“Thước đo” trình độ nhân lực CNTT Việt Nam

30/10/2008 11:29 GMT+7

Trong khuôn khổ Chương trình Chính phủ Nhật Bản giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), từ năm 2001 đến nay, Trung tâm Đào tạo (VITEC) trực thuộc Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, Bộ Khoa học - Công nghệ được giao nhiệm vụ nghiên cứu thích nghi và xây dựng hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT của Việt Nam, đồng thời triển khai sát hạch kỹ sư CNTT theo các chuẩn kỹ năng Nhật Bản và tương đương Nhật Bản.

* Tiệm cận trình độ quốc tế

Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT là hệ thống mô tả các kỹ năng và kiến thức cần có của nhân lực trong lĩnh vực CNTT, dựa trên các yêu cầu cụ thể của các cơ quan sử dụng nhân lực. Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT bao gồm nhiều chuẩn đặc thù, tương ứng với các vị trí làm việc trong mô hình hoạt động của các cơ quan sử dụng nhân lực. Các vị trí này được xác định theo đặc thù của từng cơ quan sử dụng nhân lực, và được tổng quát hóa thành các loại hình có tính phổ biến, nhằm mục tiêu định nghĩa tập kiến thức và kỹ năng có thể sử dụng chung cho mỗi loại hình hoạt động của cơ quan sử dụng nhân lực.

Tại Nhật Bản, hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT được thiết lập để làm cơ sở cho việc sát hạch đánh giá trình độ nhân lực CNTT, phục vụ công nghiệp, giáo dục, chính phủ, và người lao động. Từ năm 1969, Nhật Bản đã ban hành Luật Thúc đẩy xử lý CNTT với nội dung chủ yếu là xây dựng hệ thống sát hạch CNTT theo các chuẩn kỹ năng do Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại (METI) chủ trì. Chuẩn kỹ năng dùng trong hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT của Nhật Bản gồm 13 loại hình tương ứng với công việc của những người phát triển và ứng dụng CNTT. Các chuẩn kỹ năng CNTT của Nhật Bản đáp ứng yêu cầu về định dạng và cấu trúc của chuẩn, cũng như nội dung theo xu hướng phát triển CNTT trên thế giới. Cấu trúc của hệ thống và của từng chuẩn kỹ năng đều xuất phát từ yêu cầu thực tế.

* Đến 2020, kỹ sư CNTT Việt Nam... đạt chuẩn!

Ở nước ta, hiện đang tồn tại một khoảng cách về trình độ của người kỹ sư tốt nghiệp tại cơ sở đào tạo và năng lực cần có của họ khi đảm trách các công việc thực tế. Các kỹ sư sau khi tốt nghiệp hầu hết chưa đảm bảo được yêu cầu của cơ quan sử dụng nhân lực. Trước thực tại khách quan này, việc xây dựng một “thước đo” sử dụng chung cho các nhà quản lý, các nhà sử dụng nhân lực, các cơ sở đào tạo nhân lực và chính bản thân nhân lực để đánh giá khách quan chất lượng nguồn nhân lực và bản thân các cơ sở đào tạo lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Trên cơ sở giúp đỡ của METI thông qua việc chuyển giao bản quyền các tài liệu chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản và Hội đồng chuyên gia về sát hạch CNTT của VITEC, VITEC đã tiến hành xây dựng hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT của Việt Nam theo nguyên mẫu các chuẩn kỹ năng của Nhật Bản có thích nghi và bổ sung một số đặc thù của Việt Nam. Các chuẩn kỹ năng được xây dựng đã đề cập một cách có hệ thống các kiến thức mà kỹ sư CNTT cần đáp ứng, từ các kiến thức chung rất cơ bản về thông tin, tính toán, kiến trúc máy tính, kiến trúc mạng, cơ sở dữ liệu và giải thuật, phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng, v.v… đến các kỹ năng cần có khi tham gia vào việc thiết kế một hệ thống thông tin trong thực tế.

Cho đến nay VITEC đã xây dựng các chuẩn kỹ năng kỹ sư CNTT cơ bản (FE), chuẩn kỹ năng kỹ sư thiết kế và phát triển phần mềm (SW), chuẩn kỹ năng kỹ sư hệ thống mạng (NW) và Chuẩn kỹ năng kỹ sư hệ thống cơ sở dữ liệu (DB) trong đó các chuẩn kỹ năng kỹ sư CNTT cơ bản (FE), chuẩn kỹ năng kỹ sư thiết kế và phát triển phần mềm (SW) đã được công nhận tương đương với các chuẩn tương ứng của Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo chiến lược, đến 2020, kỹ sư CNTT Việt Nam đạt các chuẩn nói trên. VITEC đã phối hợp với hầu hết các cơ sở đào tạo chính quy và không chính quy trong nước để phổ cập hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT này. Đồng thời VITEC cũng phối hợp với JITEC (Nhật Bản) và các nước tham gia Hội đồng chuyên môn về sát hạch kỹ sư CNTT khu vực (ITPEC) tổ chức các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT theo các chuẩn kỹ năng đối với loại hình FE, SW, DB và NW. Đã có hơn 6.000 thí sinh tham dự các kỳ sát hạch này trong đó khoảng 15% thí sinh đạt yêu cầu.

Qua 7 năm triển khai ở Việt Nam cho thấy hệ thống chuẩn kỹ năng nói trên có thể đảm bảo phân loại và đánh giá khách quan phẩm chất nhân lực CNTT Việt Nam. Phản ứng của thị trường nhân lực CNTT ở Việt Nam cho thấy các chuẩn kỹ năng CNTT do VITEC xây dựng và hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng do VITEC tổ chức đã bắt đầu được coi như một thước đo chung cho các bên tham gia thị trường. Điều này thể hiện qua việc áp dụng kết quả sát hạch để tuyển dụng và phân loại nhân viên của các công ty CNTT, qua việc áp dụng rộng rãi các nội dung của các chuẩn trong các trường đại học hàng đầu và ngày càng nhiều các cơ sở đào tạo phi chính quy tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng thí sinh tham dự sát hạch.

Theo TS Đỗ Văn Bình  (GĐ Trung tâm Đào tạo VITEC)
Báo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.