Cà Mau dựng "kịch" trường thi

04/10/2005 21:03 GMT+7

Chỉ tiêu đề ra của ngành giáo dục tỉnh Cà Mau là đến cuối năm 2005 phải hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở (trước mục tiêu chung của cả nước 5 năm), tới 2010 sẽ hoàn thành phổ cập trung học phổ thông.

Thoạt trông, chỉ tiêu đó đã "nằm trong tầm tay" của tỉnh này khi liên tục các huyện, thành phố trong tỉnh làm lễ rình rang mừng đạt chuẩn quốc gia phổ cập THCS. Ngay cả huyện vùng rừng như U Minh, vốn được biết với rất nhiều trẻ thất học, không được tới trường, cũng đã "đạt chuẩn" với tỷ lệ hoàn thành phổ cập THCS cao ngút trên mây. Tuy nhiên, thật hư ra sao?

 "Ai dạy em hả thầy?"

Câu hỏi ngây thơ của một thí sinh ở Hội đồng thi (HĐT) bổ túc THCS  tại Trường Tiểu học 2, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn (tổ chức ngày 21 - 22/8 vừa qua) đã khiến người nghe không khỏi giật mình. Thậm chí hỏi nhiều em tại HĐT này, các em đã không trả lời được mình đã được học trong thời gian bao lâu mà chỉ nhắm chừng 2 hay 3 tháng gì đó. Theo thầy Đinh Văn Lăng, giáo viên Trường THCS Tam Giang, huyện Năm Căn thì xã này có mở lớp dạy phổ cập THCS, lớp có 12 em. Do các thầy cô "nhiệt tình" lắm nên thời gian dạy và học hết chương trình có ngắn hơn bình thường (từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2005). Có lẽ vì thời gian quá ngắn như thế nên giữa thầy và trò chưa có dịp biết nhau chăng?

Thời gian vào phòng thi gần điểm, chúng tôi quan sát các thí sinh tại HĐT Trường Tiểu học 2, Năm Căn vẫn không ai biểu hiện một nét lo lắng nào. Tư lự nhất, một em học sinh người đẹt câm, cầm quyển truyện tranh coi say sưa như không biết... chuyện gì tới sẽ tới. Em Từ Tuấn Anh rời mắt khỏi quyển truyện, trả lời tự nhiên: "Em mới học xong học kỳ I, lớp 9 (2004-2005), vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em phải nghỉ học. Mấy bữa trước, mấy thầy ở trường tới nhà bảo em đi thi cho có cái bằng với người ta, sau này có đi đâu hay muốn học nữa cũng dễ".

Khi chúng tôi đề nghị được xem hồ sơ thí sinh một cách ngẫu nhiên thì thật bất ngờ khi thấy tên em Từ Tuấn Anh đã hoàn chỉnh chương trình học với điểm số trung bình trong khi màu mực và nét ký của các giáo viên lại rất giống nhau (?). Tại HĐT này, nhiều em không có ảnh trong thẻ dự thi, nhưng cũng được cho vào thi hết. Chủ tịch HĐT, thầy Cao Phương Đông cho biết, tại HĐT này có trong danh sách đăng ký 43 em, nhưng chỉ có 30 em đến dự thi. Trong số các thí sinh vắng mặt, có 3 em ở xã Đất Mới, các thầy ở đây sốt sắng lắm, thuê vỏ lãi chở học sinh tới nơi thi, nhưng trên đường lại có 3 em... trốn mất!

Tổng động viên kể cả học trò lớp 8

Một thí sinh nhỏ tuổi đang kể: “Em đi thi còn được bồi dưỡng!”

Tại HĐT xã Khánh Hòa, huyện U Minh (huyện vừa tổ chức lễ đạt chuẩn phổ cập THCS), khi chúng tôi tìm Chủ tịch HĐT thì được biết, ngay trong giờ thi, ông này cùng với thanh tra tại HĐT đã bận... đi nhậu với lãnh đạo xã (!). Tiếp chúng tôi là thầy Đỗ Thế Giới, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hòa kiêm Phó chủ tịch HĐT, thầy cho biết: "Cho tới thời điểm này thì tình hình thi cử vẫn diễn ra bình thường". Khi đề nghị cho phóng viên được gặp một vài thí sinh bất kỳ, thầy này ỡm ờ cho đến khi... chẳng còn bóng học sinh nào tại trường. Khi phóng viên "chộp" được một thí sinh nữ đi thi về mới vỡ lẽ: "Em mới học lớp 8, tại thầy L. kêu em đi thi giùm đó chớ". Em Lý Thị Mùa Xuân kể: "Em được thầy nhắn tới trường để tập trung trước năm học mới. Tới trường thì thầy biểu vô làm bài thi. Em đâu biết, cũng vô ngồi chép đề, rồi được bạn ngồi kế bên chỉ. Trong thẻ dự thi Xuân mang theo có tên Hoàng Trúc Nin" (!).

