Cái tôi - vị - tha chống lại cái tôi - ích - kỷ

06/10/2007 18:28 GMT+7

Bao nhiêu độc giả Việt Nam say mê Harry Potter đang nôn nóng chờ đợi bản dịch tập cuối của nhà văn - dịch giả Lý Lan. Với ngôn phong rặt chất Nam Bộ và cung cách hóm hỉnh, trẻ trung, những bản dịch của Lý Lan đã chiếm được thiện cảm của đông đảo bạn đọc trên cả nước, bởi những nhân vật trong Harry Potter không còn xa lạ, mà đã có chút gì đó rất Việt Nam, rất gần gũi. Bảy năm đeo đuổi bộ sách, Lý Lan đã gắn bó cả một quãng đời của mình với nhân vật. Giờ đây, khi phải chia tay với Harry Potter, nhà văn - dịch giả đang có những cảm xúc gì?

* Cảm xúc hiện nay của chị, sau khi “thoát khỏi” Harry Potter?

- Thực ra cũng chưa thoát hẳn đâu: tuy tôi đã dịch xong nhưng vẫn còn đang tám với Hậu Harry Potter. 

* Chị có thể nói gì về tình cha mẹ - con cái, tình thầy trò, tình bạn, và nhất là tình yêu trong Harry Potter? 

- Rất giống với đạo lý Việt Nam: cha mẹ hy sinh cho con cái. Không chỉ riêng má Lily đem mạng sống của mình làm bùa thiêng bảo vệ Harry suốt thời niên thiếu, mà ông bà Malfoy giữa vòng bùa bay phép lạc cũng chẳng màng đánh đấm, chỉ chăm chăm đi tìm cứu cậu con Draco, còn bà Weasley - một bà nội trợ tưởng đâu chỉ quanh quẩn trong nhà bếp và đan áo ấm cho các con - nhưng khi con trai bà bị giết và con gái bị tấn công thì bà lồng lên như con gà mái, xông vào tên Tử thần Thực tử ghê gớm nhất mà đấu tay đôi trong trận chiến một mất một còn.

Tình thầy trò thì cao cả: cho dù các thầy cô trường Hogwarts mỗi người một cá tính và trình độ pháp thuật khác nhau, nhưng với những người tận tụy dạy dỗ và bảo vệ học sinh của mình, thì Harry kính trọng, tin tưởng, trung thành, yêu thương, và cũng bất chấp nguy hiểm cho bản thân khi cần bảo vệ họ, cũng như các thầy cô đã cùng xung trận để bảo vệ học trò mình. Tình bạn và tình yêu thì rất đẹp, đây là một trong những chủ đề lớn của bộ sách và là cốt lõi sức hút của bộ ba Harry - Ron và Hermione. Chân thật, thủy chung với nhau, giúp đỡ tôn trọng lẫn nhau. Tôi ước trong đời mình có một tình bạn như Harry và Hermione và một tình yêu như Hermione và Ron. 

* Và chị nói gì về cuộc chiến đấu của cái Thiện chống lại cái Ác?

- Trong Harry Potter thì đó là cái tôi - vị - tha chống lại cái tôi - ích - kỷ, là tình yêu chống lại ganh ghét, là sự lẫn lộn giữa hai cái, nhưng cái này muốn tồn tại thì phải diệt tận gốc rễ cái kia.

* Như một người đọc và như một phụ nữ, có khi nào chị cảm thấy mình cũng yêu chàng phù thủy tuổi trẻ tài cao và cuộc đời nhiều bất trắc này?  

- Ngay từ ban đầu tôi đã yêu cậu bé mồ côi bị áp bức trong thế giới trưởng giả tầm thường, chợt nhận ra thiên hướng và phẩm chất của mình năm 11 tuổi, dũng cảm bước vào thế giới của mình, khao khát học hỏi, bảo vệ cái mình yêu và đương đầu không khoan nhượng với cái ác, cho dù cái ác đó ở ngay trong bản thân mình. Tôi đã “theo” cậu bé đó lớn lên suốt 7 năm trời, tình cảm kể ra cũng đậm đà, nhưng chắc là hơi khác tình yêu của các bạn đọc trẻ đối với chàng ta.

* Có phải Harry Potter đã trả lại cho tuổi thơ (và ngay cả người lớn) thế giới kỳ ảo và hấp dẫn của phép lạ mà cuộc sống hiện tại quá nhiều phương tiện kỹ thuật đã làm cho khô cứng đi?

- Tôi lại thấy nhiều “bùa phép” trong truyện rất giống “phương tiện kỹ thuật” hiện đại và có thể trong tương lai, cho nên “thế giới kỳ ảo và hấp dẫn của phép lạ” không hẳn bị phương tiện  kỹ thuật làm khô cứng đi. Cái mà Harry Potter trả lại hay đem tới cho người đọc nhiều lứa tuổi khác nhau, là những tình cảm đẹp đẽ trong sáng chân thực trong những quan hệ giữa người và người. Độc giả háo hức đọc Harry Potter không phải để xem Harry luyện thêm được pháp thuật cao cường nào mà để biết Harry phản ứng ra sao khi người thầy đã chết của mình bị bôi nhọ, cô giáo chủ nhiệm của mình bị một tên vô lại tát vào mặt ngay trước mắt mình, hay Harry cư xử thế nào khi bạn bè phạm sai sót, cãi cọ, bỏ đi...

