Sẽ có cơ quan tài phán chuyên phân xử về đất đai?

09/10/2005 16:59 GMT+7

Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vừa hiến kế cho Quốc hội lập một cơ quan tài phán chuyên trách giải quyết khiếu kiện về đất đai. Báo chí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ xung quanh vấn đề này.

* Việc Bộ TN-MT mạnh dạn đề xuất thành lập cơ quan tài phán có phải vì sự bất lực của địa phương trong việc giải quyết triệt để những mâu thuẫn về đất đai thời gian qua?

- Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc tranh chấp giải quyết không thể dứt điểm; nhiều quyết định của chính quyền địa phương không được dân đồng tình, phát sinh khiếu kiện kéo dài. Do vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải xây dựng một cơ quan làm việc khách quan và ra kết luận cuối cùng.

* Cơ quan tài phán này sẽ giải quyết mọi khiếu nại, tranh chấp mà huyện, tỉnh giải quyết không thoả đáng. Vậy làm thế nào để đảm bảo tính khách quan?

- Chúng tôi đã tính đến điều này. Vì thế, Bộ đề xuất cơ quan này sẽ hoạt động độc lập với hệ thống hành chính địa phương, có thể đảm bảo quyền lợi cho nhân dân tốt hơn. Chủ quản của cơ quan tài phán thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ. Cái này do Quốc hội quyết định. Trực thuộc ai cũng được nhưng miễn là không trực thuộc địa phương. Bởi mục đích của chúng ta là muốn bóc ra để quyết định cuối cùng là một cơ quan trung ương quyết định. BộTN-MT sẽ không “ôm” chuyện này.

* Những “điểm nóng” qua đợt tổng kiểm tra việc thực hiện Luật đất đai trên toàn quốc thời gian qua sẽ xử lý thế nào?

- Thứ trưởng Đặng Hùng Võ: ''Hiện giải quyết vấn đề khiếu nại tố cáo thì có 2 việc phải làm. Một là giải quyết những tồn đọng, những cái từ xưa đến nay vẫn còn và dân vẫn tiếp tục tái khiếu. Thứ hai là đừng cho nó phát sinh trong cơ chế vận hành mới, tức những cái trong dự án mới thì phải làm cho dân thoả đáng trên mức độ đại đa số, theo quy định pháp luật và giải thích để làm sao cho dân hiểu căn cứ trên trình tự thủ tục pháp luật quy định.

Qua đợt tổng kiểm tra, có khoảng gần 20.000 đơn. Số đơn này sẽ phải phân tích tiếp cái nào giải quyết lần đầu, cái nào chưa giải quyết. Sơ bộ cho thấy già nửa là chưa giải quyết lần đầu. Và số này, Bộ sẽ giao lại đơn cho huyện, cho tỉnh tùy theo thẩm quyền, Bộ TN-MT sẽ theo dõi việc thực hiện giải quyết''.

Cơ quan tài phán sẽ mang tính chất của một cơ quan tư pháp nhiều hơn. Nó không có hệ thống từ Trung ương đến các địa phương mà có thể là một cơ quan ở Trung ương, dưới có cơ quan theo vùng tỉnh, vùng huyện, những nơi có nhiều vấn đề. Và nó cũng có thể thành lập để xử lý những điểm “nóng” trong một thời gian nào đấy...

* Kết luận thanh tra có tác động gì đến phán quyết của cơ quan tài phán?

- Cơ quan tài phán chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tranh chấp của dân và căn cứ kết luận dựa trên tài liệu của các bên liên quan trên cơ sở pháp luật quy định. Còn kết luận thanh tra, đấy là kết luận độc lập và xử lý theo quy định.

* Quyết định của của cơ quan tài phán là cao nhất, như vậy tất cả những kết luận từ địa phương không đúng sẽ bị bác bỏ?

- Đúng! Những quyết định cuối cùng của tỉnh sai thì cơ quan tài phán có quyền huỷ và ra quyết định lại.

* Số lượng vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trên toàn quốc là rất lớn (chiếm 60% khiếu kiện), liệu cơ quan tài phán có thể giải quyết hết được không?

- Cơ quan tài phán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này, có đủ lực lượng, chuyên môn... Vì vậy nên tôi nghĩ sẽ giải quyết được hết! 

Thanh Ngọc/VNN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.