Lợp lại mái ấm cho người dân vùng bão

17/10/2006 22:28 GMT+7

Ngày 16/10, chuyến xe tải chở 10.000 tấm tôn của Báo Thanh Niên đã đến Quảng Nam, Đà Nẵng. Hai đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên đã lập tức chuyển tôn đến tận tay bà con...

Không còn nhà để về...

Chị Phạm Thị Phương Thảo, 35 tuổi, nhà ở tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) ướt đầm nước mắt khi thấy tên mình nằm trong danh sách nhận tôn. Từ ngày 1/10, hai vợ chồng và 4 đứa con của gia đình chị đã phải di tản vào đồn để trú ngụ. Căn nhà nhỏ ven biển đã bị sóng đánh nát. Tương tự hoàn cảnh chị Thảo là 24 hộ ở tổ 44, với hơn 100 nhân khẩu đã không còn nhà mà trở về. Tất cả đều bị sóng biển đánh sập, hoặc gió cuốn bay. Đồng Nò (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) - nằm ngay vùng trũng nên gánh chịu hoàn toàn sự tàn phá của bão Xangsane.

Cũng không khác với Đồng Nò, những hộ dân thuộc phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng chịu cảnh nát tan sau bão. Cụ bà Trương Thị Trợ (tổ 11D Thọ Quang), tuổi đã ngoài 65, mấy hôm rày tất tả ngược xuôi, vay mượn kiếm tiền rau cháo cho gia đình. Cả nhà bà 5 người, làm nghề nông, mùa màng lúc được lúc mất. Nhà bà sập trước, nhà hàng xóm nơi bà trú ẩn cũng tốc mái nốt. Cả gia đình bà, rồi nhà hàng xóm phải vào nhà vệ sinh để trú thân. Sau bão, may mắn không ai trong gia đình bà bị thương tích, nhưng không còn chỗ trú ngụ.

Phờ phạc, mắt trũng sâu vì những đêm thức trắng, hai vợ chồng anh Nguyễn Tấn Hải và chị Lê Thị Hạ (tổ 27B Quang Cư, Thọ Quang, Sơn Trà) nghe đoàn cứu trợ của Báo Thanh Niên về phường, biết mình có tên trong danh sách, tất tả chạy đến. Mấy ngày nay, trong căn nhà đổ nát của mình, hai vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ, cứ góp nhặt, nhưng chẳng được thứ gì. Cả những vật dụng nhỏ nhất cũng bị vùi trong đống gạch vụn. Sau bão, gia đình anh chị lâm vào cảnh cùng quẫn, không biết phải xoay xở ra sao...

"Lời cảm ơn thôi cũng là chưa đủ"

Sau khi tham gia cứu trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh, thành miền Trung, Báo Thanh Niên lại tiếp tục có chuyến hàng tôn để giúp người dân lợp lại nhà, sớm có chỗ trú ngụ. Có đi mới thấy, hàng cứu trợ này được người dân quý và vui mừng đón nhận đến như thế nào...

Là những hộ được nhận tôn của Báo Thanh Niên trao, anh Đoàn Ngọc Vinh mừng tủi: "Nói thiệt, tụi tui làm nghề biển kiếm cơm từng ngày đã khó, nhà nát dựng lại càng khó hơn. Có tôn của Báo Thanh Niên rồi, tôi cố gắng làm lại nhà mới. Thiệt tình nói cảm ơn với Báo Thanh Niên và những nhà hảo tâm thôi cũng chưa đủ, chưa nói hết được lòng tụi tui lúc ni!". Vợ chồng anh Hải, chị Hạ thì cứ lau nước mắt: "Vậy là mấy đứa con chị thoát được cảnh phải ăn, ngủ, học tập trong đống đổ nát, trên che bạt, cứ mưa gió là phải nép sát vào nhau vì dột. Chừ thì mừng rồi, dựng cột, che tôn có chỗ rúc ra rúc vào là hạnh phúc quá rồi!"... Cùng tham gia với Đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên phân phát tôn cho bà con ở các vùng nông thôn, ông Nguyễn Quang Nga - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng khẳng định: "Sự hỗ trợ kịp thời của bạn đọc Báo Thanh Niên đã giúp người dân vùng bão sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống".

