"Nhím thanh lịch" và giấc mơ Mỹ của Muriel Barbery

05/11/2008 15:57 GMT+7

(TNO) Lọt vào danh sách best-seller trong khi vẫn theo đuổi lối viết thanh lịch, sâu sắc và giàu tính triết lý không phải là điều nhiều nhà văn làm được. Bởi sự song hành giữa hai thuật ngữ sách bán chạy và văn phong thị trường đôi khi là một thách thức với người cầm bút trên con đường tìm kiếm một phong cách riêng.

Muriel Barbery, nữ nhà văn Pháp đã phần nào đạt được điều đó với cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình: Nhím thanh lịch. Tác phẩm đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy của Pháp trong 102 tuần liên tiếp kể từ khi xuất bản hồi tháng 9.2006, sau đó giành giải thưởng của Hiệp hội các nhà sách Pháp, được dịch ra sáu thứ tiếng và hiện đang được chuyển thể thành phim.

Tại Hàn Quốc và Ý, cuốn sách được độc giả chào đón nồng nhiệt và say mê. Giờ đây, với bản Anh ngữ phát hành ngày 7.9 qua, Nhím thanh lịch đang theo đuổi tham vọng vốn rất khó đạt được đối với giới tiểu thuyết gia đương đại Pháp: chinh phục độc giả Mỹ. Barbery cũng thừa nhận thách thức này, “nhưng cứ xem những gì cuốn sách gặt hái được cho tới nay, tôi nghĩ mình sẵn sàng tin mọi chuyện đều có thể”, cô cho biết. 

Chỉ hai năm trước, Barbery (hiện 39 tuổi) còn là giảng viên dạy triết ở vùng Normandy thuộc miền bắc nước Pháp, người mà những trang viết hư cấu trong thời gian rảnh rỗi đã làm nên một tác phẩm khá thành công năm 2000 là  Une Gourmandise. Câu chuyện về nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng thế giới với niềm khao khát phút lâm chung là được nếm những dư vị bị lãng quên của cuộc đời, đã mang lại cho cô giải Single Award và một vài lời khích lệ từ các nhà phê bình.

Sau đó, Nhím thanh lịch, cuốn sách được tuần san L’Express tán dương vì đã ngợi ca “chút thú vị của cuộc đời… với những xúc cảm phi thời gian của một Marcel Proust”, ngay lập tức đã gặt hái được thành công trên bình diện hệ tư tưởng cũng như nghệ thuật của tác phẩm.

Sức hấp dẫn của cuốn sách bắt nguồn từ giọng kể lôi cuốn của nhân vật chính, Renée Michel, người gác cổng 54 tuổi làm việc tại một khu căn hộ cao cấp ở Paris, người đã cố gắng che giấu học vấn uyên bác tự trau dồi của mình trước những kẻ giàu có, hợm mình sống trong tòa nhà.

Renée ngụy trang con người trí thức đằng sau bề ngoài xập xệ thấp kém; “tôi đã góa chồng, người thấp, xấu xí, béo tròn; bị chai chân, và vào những buổi sáng khó ở, tôi còn thở như voi mamút... trên tất cả, tôi hành xử theo cách người ta vẫn thường thấy ở một người gác cổng. Bất kỳ ai cũng sẽ không bao giờ ngờ được rằng tôi đọc nhiều hơn tất thảy những kẻ giàu có và tự mãn này”.

Cuốn tiểu thuyết còn được góp giọng bởi cô bé 12 tuổi, Paloma, con gái của một gia đình giàu có sống trong tòa nhà nơi Renée làm việc. Một người trẻ tuổi hay lý tưởng hóa, cô bé buồn nản và thất vọng ghê gớm trước lối hành xử nhỏ nhen của những người may mắn được hưởng nhiều đặc ân quanh cô; vì vậy, Paloma đã có ý định tự tử vào dịp sinh nhật lần thứ mười ba của mình.

Khi cuộc đời của hai nhân vật gối lên nhau, Paloma dần phát hiện ra tài năng bí mật của Renée, và nhận thấy người phụ nữ khiêm tốn ấy có “phong cách thanh lịch của loài nhím: bên ngoài, bà ấy đầy gai nhọn, một pháo đài thực sự… tưởng như lờ đờ, vô cùng cô độc mà thanh lịch khủng khiếp”.

Đưa Renée thoát khỏi vỏ bọc của mình và dẫn dắt cho cô bé Paloma nhận ra rằng không phải tất thảy người lớn đều từ bỏ tri thức và nhân văn để nhận về những thứ vô nghĩa, Barbery đã cho thấy tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc của cô về nghệ thuật, triết học và văn học. Thực sự, Nhím thanh lịch có đôi chút khó đọc vì những luận bàn mang tính triết học và suy ngẫm thông minh của Renée. Tuy nhiên, điều đọng lại trong lòng độc giả là bức thông điệp về giá trị cuộc sống, về sức mạnh cứu rỗi của nghệ thuật và cái đẹp cũng như nét hóm hỉnh tinh quái trong văn phong của Barbery.

Minh Duyên

*Tác phẩm Nhím thanh lịch của Muriel Barbery, Hoàng Mai Anh dịch, NXB Văn học và Công ty Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.