Tính tương đối của thành bại

08/11/2011 00:33 GMT+7

Trước thời điểm HĐBA LHQ bắt đầu xem xét đề nghị của Palestine được công nhận là thành viên đầy đủ, đại diện của Anh, Pháp và Colombia đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng. Mỹ khẳng định sẽ phủ quyết trong khi ba đại diện khác nữa cho châu u trong HĐBA LHQ là Đức, Bồ Đào Nha và Bosnia đều nói sẽ bỏ phiếu chống. Vì thế, cho dù tất cả các thành viên còn lại của HĐBA LHQ có ủng hộ đề nghị này của Palestine thì đề nghị đó cũng không có được 9 phiếu thuận.

Đề nghị này là bước đi ngoại giao rất có ý nghĩa của Palestine, nhưng ngay từ đầu đã không thể thành công bởi Mỹ không chỉ chống phá quyết liệt mà còn tuyên bố sẽ phủ quyết trong HĐBA LHQ. Càng có nhiều thành viên hội đồng này ủng hộ đề nghị của Palestine đồng nghĩa với việc Mỹ và Đức càng bị cô lập. Palestine không thành công được trong HĐBA LHQ, nhưng cũng không hẳn thất bại. Đề nghị này đã buộc tất cả các thành viên LHQ phải thể hiện rõ bản chất quan điểm chính sách về cuộc xung đột ở Trung Đông. Sự thiên vị của Mỹ và Đức dành cho Israel, thái độ lá mặt lá trái của Anh và Pháp cũng như tính cơ hội của nhiều thành viên khác đều làm suy giảm uy tín và ảnh hưởng của họ trong thế giới Ả Rập nói chung và trong quá trình hòa bình và hòa giải giữa Israel và Palestine nói riêng. Như thế, về lâu dài vẫn có lợi cho Palestine.

Việc Tổ chức UNESCO mới rồi kết nạp Palestine làm thành viên đầy đủ đưa lại bằng chứng thuyết phục về sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các thành viên LHQ dành cho nỗ lực kiên trì của Palestine trở thành nhà nước độc lập. Tính tương đối của thành công và thất bại trong chuyện này xác nhận tác động tích cực rất quan trọng của bước đi ngoại giao nói trên đối với Palestine. Nếu như Palestine không chủ động và quyết chí thì làm sao có thể được như vậy. 

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.