Cái chết tức tưởi của một bệnh nhân

05/10/2007 21:35 GMT+7

Tự... đi bộ vào bệnh viện, nhưng sau khi bác sĩ chỉ định tiêm 2 liều thuốc kháng sinh, tim bệnh nhân ngừng đập, huyết áp bằng 0 và tử vong. Quá ức lòng, bố mẹ nạn nhân đã phát đơn khiếu nại. Thế nhưng, cơ quan chức năng giải quyết qua loa, đầy mâu thuẫn khiến cho gia đình nạn nhân đi tìm sự thật trong đau thương, mỏi mòn, tuyệt vọng.

Vụ việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Diễn biến như sau: Lúc 11 giờ 40 ngày 7.11.2006, anh Phạm Mạnh Hoàng (47 tuổi, ở tổ 2, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, công tác tại Điện lực Quảng Ngãi) tự đi bộ vào Phòng Cấp cứu bệnh viện với lý do khó thở. Kết quả khám tổng quát và khám các bộ phận tại Phòng Cấp cứu ghi rõ: tổng trạng trung bình, da niêm mạc hồng, mạch 110 lần/phút, nhiệt độ 37,5oC, huyếp áp 150/90 mmHg, nhịp thở 32 lần/phút, nhịp tim đều rõ, 2 phổi nhiều ran ẩm 2 đáy... rồi chẩn đoán cần "theo dõi viêm phổi - suy hô hấp/vảy nến". Đến 12 giờ 10, bệnh nhân Hoàng được chuyển đến khoa Nội tổng hợp, kết quả khám (lần 2) ghi: huyết áp 140/90 mmHg, nhịp tim đều tần số 150 lần/phút, nhịp thở 28 lần/phút, đáy phổi ít ran ẩm... Chẩn đoán "viêm phổi/rối loạn nhịp tim" và cho tiến hành các xét nghiệm cấp cứu. Y lệnh xử lý: Cefotaxim 1g x 2 lọ, tiêm tĩnh mạch; Gentamycin 80 mg x 2 ống, tiêm bắp; Mucosolvan 30 mg x 2 viên, uống chia 2; Efferalgan 0,5g x 2 viên, uống chia 2; thở oxy 4 lít/phút; uống sữa, chăm sóc cấp 1.

Lúc 12 giờ 30, kết quả đo điện tâm đồ thể hiện nhịp nhanh trên thất, tần số 150 lần/phút. Kế đó, điều dưỡng thực hiện y lệnh: Cefotaxim 1g x 1 lọ, tiêm tĩnh mạch; Gentamycin 80 mg x 2 ống, tiêm bắp; thì ngay lập tức, bệnh nhân đột ngột thở ngáp, tím môi, co giật toàn thân, mạch quay không bắt được, không nghe được tiếng tim, huyết áp bằng 0 (đã chết lâm sàng - PV). Đến 13 giờ 40 cùng ngày, bệnh nhân tử vong. Vấn đề gây choáng váng nằm ở kết quả chẩn đoán tử vong, là do nhồi máu cơ tim cấp/viêm đường hô hấp/vảy nến.

Qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án, một số bác sĩ chuyên khoa tim mạch cho rằng, nếu bệnh nhân Hoàng bị nhồi máu cơ tim là chẩn đoán đúng, thì trong phác đồ cấp cứu (như đã nêu ở trên) của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi là không phù hợp. Vì nó chỉ có tính áp dụng chung cho các bệnh lý cấp cứu về nội khoa chứ không mang tính đặc trưng của bệnh nhồi máu cơ tim. Nếu như trong quá trình bị viêm nhiễm đường hô hấp dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp, thì cùng lúc buộc phải có 2 phác đồ điều trị và phải ưu tiên hàng đầu đến vấn đề tim mạch để bảo vệ tính mạng người bệnh...

Sau khi lo hậu sự cho anh Phạm Mạnh Hoàng, đứa con trai duy nhất, ngày 16.11.2006, ông Phạm Văn Thức (76 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hương (74 tuổi), gửi đơn kiến nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi xem xét và có kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Hoàng và vấn đề chuyên môn của bác sĩ Phạm Ngọc Doanh (khoa Nội tổng hợp, người trực tiếp khám, chẩn đoán và ra y lệnh). Mãi đến ngày 7.3.2007 (bốn tháng sau), Sở Y tế Quảng Ngãi mới có kết luận và cho rằng: "Y lệnh của bác sĩ Phạm Ngọc Doanh là hợp lý" (?). Sau đó, Hội đồng khoa học kỹ thuật ngành y của sở này vào cuộc, nghiên cứu hồ sơ bệnh án, nhưng hoàn toàn tỏ ra bất lực bởi cho rằng đây là một trường hợp bệnh nặng và viện cớ do không giải phẫu tử thi nên không thể xác định chắc chắn nguyên nhân tử vong của bệnh nhân. Theo đó, hội đồng này chỉ đưa ra một chẩn đoán hồi cứu khả dĩ là "chết do nhồi máu cơ tim"!

Cách giải thích của ngành y tế Quảng Ngãi có nhằm cố tình xoay trở bản chất vụ việc, bao che cho những cá nhân tắc trách? Bởi lẽ, vấn đề cốt yếu là phải làm rõ vì sao sau khi tiêm 2 loại kháng sinh (đã nêu trong y lệnh) thì tim bệnh nhân Hoàng ngừng đập, đã không được cơ quan chức năng làm sáng tỏ (!?). Theo cứ liệu ghi trong bệnh án, bệnh nhân Hoàng không có dấu hiệu của nhồi máu cơ tim (sợ hãi, đau thắt ngực dữ dội, vã mồ hôi...) và bác sĩ điều trị cũng không hề đưa ra một tiên lượng nào về bệnh này. Ngày 24.9, tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Văn Thức cho biết: "Khi con tôi (anh Hoàng) qua đời, gia đình đến bệnh viện xin giấy báo tử để đăng ký phần đất mai táng ở nghĩa trang thì bác sĩ Doanh dọa là "gia đình đừng kiện mới đưa".

Quá bức xúc, 3 lần ông Thức gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Bộ Y tế thì cả 3 lần đều nhận được cách trả lời rất chung chung là "chưa có tài liệu nào nói đến bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim khi tiêm kháng sinh gây đau mà tử vong" và né tránh trách nhiệm "vụ việc gia đình ông đã được Sở Y tế Quảng Ngãi giải quyết theo thẩm quyền". Trong khi đó, theo Quyết định 44/2005/QĐ-BYT ngày 20.12.2005 của Bộ Y tế, thì "kết luận của Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp Bộ Y tế là kết luận cuối cùng về chất lượng chuyên môn, kỹ thuật trong khám chữa bệnh". Với mong muốn sự thật sớm được làm sáng tỏ và được bảo vệ, ông Thức đã một lần nữa trực tiếp gửi đơn cầu cứu đến tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Được biết, anh Phạm Mạnh Hoàng đột ngột qua đời để lại vợ và 3 đứa con côi cút.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.