Khi tiếp xúc với các "thí sinh bất đắc dĩ" tại HĐT Trường THCS xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (cũng là huyện đã làm lễ rình rang công bố hoàn thành PCGD), em T., hiện đang học cấp 3 tại một trường bán công ở TP Cà Mau kể: "Em đang học thì thầy kêu em đi thi giùm học sinh bổ túc, còn dặn, có ai hỏi thì nói em học bổ túc đi thi". Thậm chí nhiều em còn viết giấy kể lại chuyện được thầy "đạo diễn" cho gian lận thế nào. Các em kể: Lần thi hồi tháng 3/2004, tất cả học sinh lớp em được nhận thẻ dự thi nhưng không thi mà... vô chép bài giải ghi sẵn trên bảng!

Khi dư luận đặt ra vấn đề tiêu cực trong việc tổ chức thi cử các kỳ thi phổ cập THCS, ngày 20/9/2005, Sở GD - ĐT tỉnh Cà Mau đã có công văn số 1172 do Phó giám đốc Lâm Văn Xia thông báo: "Đã xử lý kỷ luật cán bộ, giáo viên và học sinh có liên quan với các hình thức: buộc thôi việc 2 giáo viên, cách chức 3 hiệu trưởng, hạ bậc lương 1 giáo viên, cảnh cáo 2 cán bộ Phòng GD huyện, hủy bỏ thi tốt nghiệp THCS đối với các thí sinh có người  thi hộ...". Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng phòng GD huyện U Minh (bản thân ông này cũng bị kỷ luật), được ông này cho biết "sự việc đang được tiến hành theo trình tự". Ông Lạc tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin Sở GD - ĐT Cà Mau đã xử lý kỷ luật vì bản thân ông cũng chưa nhận được công văn nào như thế. Tại Trường THCS Khánh Hòa, Hiệu trưởng Đỗ Thế Giới (theo thông báo bị cách chức) vẫn "bình yên vô sự".

"Hay" hơn, tại kỳ thi tổ chức ngày 15/5/2005, HĐT này có 69 thí sinh dự thi, kết quả đậu 100%. Tới kỳ thi tổ chức ngày 25, 26/5/2005, do trùng với kỳ thi tốt nghiệp THCS nên tại xã Tân Hưng phải huy động cả... học sinh lớp 8 đi thi hộ vì học sinh lớp 9 đang bận làm bài của mình. Em N.T.Q, nhớ lại: "Em thi giùm cho Phùng Kim Thà, số báo danh 81, được 22 điểm". "Em mới học lớp 8 làm sao làm bài lớp 9 được ?". "Thì các thầy trên huyện đưa bài giải sẵn". Khi tôi đến gặp gia đình người được thi giùm, anh Phùng Văn Thiệt phải bật cười khi hay con mình thi đậu THCS, vì theo ông: "Thà nó mới học hết lớp 7, rồi bị bệnh, nghỉ học. Từ đó tới giờ, nó đi lột tôm chớ có thi cử gì đâu...".

Đã có trường hợp lớp phổ cập giáo dục được dựng lên, rồi... chết non chẳng ai biết. Chỉ biết tới kỳ thi thì danh sách của các em vẫn có đều đặn trong danh sách thí sinh dự thi. Có điều, người có tên trong danh sách đó lại đang đào đất, đặt tôm hay đang làm công nhân hải sản... và chẳng hề hay biết mình... đang được thi giùm. Họ sẽ được gì cho mình? Mảnh bằng? Không. Khi nhiều trường hợp chúng tôi đến, các em không hay mình được thi giùm mà phải vật lộn với cuộc sống và dĩ nhiên cũng chẳng thấy "mặt mũi" cái bằng ở đâu.

Mộc Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.