Nhận diện tham nhũng

04/10/2005 00:52 GMT+7

Chỉ còn vài tuần nữa, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được trình ra kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 11. Tuy nhiên, cho đến ngày 3/10, khi đưa ra lấy ý kiến tại một cuộc hội thảo do Ban Nội chính T.Ư Đảng phối hợp với Hội Luật gia tổ chức, người ta vẫn thấy, dự thảo đạo luật mà người dân rất kỳ vọng này còn nhiều điều phải cân nhắc.

Ngay từ  quy định về phạm vi điều chỉnh, các tác giả của dự thảo luật vẫn thể hiện sự lúng túng khi đề ra 2 phương án về đối tượng tham nhũng phải phòng chống (phương án 1 là luật chỉ quy định các biện pháp phòng, chống tham nhũng với  người có chức vụ quyền hạn; phương án 2 là áp dụng đối với cả người không có chức vụ, quyền hạn nhưng lợi dụng nó để vụ lợi, tham nhũng). Theo đại tá Nguyễn Hòa Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an, đa số các đối tượng phạm tội tham nhũng bị phát hiện những năm qua là đảng viên, cán bộ, công chức và những người có địa vị, chức vụ ngày càng cao. "Có những người là con em trong ngành cảnh sát, con của những người rất đáng kính... Quanh vụ án bắt ông Nguyễn Công Tụng vừa rồi có rất nhiều câu hỏi đặt ra" - ông Bình ý nhị nói. Do đó, ông Bình đề nghị "đối tượng điều chỉnh chủ yếu của dự luật phải là cán bộ, công chức nhà nước".

Đáng chú ý là hiện nay, đằng sau các doanh nghiệp nhà nước xảy ra các vụ tham nhũng lớn thường có các doanh nghiệp tư nhân cùng ngành, nghề hoạt động. Và đây chính là "sân sau" của cán bộ chức sắc trong doanh nghiệp nhà nước và các "sân sau" ấy thường trúng thầu các dự án, hợp đồng thương mại béo bở. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ chia lời cho "sân sau" khi có lời và nhận thua lỗ khi có rủi ro. Do đó, không thể bỏ qua vai trò của khu vực ngoài Nhà nước nếu muốn ngăn ngừa việc sử dụng công quyền để tham nhũng.

Một vấn đề tranh cãi không dứt là về một cơ quan chống tham nhũng quốc gia. Qua bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm... quanh chuyện này, đa số ý kiến vẫn đề nghị phải có một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng; đa số đại biểu QH kỳ họp trước cũng biểu quyết bảo "phải lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng độc lập". Và dự thảo luật đã nêu 2 phương án, cả hai đều là lập "ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng" do Thủ tướng đứng đầu, chỉ khác nhau là  một phương án có 2 cấp chỉ đạo: Trung ương và cấp tỉnh, thành phố và một phương án chỉ có cấp trung ương.

Không thể bỏ qua ý kiến cho rằng không nên lập cơ quan chống tham nhũng ở cấp địa phương do sẽ bị chính quyền địa  phương chi phối.

Rõ ràng Ban soạn thảo dự án Luật Phòng chống tham nhũng còn rất nhiều điều phải làm để dự án luật này có thể được QH thông qua ngay tại kỳ họp tới.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.