Mỗi tấm tôn là một tấm lòng

Mờ sáng 16/10, một đoàn công tác xã hội khác của Báo Thanh Niên lên đường đi Quảng Nam để đón một xe tải từ TP.HCM chở 5.500 tấm tôn cứu trợ đồng bào đang trên đường đến Tam Kỳ (Quảng Nam). Tại ngã ba Nam Phước, đoàn thanh niên áo xanh của Huyện đoàn Duy Xuyên đang sẵn sàng để chuyển tôn đến đồng bào hai xã Duy Sơn, Duy Hòa dưới sự chỉ huy của anh Võ Văn Thẩm, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam.

Khi chiếc xe chở tôn mang dòng chữ "Báo Thanh Niên cứu trợ đồng bào bị bão Xangsane" đến, các bạn trẻ liền xung trận. Song, chuyển tôn là việc không đơn giản, mỗi kiện 50 tấm, nặng khoảng 250 kg. Tám người với găng tay cũng chỉ có thể nhích chúng đi từng chút một. Và có người đã tứa máu tay do tôn cắt. Thế là phát sinh sáng kiến. Một ông cụ nhà bên cho mượn hai đòn lăn. Những kiện tôn có vẻ nhẹ hơn ra. Mồ hôi đầm lưng áo, những hàm răng nghiến chặt, tiếng hò dô theo hiệu lệnh vang vang. Sau hai tiếng đồng hồ, 20 kiện tôn đã "bay" sang xe tải nhỏ, cùng các bạn thanh niên về với những ngôi nhà bị tốc mái sau bão ở miền quê thủy điện Duy Sơn và Duy Hòa.

Theo kế hoạch, đoàn xe tôn sẽ ra tiếp Vĩnh Điện nhưng... xe chở tôn không nổ máy, vậy là đoàn quyết định hai nhóm thanh niên xung kích (TNXK) của Thị đoàn Hội An và Đại Lộc hành quân ngược vào ngã ba Nam Phước. Nếu anh em ở Hội An lao động với "phong cách" đổ mồ hôi sôi nước mắt thì nhóm TNXK của Huyện đoàn Đại Lộc vào trận với tinh thần của "Thần đèn Cẩm Lũy". Họ sắp đặt con lăn, đòn xeo, móc sắt và dây tời thật khéo léo và hợp lý. Những kiện tôn nằm tít trong thùng xe được anh em chuyển ra ngoài một cách khéo léo. Ròng rã hơn 3 tiếng, việc chuyển 46 kiện tôn cho đồng bào ở phường Cẩm Thanh, Cửa Đại (Hội An) và Đại Hưng, Đại Phong (Đại Lộc) mới xong. Tuy cực nhọc nhưng anh em rất hân hoan khi chụp hình lưu niệm vì hàng trăm ngôi nhà đồng bào bị bão đã có tôn mới để lợp nhà.

Chúng tôi lại lên đường đến Điện Tiến (Điện Bàn), Hòa Tiến (Hòa Vang). Đây là hai vùng nằm trên đường đi của bão. Mỗi nơi có hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái hoàn toàn, đã nửa tháng qua người dân còn nhiều gieo neo, vất vả. Nghe có tôn, ai cũng mừng...

Đúng 17h, chuyến công tác của chúng tôi kết thúc. Khi bài báo này đến tay bạn đọc, 5.500 tấm tôn đang tiếp tục cùng đoàn CTXH của báo và lực lượng TNXK các huyện, thị Duy Xuyên, Đại Lộc, Hội An, Điện Bàn, Hòa Vang cấp phát đến tận tay đồng bào.

Chợt nhớ câu đúc kết của anh Võ Văn Thẩm và các bạn TNXK Quảng Nam: "Mỗi tấm tôn là một tấm lòng. Mỗi tấm lòng bạn đọc Thanh Niên sẽ nhân ra nhiều tấm lòng trong cả nước".

Hữu Trà - Diệu Hiền - Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.