Những chuyện "nóng" đầu năm học

15/10/2006 21:53 GMT+7

Thiếu thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, phòng học và những băn khoăn trong cuộc vận động nói "không" với tiêu cực... là những chuyện nóng bỏng ở ngành giáo dục các địa phương hiện nay.

Thiết bị chưa về, phân ban lúng túng

Hà Tây, một địa phương "sát sườn" Hà Nội, sau hơn 1 tháng khai giảng mà thiết bị dạy học vẫn chưa về. Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây Nguyễn Văn Hiếu cho biết: "Năm nay môn Tin học được đưa vào chương trình, học sinh rất hào hứng nhưng tới nay vẫn... học chay. Phải tới tháng 11 thiết bị mới tới được các trường trong tỉnh".

Hà Tây chỉ là 1 trong 25 địa phương "hẹn" học sinh tới tháng 11 mới có thiết bị dạy học, 11 tỉnh khác thì tới tháng 12 mới đưa được thiết bị về trường. Toàn quốc hiện còn 4 tỉnh chưa xây dựng được kế hoạch mua sắm. 8 tỉnh chưa trình lãnh đạo địa phương phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Còn 7 địa phương không biết đến khi nào mới có thiết bị dạy học... Lý do chậm trễ được các sở GD-ĐT giải thích là do có sự thay đổi về quy định đấu thầu và thẩm định giá. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam thì quy trình này khá rắc rối, phiền hà, còn Giám đốc sở GD-ĐT Lạng Sơn thì: "Chẳng hiểu sao cùng một loại thiết bị, cũng lấy tại Hà Nội, nhưng khi tham khảo các tỉnh bạn thì thấy rằng giá thẩm định mỗi nơi một khác!".

Một nội dung được đề cập khá chi tiết tại cuộc gặp mặt các giám đốc Sở GD-ĐT phía Bắc mới đây là việc triển khai phân ban đại trà trong năm học này. Điều mà báo chí dự đoán đã thành hiện thực khi "3 ban" cuối cùng đã trở thành "1 ban". Tỷ lệ học sinh vào ban Cơ bản chiếm tới 73,4% (thống kê tại 52 tỉnh thành),  ban Khoa học tự nhiên 19,6%, ban Khoa học xã hội và nhân văn chỉ có 7%. Theo thống kê trên toàn quốc về sự phân hóa trong ban Cơ bản (phân hóa khi học sinh tự chọn các môn nâng cao) thì 42,7% chọn học các môn tự nhiên, 24,69% chọn các môn xã hội. Việc này khiến đội ngũ giáo viên bị xáo trộn mạnh. Hầu hết các tỉnh phía Bắc đều "kêu" thiếu giáo viên Toán, Lý: Lạng Sơn thiếu hơn 300 giáo viên, chủ yếu các môn tự nhiên; Phú Thọ thiếu 400; Quảng Ninh thiếu hơn 100 giáo viên ở các huyện miền núi. Nhiều địa phương đành phải "cầu cứu" giáo viên hệ cao đẳng sư phạm dạy Tin học cho học sinh phổ thông...

Từ sự phân hóa trong phân ban dẫn đến thiếu thầy, thiếu cả cơ sở vật chất, rồi xuất hiện tình trạng "càng kiên cố hóa càng xuất hiện nhiều... phòng học tạm", và đây chính là nguyên nhân khiến cho 2 đợt giải ngân của Nhà nước cho chương trình kiên cố hóa trường học vẫn chưa xong. Từ đầu năm học tới nay, nhiều trường phải thu xếp cho học sinh học ca, học kíp. Xem ra, phòng học bộ môn cho phân ban và triển khai chương trình giáo dục mới vẫn còn là mong ước xa vời!

"Nói không" còn hời hợt

Đề cập đến cuộc vận động nói "không" với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho rằng: "Chưa có thiết chế cho cuộc vận động, không có chế tài xử lý người không thực hiện các yêu cầu của cuộc vận động là điều "khó" cho người quản lý". Ông Lý Văn Soòng - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang đưa ra câu hỏi: "Chống cái gì, chống như thế nào?", và đây cũng là băn khoăn chung của nhiều cán bộ quản lý giáo dục. Một đại biểu lo ngại: Nếu để các trường "tự thảo luận tìm ra bệnh tiêu cực và thành tích, rồi tìm cách "chữa trị", rất dễ dẫn tới tình trạng nể nang nhau mà không dám nhìn thẳng vào "căn bệnh", do đó chỉ vạch ra giải pháp hời hợt, lâu dài sẽ khiến căn bệnh trở nên "nhờn thuốc". Hoặc sẽ xảy ra phản ứng tiêu cực: dựa vào "tìm biểu hiện tiêu cực" mà dẫn tới mất đoàn kết trong nội bộ...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng khẳng định: Phải có giải pháp lâu dài vào gốc rễ vấn đề. Trước hết phải thay đổi cách dạy, cách học. Tiếp đó cần thay đổi cách quản lý. Dần dần Bộ GD-ĐT sẽ chuyển cuộc vận động sang quy định. Trước khi Bộ xây dựng luật giáo viên thì các địa phương phải có quy định cho giáo viên của địa phương mình. Cũng nên nghĩ tới việc đổi mới cách ra đề thi để tránh tiêu cực thi cử, đánh giá đúng trình độ, năng lực của học sinh.

Hiện bàn về "hai không" vẫn còn không ít ý kiến nghi ngờ: tới giờ này mà ngành GD-ĐT vẫn chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể để chống bệnh thành tích, liệu "cuộc chiến" của ngành có thể thành công? Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của cuộc vận động "hai không" đối với dư luận xã hội. Cuộc vận động này đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới vào niềm hy vọng của những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người, là động lực cho những cá nhân, tập thể đã và đang dũng cảm phanh phui những ung nhọt nhức nhối của ngành GD.

T.H - T.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.