Điều khó nói về "nhà 61"

13/10/2006 00:13 GMT+7

Càng gần đến hạn chót nộp hồ sơ mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP (ngày 31.10.2006) các bức xúc của người dân xung quanh vấn đề phức tạp này càng dày lên. Câu chuyện của các cư dân ngõ 178 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) - khu tập thể Học viện Chính trị khu vực I đã mở đầu cho hàng tá đơn khiếu nại tương tự từ các khu tập thể khác được gửi đến các cơ quan chức năng của Hà Nội.

Các khiếu nại xoay quanh một chuyện, người dân cho rằng, họ được Nhà nước "phân phối" nhà chứ không phải thuê nhà Nhà nước vì vậy không thể áp dụng Nghị định 61 buộc họ phải trả tiền thuê nhà hoặc mua nhà với khoản nghĩa vụ tài chính nhiều khi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cuối những năm 50, đầu 60 của thế kỷ trước, các cơ quan Nhà nước thường xây dựng hàng loạt các căn hộ cấp 4 và phân phối cho cán bộ, công nhân viên theo tiêu chuẩn A, B, C, D, E và thu tiền nhà thông qua việc trừ lương hằng tháng. Khi các căn hộ này xuống cấp (sau khoảng 10-20 năm), không có kinh phí sửa chữa, các cơ quan thường giao cho các gia đình tự sửa chữa, cải tạo (có nơi có văn bản, nơi không). Sau khi cải tạo một cách hợp pháp (sau 40 năm có lẻ thì đến nay tuyệt đại bộ phận các nhà cấp 4 ban đầu đã được thay thế bằng nhà cao tầng) các gia đình mặc nhiên coi đó là nhà của mình. Nơi nào chính quyền sở tại chặt chẽ thì thu tiền sử dụng đất hằng năm của các hộ này, có nơi cũng chẳng buồn thu. Chuyện phức tạp bắt đầu từ năm 2004 khi có chủ trương "quy về một mối", tất cả các khu tập thể, trước đây do cơ quan tự quản được bàn giao về cho thành phố quản lý và cấp giấy chứng nhận.

Những căn hộ này được liệt vào loại nhà ở đang thuê thuộc sở hữu Nhà nước và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Nghị định số 61/CP ngày 5.7.1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó người mua nhà ở đang thuê phải nộp 40% tiền sử dụng đất bất kể thời gian bắt đầu thuê nhà từ bao giờ; giá trị nhà thì được tính bằng 40% giá trị nhà cấp 4 xây mới. Việc bảo toàn nguồn vốn Nhà nước, khai thác các nguồn đầu tư sinh lời và làm giàu ngân sách là một chủ trương đúng nhưng trong trường hợp cụ thể này cũng cần lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất, tài sản Nhà nước đầu tư trong những trường hợp này (nhà cấp 4) sau 40-50 năm thực chất đã không còn. Đặt vấn đề thuê, mua, thanh lý hóa giá một cái nhà không tồn tại, có vẻ hơi... khó nghe. Thứ hai, trong những trường hợp này có liên quan đến việc sử dụng đất. Đất thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý và người sử dụng phải trả tiền, điều này đúng. Nhưng Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 nêu rõ: hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất, không có các giấy tờ hợp lệ, nhưng đã sử dụng ổn định trước 15.10.1993, phù hợp quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Như vậy có thể hiểu rằng, thậm chí một hộ gia đình tạo lập nhà đất bằng việc lấn chiếm trước năm 1993 nếu bây giờ phù hợp quy hoạch, không có tranh chấp cũng được hợp thức mà không mất tiền. Trong khi đó, chúng ta lại đặt vấn đề thu tiền sử dụng đất của tất cả các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên chỉ vì họ đã sử dụng nhà đất do cơ quan (có thể hiểu là thay mặt Nhà nước) phân phối cho từ những năm 60 có vẻ cũng... ngậm ngùi.

Một đại biểu Quốc hội đã từng đặt câu hỏi ngay tại diễn đàn Quốc hội rằng, tại sao nay lại bắt cán bộ, công nhân viên, người được cơ quan chia nhà (căn cứ năm cống hiến và đóng góp cho công việc chung) phải ký hợp đồng thuê nhà với các công ty kinh doanh nhà và trả tiền sử dụng đất trong khi nhiều miếng đất ở địa phương do "nhảy dù" mà có được lại cấp "sổ đỏ" không phải mất tiền? Một chính sách có thể phù hợp vào thời điểm này nhưng lại không hợp lý ở thời điểm kia và bất kể chính sách nào nếu như không được đông đảo người dân chấp nhận thì có lẽ đều phải được xem xét lại.

T.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.