Những đứa trẻ sau ga Hà Nội

27/10/2010 08:25 GMT+7

Nằm rải rác trong các ngõ hẻm phố Trần Quý Cáp sau ga Hàng Cỏ, có những đứa trẻ từ những miền quê nghèo tụ tập lên thành phố kiếm sống...

Sau ga Hàng Cỏ, rất nhiều khu trọ giá rẻ lụp xụp ẩm thấp, đó là nơi ở của những em nhỏ từ các miền quê nghèo ngày ngày lam lũ kiếm sống khắp các phố phường Hà Nội. Mỗi em là mỗi thân phận nghèo khổ, không được học hành và phải bươn trải mưu sinh từ rất sớm.

Trong căn gác xép chật chội của bà chủ hàng nước sau ga, chỗ ở của các em là những manh chiếu trải lên sàn nhà, mái nhà lụp xụp cao tầm 1m chỉ đủ cho các em nằm ngủ, để đứng thẳng người cũng khó. Thường cứ 10 đến 20 em thuê chung một căn gác xép với giá 7.000 đến 10.000 đồng một đêm, một tháng ít nhất cũng mất 210.000 đồng.

Công việc của các em là bán hàng rong, đánh giày, nhặt rác, trông xe thuê, thậm chí cả cửu vạn... Em Long 16 tuổi, quê Hưng Yên, người gày gò và đen nhẻm kể: “Bố em bị cảm khi uống rượu và chết khi em mới 10 tuổi, mẹ em bán rau ở chợ huyện, em nghỉ học từ năm lớp 6, lên Hà Nội đánh giày”. Cũng như Long, em Sơn quê Lam Sơn, Thanh Hóa kể về ngày còn đi học: “Sáu năm liền là học sinh tiên tiến, nhưng năm lớp 7 bố mẹ bỏ nhau, em phải nghỉ học. Ở với bố, không có tiền, em ra Hà Nội”.

Xa nhà từ năm 12 tuổi, em Thu Phương quê ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa nay đã 15 tuổi, đôi chân đã đi không biết bao nhiêu con phố, quán xá với khay kẹo cao su trên tay. Phương nghèn nghẹn: “ Em muốn về nhà lắm nhưng tiền kiếm được chỉ dám gửi về nuôi 3 đứa em nhỏ, lấy đâu ra tiền mua vé xe”.

Có những em ngày ngày lang thang khắp các quán ăn ở phố hàng Ngang, Hàng Đào cho đến chợ đêm Đồng Xuân từ 4 giờ chiều cho đến 4 hay 5 giờ sáng hôm sau để mời khách đánh giày, mua kẹo hay nhặt nhạnh những thứ có thể bán được. Vất vả làm đêm là thế nhưng thu nhập cũng chẳng ăn thua gì. “Một đêm đánh được 10 đôi giày, thỉnh thoảng bán được miếng lót 20.000 đồng. Nhưng trừ tiền cơm bụi 10.000 đồng, tiền nhà trọ, trừ các chi phí một ngày em cũng chỉ dành dụm được 25.000 đến 30.000 đồng”.

Không trụ được một nghề kiếm sống ổn định, em Hải xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đủ nghề, lúc đầu cũng đánh giầy, sau trông xe thuê trên Phố Nguyễn Du rồi bây giờ làm cửu vạn. Sáng sớm Hải đi khắp sân ga, ai thuê gì cũng làm, thường là bốc vác hàng hóa, vất vả nhưng cũng được 50.000 đồng mỗi lần khách thuê. Hải nói: “Ở thành phố vất vả nhưng có tiền mà sống rồi gửi về cho bà, cho mẹ chứ ở quê quanh năm đào đâu ra tiền”.

Đặc biệt, có những em từ các miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh vừa bị lũ lụt mà không thể về thăm nhà. Em Duy ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, bị ảnh hưởng nặng nhất từ cơn lũ, rơm rớm nước mắt: “Gọi điện bố mẹ bảo nhà mất trắng mấy sào lúa, con trâu và đàn lợn cũng chết cả, nhà đã túng nay còn đói hơn”.

Nếu có một lần đến với xóm trọ sau ga Hà Nội, có thể đọc được những dòng chữ các em viết trên tường nhà ẩm thấp: “Con nhớ mẹ và các em”...

Thu Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.