Tái lập mặt đường “hậu lô cốt”

19/10/2008 22:56 GMT+7

Sau một thời gian dài, nhiều công trình đào đường sau khi dỡ bỏ “lô cốt” đã tái lập mặt đường cẩu thả, tiếp tục gây cản trở lưu thông và tai nạn cho người đi đường.

Bẫy trên đường

Trở lại đường Trần Văn Đang (P.9, Q.3, TP.HCM) trưa 19.10, chúng tôi nhận thấy dãy “lô cốt” - bít gần hết mặt đường cách đây hơn 1 tháng - đã được tháo dỡ. “Tưởng đâu hết khổ, ai dè chúng tôi lại tiếp tục bị hành bởi mặt đường bong tróc nham nhở, trời nắng thì bụi bay mù mịt, còn mưa thì lầy lội, khiến việc lưu thông tiếp tục bị cản trở”, anh Chính, thợ sửa xe, ngao ngán nói.

Theo quan sát của chúng tôi, ở những điểm tháo dỡ rào chắn trông chẳng khác gì da beo, với những khoảnh đào rộng gần 2m rải đá xanh, kéo dài từng đoạn vài chục mét, không có rào chắn cảnh báo. Trong nửa giờ đồng hồ, chúng tôi 2 lần mục kích cảnh người đi xe gắn máy loạng choạng tay lái, suýt ngã khi đi vào “da beo” đầy đá xanh. Tương tự, trên đường Trần Quang Diệu và Trần Huy Liệu (Q.3 và Phú Nhuận), người dân hai bên đường cũng kêu trời vì kiểu tái lập sơ sài của các nhà thầu, khiến mặt đường bị bong tróc nham nhở, đất đá vương vãi. Do mặt đường và lằn phui vênh nhau, cộng với các hố ga lồi hẳn lên khỏi mặt đường đã tạo thành  những cái bẫy nguy hiểm. “Trời nắng còn đỡ, chứ mưa đến thì nước ngập đầy, không ai nhìn thấy những cái bẫy bên dưới nên chuyện té ngã, va quệt xe tại đây như cơm bữa”, anh Hoàng, ngụ số 29 Trần Quang Diệu, P.14, Q.3, bức xúc nói. 

Còn rất nhiều đoạn đường gây khổ sở cho người dân nằm trong “danh sách đen” của Thanh tra Sở GTVT, như: Nguyễn Cửu Vân, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Quang Định, Nguyễn Trọng Tuyển, Xô Viết Nghệ Tĩnh... Mặc dù cơ quan chức năng đã nhắc nhở, xử phạt nhiều lần, đồng thời yêu cầu các nhà thầu phải tái lập mặt đường theo nguyên trạng, thậm chí đưa ra thời hạn (20.9.2008), song đến nay, đã một tháng trôi qua, tình trạng trên vẫn chưa chuyển biến.  

Những biện pháp khả thi

Nhằm hạn chế nỗi khổ của người dân TP về vấn nạn “lô cốt” và tái lập mặt đường cẩu thả, mới đây, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng đã đề xuất UBND TP.HCM một số giải pháp mang tính khả thi. Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra GTVT, các khu quản lý giao thông đô thị phân công cụ thể các thanh tra viên, chuyên viên theo dõi địa bàn, công trình có rào chắn chiếm dụng mặt đường. Các cá nhân này phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm; kiên quyết tháo dỡ rào chắn trên đường nếu sau khi thời hạn thi công kết thúc, nhà thầu vẫn rào chắn thi công; mạnh tay đối với các nhà thầu không thu dọn đất, cát dọc hàng rào công trường, bùn đất do các phương tiện kéo ra đường giao thông; không thu dọn vệ sinh công trường sau khi thi công xong; một số công trường thường xuyên bơm nước ra đường giao thông..., gây hư hỏng mặt đường, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị...

Quyết liệt hơn, Sở GTVT kiến nghị: Trường hợp sau 24 giờ, nếu đơn vị thi công không tái lập hoàn chỉnh mặt đường sau khi dỡ hàng rào, thì lập tức các khu quản lý giao thông đô thị triển khai ngay công tác tái lập mặt đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Kinh phí thực hiện công tác này sẽ được chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư các dự án chi trả lại cho các khu quản lý giao thông đô thị từ nguồn vốn của dự án. Để làm được việc này, Sở GTVT đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí thêm nguồn kinh phí duy tu để các khu quản lý giao thông đô thị triển khai công tác tái lập mặt đường “hậu lô cốt”. Trước mắt, bố trí 5 tỉ đồng để triển khai công việc này đến cuối năm 2008. Đối với các gói thầu tái lập mang tính cấp bách có giá trị trên 100 triệu đồng, thì cho phép các khu quản lý giao thông đô thị thực hiện ngay bằng nguồn vốn duy tu với hình thức lập dự toán mà không cần phải lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Đây là những biện pháp được cho là rất khả thi nhằm nhanh chóng trả lại mặt đường hoàn thiện cho người dân, sau một thời gian dài quá mệt mỏi vì “lô cốt” và sau đó.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.