Hận thù, yêu thương bất tận

24/10/2010 10:52 GMT+7

Những gì thể hiện trên màn ảnh trong suốt 100 phút phim Cánh đồng bất tận đã thật sự làm hài lòng người hâm mộ.

Cuối cùng thì khán giả VN cũng đã được thưởng thức một tác phẩm điện ảnh mong đợi bấy lâu - bộ phim Cánh đồng bất tận, dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư (kịch bản: Ngụy Ngữ, đạo diễn: Nguyễn Phan Quang Bình, Công ty BHD và Hãng phim Việt sản xuất, chính thức công chiếu từ ngày 22-10).
 
Khán giả đổ xô đi xem trong ngày công chiếu đầu tiên tại TPHCM chứng tỏ bộ phim đã thực sự tạo được sức hút mãnh liệt nhờ tiếng vang lớn của tác phẩm văn học trước đó. Có thể nói những gì thể hiện trên màn ảnh trong suốt 100 phút phim đã thật sự làm hài lòng người hâm mộ.
 
Yêu thương trong tận cùng nỗi đau
 
Khán giả đến với Cánh đồng bất tận không mong chờ một khám phá mới lạ về nội dung mà kỳ vọng một hành trình đủ chạm vào tận cùng của sự rung động, khi các nhân vật đi trong thù hận, đau đớn nhưng cũng đầy yêu thương - 3 cung bậc cảm xúc đan xen nhau, là cội nguồn cho tất cả những bi kịch dồn nén trên cánh đồng bất tận.
 
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã làm được điều này khi vượt qua được cái bóng quá lớn của tác phẩm văn học để kể một câu chuyện bằng hình ảnh sâu lắng và đầy ám ảnh.
 
Út Võ (Dustin Nguyễn) vì hận người vợ bội bạc mà trở nên hằn học với đời. Cô gái điếm Sương (Hải Yến) vì nghịch cảnh mà phải sống trong sự chà đạp, rẻ khinh. Nương (Lan Ngọc) và Điền (Thanh Hòa) - hai mầm xanh lớn lên trong bão dông của sự thù hận mà người lớn đã gây ra, những mong ước dù nhỏ nhoi nhất của họ cứ bị đè bẹp bởi lòng thù hận và một cuộc sống lang bạt không chốn dừng chân.
 
Hành trình bất tận của các nhân vật gần như không có nụ cười. Chỉ có sắc mặt ẩn giấu ngọn lửa hận thù và hành động thô lỗ, cộc cằn của ông Võ; đôi mắt rưng rưng kìm nén nỗi đau của Nương; ánh nhìn xa vắng, cái nhếch môi cay đắng của Sương cùng khuôn mặt lúc nào cũng hằn lên nỗi khao khát, thương nhớ và chịu đựng của Điền.
 
Nỗi đau chồng chéo nỗi đau. Chỉ có tình yêu thương, sự chia sẻ bao dung giữa cô gái điếm bị chà đạp và hai tâm hồn trẻ bơ vơ là hạnh phúc duy nhất, là cái đẹp cao cả nhất vượt lên trên cả nỗi đau.
 
Phim đã thật sự để lại nỗi ám ảnh với nỗi đau của những mảnh đời trôi nổi, như những mảnh vỡ của số phận dạt vào nhau, nương tựa nhau mà sống. Nhưng rồi những cuộc đời rạn vỡ ấy lại thêm một lần nữa tứ tán trước những cơn sóng cuộc đời: Sương chọn sự ra đi, dáng liêu xiêu mải miết trên cánh đồng mênh mông không biết điểm dừng.
 
Điền cũng mất hút sau khi trút hết sự thù hận bằng việc dìm chết kẻ bất nhân. Út Võ quay đầu lại với tình yêu thương nhưng mãi mãi không thể xóa được vết hằn đau đớn trong cuộc đời. Chỉ duy nhất Nương - người luôn đứng giữa tâm bão - tìm được một lối về sau những dông tố, mơ về một cánh đồng bất tận, ở đó đứa trẻ sinh ra sẽ được đến trường, không còn sống như mẹ chúng đã từng sống.
 
Có thể nói không phải Út Võ, Sương hay Điền mà chính Nương mới là linh hồn dẫn dắt câu chuyện. Nương vừa là người xâu chuỗi lại hành trình từ quá khứ đến hiện tại vừa là hình ảnh của một sợi dây gắn kết giữa yêu thương và thù hận, là hạt mầm hy vọng cho lòng bao dung, chia sẻ giữa những mất mát, đớn đau. 
 
