Tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên đến với Thanh Hóa: Cùng bà con vượt qua bão lũ

04/10/2005 21:08 GMT+7

Suốt đêm 26 và cả ngày 27/9, bão số 7 đã càn quét trực diện vào 6 huyện, thị ven biển tỉnh Thanh Hóa. Đã hơn 1 tuần sau khi bão tan, hàng vạn người dân ven biển đang phải đối mặt với đói, khát và dịch bệnh. Để chia sẻ với những khó khăn, cơ cực của đồng bào vùng bão lũ, liên tục từ ngày 28/9 đến hôm nay, T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên cùng với đồng bào cả nước đã và đang về với đồng bào vùng bão lũ Thanh Hóa.

10h30 sáng ngày 28/9, đoàn cứu trợ đầu tiên của T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên, Tỉnh đoàn Thanh Hóa do anh Nguyễn Thành Phong, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn dẫn đầu đã về xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) để thăm hỏi, động viên và trao hàng cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào. Khắp nơi, người dân lo dọn dẹp nhà cửa, dựng lại những mái nhà, nhiều gia đình đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất vì sóng biển đã cuốn trôi mất nhà cửa.

Thất thần trước ngôi nhà bị đổ sập, chị Nguyễn Thị Toán (40 tuổi), ngụ tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc giàn giụa nước mắt, kể: Anh Thông - chồng chị vốn là bộ đội chiến đấu ở Campuchia bị thương, hiện bị bệnh tâm thần. Khoảng 6 giờ sáng ngày 27/9, khi cơn bão đang hoành hành dữ dội, thúc giục mãi anh mới chịu vào sâu trong đất liền tránh bão. Đến 8 giờ, khi thấy trời ngưng gió, anh đã tự ý rời khỏi nơi trú bão về nhà mà mẹ con chị không hề hay biết. Đến sáng qua, tìm mãi không thấy chồng, chị Toán dắt díu 4 con thơ về nhà, mấy mẹ con hết sức bàng hoàng khi toàn bộ ngôi nhà của mình đã bị đổ sập, tài sản trong nhà bị nước biển cuốn trôi hết. Kinh hãi hơn, trong đống đổ nát ấy, chị thấy một bàn tay thò ra động đậy. Mẹ con chị vội vàng lật ngói, luồng, tranh tre nứa lá, lôi anh Thông ra ngoài và nhờ bà con đưa đi cấp cứu. Lúc ấy toàn thân anh Thông nằm dưới nước, cũng may mà đầu và tay chòi lên trên, nếu không chắc là anh đã bỏ mạng từ đêm rồi. Nhận phần quà cùng với 200 ngàn đồng của Báo Thanh Niên, chị Hoan ngậm ngùi nói là sẽ mua một chiếc xe đạp thồ cũ để mẹ con làm lụng độ nhật.

Với khuôn mặt bê bết bùn đất và nước mưa, chị Đặng Thị Khanh (38 tuổi) ngụ tại thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc kiên nhẫn múc từng xô nước từ trong nhà mang ra biển đổ, chị nói: "Cũng may, căn nhà bán kiên cố được ràng buộc chắc chắn và nằm khuất ở trong ngõ nên vẫn trụ được trước sóng biển còn tất cả đồ đạc, tiện nghi bao nhiêu năm làm lụng chắt chiu dành dụm đã bị thủy thần cướp đi hết". 

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: vấn đề lương thực và nước ngọt ở Ngư Lộc hiện đang rất khó khăn. Tạm thời, lượng mì tôm cũng có thể cho đồng bào dùng trong vài ba ngày tới nhưng nước ăn là đặc biệt khó khăn bởi toàn bộ hệ thống giếng ở đây đã bị nhiễm mặn nặng nề. Sáng qua, tỉnh Thanh Hóa đã phải chi viện khẩn cấp hơn 5.000 chai nước khoáng cùng với 2 xe chở nước ngọt xuống hỗ trợ địa phương nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Tuy vậy chính quyền sở tại sẽ cố gắng bằng mọi giá cùng với sự cứu trợ của các đơn vị, sẽ không để bất cứ một người dân nào bị đói, khát.

100 suất quà của bạn đọc, mỗi suất gồm 200 ngàn đồng, 60 gói mì tôm và 5 kg gạo tuy không là bao so với những mất mát nhưng nó là niềm an ủi cho những người dân nghèo nơi đây. Chúng tôi thật sự xúc động khi đoàn tàu chở hàng từ TP Hồ Chí Minh ra Ga Thanh Hóa với trên 500 kg gạo, hơn 6.000 gói mì tôm và 20 triệu đồng của bạn đọc Báo Thanh Niên đến với đồng bào vùng bão lũ Thanh Hóa, hầu như tất cả những CBNV Ga Thanh Hóa đều có mặt, mỗi người một tay vận chuyển hàng cứu trợ lên xe.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 53.500 ngôi nhà, gần 2.000 phòng học, công sở bị sập đổ, tốc mái và xiêu vẹo; hơn 16.000 ha lúa mùa vào thời kỳ thu hoạch bị mất trắng, gần 120.000 ha hoa màu và cây công nghiệp bị hư hỏng; 860m đê biển, đê cửa sông bị vỡ; 61 tàu thuyền đánh cá và hơn 4.000 ha đầm nuôi trồng thủy sản của nhân dân các xã ven biển bị hư hỏng; gần 60.000m2 đường giao thông bị sạt lở; hơn 4.000 cột điện cao thế, hạ thế, cột điện thoại bị đổ gãy... Tổng giá trị thiệt hại do cơn bão số 7 gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 747 tỉ đồng.

Chiều 2/10, Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh Hóa và huyện Quảng Xương đã về thăm hỏi, động viên và tặng quà của bạn đọc cho những gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương. Ông Nguyễn Anh Xuân, quyền Bí thư Huyện ủy Quảng Xương chỉ cho chúng tôi thấy một đoạn đê biển bị vỡ toang (hơn 70m) do cơn bão số 7 gây ra ngay cửa sông Yên và nói: "Tai họa ập xuống đầu người dân Quảng Thạch và của cả huyện Quảng Xương bắt đầu từ đoạn đê này!". Chúng tôi thực sự ái ngại khi chứng kiến những cánh đồng lúa mùa trĩu bông đang mùa thu hoạch giờ bạc trắng vì nước mặn. Ông Xuân nói tiếp: "Mất mùa một năm đối với huyện Quảng Xương là một tai họa, nhưng mất mùa do bão biển, do nước mặn tràn đồng thì mới là một thảm họa bởi sẽ không biết đến bao nhiêu năm nữa những cây lúa, cây ngô mới mọc trở lại trên cánh đồng Quảng Thạch. "10 năm?", tôi hỏi. "Không! Phải lâu hơn nữa".

Tiếng loa phóng thanh từ Nhà Văn hóa thôn Đông, xã Quảng Thạch oang oang, giục bước chân người dân ra nhận hàng cứu trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên. Quệt những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, bà Nguyễn Thị Đươi (71 tuổi) mếu máo: "Đời tôi 4 lần mất nhà vì bão lụt, chiến tranh. Cơn bão vừa qua lại cướp của tôi thêm một ngôi nhà và 3 sào ruộng. Không biết rồi đây tôi lấy gì để ăn, để hương khói cho chồng đây? Hôm qua là ngày giỗ ông mà tôi chẳng có gì. Hôm nay có tiền có gạo, chiều tôi sẽ làm cơm để cúng ông".

Ghi chép của Cao Ngọ - Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.