Chỉ số S&P 500 tăng mạnh trong tháng 10

30/10/2010 08:29 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, cũng là phiên cuối cùng của tháng 10 (vào rạng sáng nay, 30.10, giờ VN), chứng khoán Mỹ không có sự biến động nhiều; trong khi đó, hầu hết các chỉ số chứng khoán tại châu u, châu Á tiếp tục đi xuống. >> Intel khánh thành nhà máy 1 tỉ USD tại Việt Nam / “Siết” vàng / Giá vàng, USD tăng

Trong phiên này, tác động chủ yếu tới chứng khoán Phố Wall (Mỹ) vẫn tới từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2010.

Đại gia ngành công nghệ thông tin, Microsoft cho biết, trong quý 3 vừa qua công ty đã thu lãi ở mức 62 cent/CP nhờ nhu cầu mua máy tính và các phần mềm đi kèm tăng, cao hơn mức dự đoán 55 cent/CP của các chuyên gia. Cổ phiếu của Microsoft tăng 1,5% trong phiên cuối tháng.

Tính tới nay, đã có 310 công ty, doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 3. Trong đó có tới 249 công ty, doanh nghiệp (chiếm tới 80%) cho thấy kết quả khả quan.

Thông tin tác động đáng kể tới phiên giao dịch cuối tuần còn có báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng GDP trung bình năm của nền kinh tế số 1 thế giới trong quý 3/2010 đạt con số 2%, cao hơn mức 1,7% của quý 2 vừa qua. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi.

Tổng kết phiên 29.10, chỉ số thị trường S&P 500 giảm dưới mức 0,1%, xuống còn 1.183,26 điểm. Chỉ số Dow Jones Industrial tăng nhẹ 4,54 điểm trong cùng phiên giao dịch, lên thành 11.118,49 điểm. Nasdaq Composite giữ ở mức 2.507,41 điểm.

Tuy không đạt được thành tích kỳ diệu như hồi tháng 9 (tăng gần 9%), nhưng S&P 500 vẫn duy trì được mức tăng 3,7% trong tháng 10 này. Trong tháng 10, thị trường chứng khoán Mỹ đi lên chủ yếu nhờ thông tin Cục Dự trữ liên bang (FED) tuyên bố sẽ “mở ví” tiếp thêm tiền cho nền kinh tế.

* Tại châu u, thị trường chứng khoán đã ghi nhận tuần giảm điểm đầu tiên trong vòng 4 tuần trở lại đây do lo ngại những gói kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương chưa đủ sức để vực dậy nền kinh tế trong khu vực. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm 0,3% trong tuần này.

Trong phiên cuối tuần, FTSE 100 của Anh giảm nhẹ 0,05%, xuống còn 5.675,16 điểm. So với mức chốt phiên cuối tuần trước, chỉ số này đã giảm tới 1,2%.

Tiếp theo là CAC 40 của Pháp, giảm nhẹ 0,03% trong phiên 29.10, chốt phiên cuối tuần ở mức 3.833,5 điểm, thấp hơn 0,9% so với cuối tuần trước. Còn DAX của Đức nhờ tăng nhẹ 0,09% trong phiên này mà giữ được mức giảm nhẹ 0,1% so với tuần trước, chốt ở mức 6.601,37 điểm.

* Tại châu Á, trong phiên giao dịch cuối tuần (kết thúc chiều 29.10, giờ VN), hầu hết các bảng điện tử trong khu vực đều rực đỏ. Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,58% trong phiên cuối tuần.

Chỉ số Nikkei 225 trong phiên cuối tuần đã để mất 163,58 điểm, tương đương giảm 1,75% so với phiên trước đó, chốt ở mức 9.202,45 điểm. HSI của Hồng Kông cũng để tuột 114,54 điểm, tương đương giảm 0,49%, xuống còn 23.096,32 điểm. So với phiên cuối tuần trước, Nikkei 225 đã giảm tới 2,4%; HSI giảm 2%.

Ghi nhận trên một số thị trường khác trong khu vực: Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,46%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm 1,31%; S&P/ASX 200 (Úc) giảm 0,5%. Straits Times (Singapore) may mắn lọt vào số ít nhóm thị trường tăng điểm, tăng nhẹ 0,42%.

Duy Trần
(Tổng hợp theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.