Chính Nương đánh thức được yêu thương trong trái tim đã chai sạn của Út Võ. Nương cũng là biểu tượng cho một sức chịu đựng mãnh liệt, can trường trước những dông bão của cuộc đời... Gương mặt trẻ Lan Ngọc với nét diễn tự nhiên, chân thực và xúc động đã hoàn thành thật xuất sắc vai Nương. Cô đã cho nhân vật đau bằng ánh mắt, bằng gương mặt và bằng cả sự tê tái lặng câm.
 
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chia sẻ: “Tôi muốn dùng những hình ảnh đẹp, lãng mạn để kể câu chuyện góc cạnh này”. Đúng như vậy, đạo diễn đã cho hành trình của các nhân vật trải dài trên những khúc sông, những cánh đồng đẹp đến nao lòng. Cái mênh mông không hạn định của không gian đó cũng chính là ẩn dụ cho những đau đớn và cả yêu thương bất tận.
 
Hiếm hoi lắm điện ảnh Việt mới có được một bộ phim bối cảnh sông nước Nam Bộ đẹp, chân thật và chạm vào nỗi đau sâu thẳm của con người khắc khoải đến như vậy. m nhạc trong phim cũng thật sự phát huy thế mạnh, chỉ tiếc là còn thiếu chất Nam Bộ.
 
Giá như...
 
Phim đã có một điểm tựa tuyệt vời từ cái nền của tác phẩm văn học. Thử thách của các nhà làm phim là phải vượt qua được ấn tượng khá sâu đậm của văn học. Nhưng có thể thấy đạo diễn đã bám sát văn học để chuyển tải câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh một cách mượt mà, lắng đọng và đủ sức để lại dấu ấn riêng. 
 
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu hơn có thể thấy nhân vật Út Võ còn mờ nhạt ở nửa đầu của bộ phim. Cái độc ác, hằn học muốn “trả thù tất cả đàn bà” của ông Út Võ vẫn chưa được thể hiện đầy đặn.
 
Ngay cả thái độ đối với cô gái điếm Sương của nhân vật này cũng thiếu sự dằn vặt cay đắng, ít ám ảnh hơn những gì đã thể hiện trong tác phẩm văn học. Cũng vì vậy mà người xem chưa cảm nhận được sự đau đớn đến tê tái nhưng cũng là sức chịu đựng mãnh liệt của Sương.
 
Khắt khe thêm chút nữa, có thể thấy phim vẫn còn những chi tiết thừa hoặc không đáng có. Như cảnh cuối phim, khi Nương bị cưỡng hiếp cố sức lết về phía cha và ngất lịm đi, hình ảnh Út Võ run run ôm con gái khiến người xem thắt tim bao nhiêu thì ngay sau đó, ông đứng lên kêu “trời ơi” lại tạo cảm giác lạc lõng bấy nhiêu.
 
Hình ảnh chân thực của nỗi đau lại được giải quyết bằng “tiếng kêu ước lệ” thường thấy trên sân khấu. Cả cây đàn cò Út Võ đập gãy trong lúc giận dữ vì vợ bỏ nhà ra đi cũng không được lý giải. Và có vẻ như chưa thuyết phục lắm khi chỉ 1 - 2 phân cảnh giản đơn - chỉ vì một tấm vải lụa trắng khoác lên người khá vội vàng ở bến sông và cảnh vét những lon gạo cuối cùng trong hũ gạo gia đình - đã có thể dễ dàng đẩy vợ Út Võ ngoại tình, đi theo người thương lái bỏ chồng con...
 
Gây tranh cãi nhiều nhất là đoạn kết khi đạo diễn để cho nhân vật Nương mang thai, bình thản đi qua đồng lúa xanh với nụ cười nhẹ nhàng tin vào sự yên bình của ngày mai. Chi tiết này trong truyện, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn để ngỏ, với câu nói của Nương: “Là trẻ con, đôi khi nên biết tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”.
 
Mở một lối về tươi sáng, tạo một kết thúc có hậu có thể xoa dịu được một khoảng đời quá đen tối, đớn đau cho nhân vật nhưng lại vô tình khiến cho mạch cảm xúc của người xem như bị hẫng một nhịp.
 
Giá như phim kết thúc sớm hơn một cảnh, chỉ cho nhân vật chạm đến đỉnh điểm của nỗi đớn đau rồi buông lơi, để khán giả cùng chơi vơi rồi họ sẽ tự tìm cho nhân vật những lối về...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.