên tấm thẻ bài (viết bằng tiếng Hàn Quốc) có ghi địa chỉ nơi đóng quân tại Việt Nam, nhà riêng ông Kim ở Hàn Quốc, cùng nhóm máu... nên cũng chỉ mất 2 ngày thì tìm ra nơi ở của ông Kim tại Hàn Quốc. Nhưng khổ nỗi, ông Kim cũng không khá giả gì nên việc trở lại Việt Nam gặp khó khăn" - Trần Văn Ty nói.

Thông qua một hãng truyền hình của Hàn Quốc (đang làm chương trình về con lai Hàn tại Việt Nam), ngày 6.4.2007 ông Kim và vợ được tài trợ vé máy bay qua Việt Nam gặp bà Sen và người con ruột. Ở lại Việt Nam đúng một ngày đêm để truyền hình quay cảnh đoàn tụ, ngày hôm sau ông Kim từ biệt bà Sen cùng với con trai trở về nước. Ty bảo: "Họ chỉ sống với nhau đúng vài giờ đồng hồ sau hơn 35 năm chia cách".

Anh Đức nói về tâm trạng của mình khi gặp lại người cha: "Cũng có chút ít cảm xúc, nhưng tôi đã quá quen với cuộc sống không cha bao nhiêu năm nay rồi. Chỉ tội nghiệp cho bọn trẻ, mỗi lần hỏi ông nội là ai, tôi chẳng biết sao để trả lời". Rồi có vẻ giận hờn, anh Đức nói: "Hơn 35 năm xa cách, vậy mà ông Kim chỉ ghé nhà thăm con cháu đúng vài tiếng đồng hồ rồi đi, hẹn đầu năm 2008 sẽ về Việt Nam thăm lại gia đình. Nhưng sau đó...". Bỏ dở câu nói, anh Đức vào trong phòng lục cho tôi xem bức thư của ông Kim viết ngày 1.9.2007 bằng tiếng Hàn Quốc, mà anh phải ra thị xã Cam Ranh để nhờ người dịch lại. "Cha luôn lo lắng về con và mẹ của con, nhưng chẳng giúp đỡ được gì nên cha xin lỗi. Cha rất lo lắng muốn biết mẹ con và con trai cha hiện giờ đang làm gì và sống như thế nào. Cha cũng muốn quay lại Việt Nam một lần như đã hứa, nhưng không thể nói trước là khi nào đi được. Anh trai lớn của con cũng muốn đi Việt Nam, nhưng bây giờ đang là công vụ Nhà nước rất bận không thể đi được, nên chỉ biết lo lắng cho con mà thôi...".

Tại thị xã Cam Ranh, chúng tôi cũng gặp được chị Dương Thị Kim Châu cũng tìm được người cha Kim Kyong Soo rất sớm (năm 1996). Nhưng sau lần hội ngộ này, chị Châu tiếp tục phải nhờ Trần Văn Ty... kiếm tiếp vì "sau lần gặp này, ông Kim lại bỏ về nước biền biệt từ đó cho đến nay mà không một lần hồi âm". (Còn tiếp)

Phóng sự của Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.