Thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" gây hại ở ĐBSCL

22/10/2008 23:20 GMT+7

Mặc dù đã bị Bộ Y tế cấm nhập khẩu, lưu hành nhưng thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" vẫn đang được nhiều người dân sử dụng. Gần đây, đã có thêm một trường hợp tử vong liên quan đến việc sử dụng loại độc dược này.

Nạn nhân là anh T.V.T (47 tuổi, quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, tạm trú P.2, Q.11, TP.HCM). Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền, em vợ anh T.V.T, trình bày với phóng viên Thanh Niên: "Cách đây mấy năm, anh T. thỉnh thoảng bị đau bao tử và bị ho. Lúc đó, anh đi xét nghiệm máu nhưng không phát hiện bệnh gì nghiêm trọng. Thời gian sau này, không hiểu sao anh T. không còn than đau ốm nữa, lại ăn được ngủ được". Nhưng rồi sau đó, anh T. bỗng dưng bị sốt cao, không ăn uống gì được. Ngày 19.9, gia đình đưa anh vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, do có những triệu chứng bất thường, tay chân co giật, tụt huyết áp. Các bác sĩ cho biết anh T. bệnh rất nặng, nhiễm trùng máu. Tối 21.9, anh T. mất sau khi được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy vài tiếng đồng hồ.

Cái chết đột ngột của anh T. khiến nhiều thân nhân, trong đó có chị Hiền bức xúc. Tìm hiểu kỹ, chị mới giật mình khi biết anh T. uống thuốc tán mua từ Campuchia từ hơn một năm nay. Thuốc này có giá 7 ngàn đồng/bịch (1 bịch gồm 10 gói nhỏ). Chị Hiền cho biết thêm, hiện có nhiều người dân huyện Hồng Ngự sử dụng thuốc này, trong đó có trường hợp phát bệnh nặng sau một thời gian...

Ngày 6.10, chị Hiền mang hơn 20 gói thuốc đang uống dở dang của anh T. đến Báo Thanh Niên nhờ xác minh, vì: "Cách đây 2 tháng, tình cờ tôi nghe trên đài nói về một loại độc dược có nguồn gốc từ Campuchia. Hình dạng và mô tả về loại độc dược đó giông giống với loại thuốc anh T. dùng lâu nay". Trong ngày, chúng tôi mang những gói thuốc đó đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế TP.HCM. Khi vừa thấy những gói thuốc, chị cán bộ tiếp khách hàng tại Trung tâm Kiểm nghiệm này nói ngay: "Chắc chắn đây là thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" đã bị Bộ Y tế cấm nhập khẩu, lưu hành". Được biết, vào năm 2007, loại độc dược nói trên đã có mặt tại Quảng Bình, Hải Dương, Bắc Ninh... Năm nay, nó lại xuất hiện ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và rộ lên ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trên thực tế, đã có một số trường hợp tử vong vì sử dụng loại thuốc này.

Cũng cần nhắc lại, trong Công văn số 2601/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý dược VN (Bộ Y tế) nêu rõ: "Ngày 21.5.2007, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã có công văn số 298/VKNTTW-KH báo cáo kết quả phân tích mẫu thuốc mang tên "Thuốc dân tộc cứu nhân vật". Trong gói thuốc bột này, cơ quan kiểm nghiệm thuốc đã phát hiện có 4 thành phần tân dược không được công bố trên nhãn, là: Paracetamol với hàm lượng 119,7mg/gói; Diazepam 3,1 mg/gói, Cyproheptadin HCI 2,25 mg/gói và Dexamethason 0,343 mg/gói". Cục Quản lý dược VN cũng khuyến cáo: "Thuốc Dân tộc cứu nhân vật có thành phần đông dược không xác định, có chứa các dược chất tân dược. Việc sử dụng loại thuốc trên có nguy cơ gây tổn hại tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng". Thế nhưng, nhiều người dân vùng sâu vùng xa do thiếu thông tin nên vẫn sử dụng loại độc dược trôi nổi nói trên. Hậu quả, chưa thấy thuốc "cứu" được "nhân vật" nào, chỉ thấy nó đã gây ra những cái chết và những bi kịch đối với không ít người nghèo.

Tác hại của thuốc

- Thuốc "Dân tộc cứu nhân vật" làm giảm hầu hết các triệu chứng của rất nhiều loại bệnh mắc phải như: đau, nhức mỏi, sốt, căng thẳng, lo âu, viêm (viêm vô khuẩn), chính vì vậy mà bệnh nhân sử dụng thuốc đều có cảm giác "bách bệnh tiêu tan". Kết quả là che giấu các triệu chứng của bệnh, không thể chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị và dùng thuốc chính xác.

- Thuốc làm ngủ ngon, ăn tốt, giữ nước dẫn đến kết quả là nhìn thấy thể trạng của bệnh nhân được cải thiện rất nhanh cả thể chất và tinh thần nhưng lại là giả tạo do tác dụng phụ của thuốc.

- Khi dùng kéo dài, liên tục sẽ dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc và xuất hiện các triệu chứng bệnh do tác dụng phụ của thuốc gây nên trên thận, gan, hệ tiêu hóa, hệ cơ xương, hệ nội tiết và chuyển hóa... (Nguồn: Cục Quản lý dược)

Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, Diazepam hay Dexamethason đều là những thuốc được sử dụng trong một số trường hợp bệnh, nhưng phải có chỉ định, theo dõi sát từ bác sĩ điều trị. Diazepam là thuốc an thần, tác dụng phụ gây buồn ngủ, chống chỉ định (không dùng) và thận trọng trong các trường hợp: nhược cơ, suy kiệt, đang lái tàu xe, khi đang sử dụng bia rượu, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu... Dexmethasone là dạng thuốc kháng viêm, có tác dụng giảm đau rất nhanh (trong đau nhức xương khớp), giữ nước, thèm ăn, tăng cân giả tạo; chống chỉ định trong những trường hợp loét dạ dày tá tràng, người bị tăng huyết áp, suy tim, loãng xương... Riêng Cyproheptadin là thuốc dùng chữa trị các trường hợp bị dị ứng cấp và mãn tính, khi dùng tạo cảm giác thèm ăn, chống chỉ định trong trường hợp loét dạ dày tá tràng, phì đại tuyến tiền liệt...

T.Tùng

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.