92,1% diện tích ĐBSCL bị ngập khi nước biển dâng cao 2m

07/11/2011 23:51 GMT+7

Hôm qua 7.11, tại hội thảo chia sẻ thông tin mới nhất về biến đổi khí hậu toàn cầu và ở VN, TS Trần Thục - Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ TN - MT) cho biết, đơn vị này đã hoàn thành bản cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho VN.

Theo đó, kịch bản phát thải trung bình, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng từ 1,9 - 3,1 độ C ở hầu khắp diện tích cả nước; số ngày nắng nóng với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C tăng từ 10 - 20 ngày. Trung bình toàn VN, mực nước biển dâng trong khoảng từ 58 - 73 cm, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62 - 82 cm, thấp nhất ở khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) từ 49 - 64 cm. Kịch bản phát thải cao cho biết, vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, trong khoảng từ 85 - 105 cm và trung bình toàn VN, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78 - 95 cm.

Theo TS Thục, đến năm 2100, nếu không có giải pháp ứng phó, mực nước biển dâng 1m sẽ có 20.876km2, tương đương với 6,3% diện tích toàn lãnh thổ nước ta bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 39% diện tích ĐBSCL, khoảng 10,5% diện tích đồng bằng sông Hồng, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và 20,1% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 2m, khoảng 29,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, khoảng 7,9 diện tích các tỉnh ven biển miền Trung, trên 36% diện tích TP.HCM bị ngập, 92,1% diện tích ĐBSCL bị ngập, chỉ còn khu vực Bảy Núi là không bị ngập khi nước biển dâng 2m.

TS Thục cho biết: “Chưa có số liệu chính xác nhất nhưng theo nhiều nhà khoa học, việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm nền đất tại TP.HCM lún 3 cm mỗi năm”.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.