* Chị có đọc bản dịch trên mạng của một số fan của Harry Potter? Chị thấy sao?

- Khi những bản dịch tiếng Việt của Harry Potter 7 được tung lên mạng thì tôi đang cắm đầu làm việc với chị Vàng Anh theo một lịch rất khít khao và căng thẳng. Nhưng mỗi ngày tôi mở hộp thư điện tử là thấy mấy chục thư gởi kèm links và các bài dịch đến và hỏi tôi “thấy sao?”, “nghĩ sao?”, trong đó có ít nhất 4 nhà báo muốn phỏng vấn về việc đó. Tôi đã chọn một thái độ bất đắc dĩ là không trả lời bất cứ ai. Vì hai lý do: thứ nhất, lúc đó tôi không có cả thì giờ để ngủ, đầu óc luôn căng thẳng với công việc đang làm, không thể kham nổi sự xa xỉ thì giờ và tâm trí vào chuyện gì khác cả. Thứ hai, quan điểm của tôi về việc này đã được nói rõ trong buổi phỏng vấn trên truyền hình hai năm trước (khi phát hành Harry Potter 6) và đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên, nên không cần nói tới nói lui.

Tôi nhắc lại vắn tắt ở đây: ai cũng có quyền dịch bất cứ tác phẩm nào mình thích, và tôi khuyến khích các bạn muốn dịch để học ngoại ngữ hay để hiểu kỹ một tác phẩm; còn việc phát hành có liên quan đến bản quyền thì cần thương thảo với người sở hữu hợp pháp. Không riêng gì Việt Nam mình, mà đâu đâu trên thế giới, từ Pháp, Đức đến Trung Quốc..., đều có chuyện tương tự, thậm chí nhậm lẹ hơn rất nhiều, như trên mạng tiếng Hoa đã xuất hiện bản dịch toàn bộ Harry Potter 7 chỉ ba ngày sau khi bản tiếng Anh phát hành. Chỉ có phản ứng của những người có liên quan ở mỗi nơi mỗi khác thôi.

Bây giờ tôi bắt đầu xem lại những bản dịch khác nhau của nhiều người gởi đến cũng như thử vào các link (tiếc là phần lớn không còn hiệu lực hoặc đã thay đổi nội dung). Lúc đang “cao trào” tôi chỉ mới đọc mấy chương đầu gởi thẳng đến tôi hoặc để thẳng trên web và những tranh cãi về vụ này, rắp tâm khi nào rảnh sẽ xem lại hết để... tám. Thực tình, tôi đọc tất cả bản - dịch - không - phải - của - tôi (Harry Potter tập 5, 6 và 7) để tham khảo. 

* Cái nhìn của chị đối với văn học và cuộc sống có gì đổi khác sau thời gian sống ở Mỹ?

- Tôi bây giờ có lẽ khác với tôi mười năm trước, không phải do “sống ở Mỹ” mà do trong mười năm đó tôi đã trải qua những thay đổi rất lớn trong đời một con người: qua hết tuổi thanh niên để bắt đầu tuổi trung niên, từ bỏ cuộc đời độc thân để chia sẻ cuộc sống với một người khác, thôi hẳn nghề dạy học vốn là lý tưởng đã đeo đuổi từ thời thơ trẻ để thử thách mình trong những lĩnh vực khác khi tài sức không còn trẻ nữa, lại chuyển môi trường sống từ một đô thị lớn xứ nhiệt đới đến một “làng” nhỏ xứ ôn đới... Do vậy, tôi nghĩ chắc tôi cũng có những cách nhìn, cách suy nghĩ và hành xử khác với tôi trước đây. Nhưng học trò và bạn bè gặp lại tôi cách đây mới mấy tháng đều nói họ thấy tôi... vẫn vậy. 

* Chị có quan tâm đến nền giáo dục của Mỹ? Ưu điểm lớn nhất của họ là gì?

- Tôi coi việc tôn trọng nhân cách và sự khác biệt là ưu điểm lớn nhất - mặc dù không phải cơ sở giáo dục nào của Mỹ cũng đạt được điều đó, nhưng điều đó được luật pháp bảo đảm và được nhà nước hỗ trợ, khuyến khích. Thí dụ tăng ngân sách cho những trường có học sinh thuộc nhiều chủng tộc hay tầng lớp xã hội khác nhau; hay có những chương trình, đề án hoạt động đa văn hóa cho học sinh. Và nếu một thầy cô giáo mà tát học sinh, hay bắt học sinh liếm ghế, nhất là đối với học sinh bậc phổ thông, thì chắc chắn phải ra tòa lãnh án tù.  

* Bao giờ độc giả sẽ được đọc bản dịch Harry Potter 7?

- NXB Trẻ cho biết, Harry Potter 7 bản tiếng Việt sẽ phát hành vào 7 giờ 7 phút ngày 27.10.2007, giá 105.000đ. 

* Chị hãy nói một câu gì “Lý Lan” nhất?

- Vụ này tôi thua.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.