Quy hoạch đô thị phải công khai, minh bạch

22/10/2008 23:22 GMT+7

Quy định về chiều cao mà ghi là con đường này cao bình quân 3,5m, con đường kia bình quân 3m là không được. Bình quân có nghĩa là anh có thể "chạy" để được cấp 10 tầng, không "chạy" thì chỉ được cấp 2 tầng. Quy hoạch thì cần ghi rõ thửa này được xây bao nhiêu mét, thửa kia bao nhiêu mét để không có chuyện chạy chọt" - Phó trưởng đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) TP.HCM Trần Du Lịch nói trong phiên thảo luận tổ về dự Luật quy hoạch đô thị chiều qua.

Không thể điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Phát biểu của ông Trần Du Lịch mô tả một thực tế đang diễn ra và nó khiến các ĐBQH không thực sự hài lòng khi mà dự luật chưa đặt vấn đề giải quyết thỏa đáng. Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định, quy hoạch đô thị là phải nói rõ vùng này được xây dựng mật độ bao nhiêu, chiều cao bao nhiêu và cần phải công khai, minh bạch. "Công khai quy hoạch" cũng là đòi hỏi mà Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Ngô Anh Dũng nhấn mạnh khi đề cập đến những vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch hiện nay.

 

ĐB Đỗ Hồng Sơn (Hà Nội) đang phát biểu - Ảnh: L.Q.P

Theo ông Trần Du Lịch: "Lập quy hoạch là các anh không được ngồi một chỗ rồi vẽ ra, phải điều tra xem có bao nhiêu dân, họ làm gì, tác động của quy hoạch đến họ ra sao". Ông Lịch tỏ ra chưa hài lòng khi dự luật chưa làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch với quyền lợi của người dân: "Luật mới chỉ đề cập đến mảng thủ tục, quy trình lập quy hoạch đô thị mà chưa đề cập đến việc tổ chức thực hiện. Luật cũng chưa làm rõ mối quan hệ luật này với Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…". ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng nói rằng, cần có Luật Quy hoạch sử dụng đất trước khi có Luật Quy hoạch để tránh tình trạng các luật "đá nhau" và đảm bảo tính khả thi cao. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH cũng đề nghị: "Cần có quy định xử lý quan hệ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất sao cho tránh trùng lắp về quy hoạch, vì nội dung của quy hoạch đô thị đã bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất trong đô thị".

Chi phối đời sống của gần 1/3 dân số nhưng dự luật này, theo ĐB Trần Đông A (TP.HCM) là "không giải quyết được các vướng mắc thực tiễn". Bác sĩ Trần Đông A nói: "Luật không hề nói đến không gian sống; tức là chưa đưa ra các nguyên tắc chẳng hạn có tiếp tục bố trí nhà máy trong khu dân cư hay không? Có xây dựng trung tâm thương mại xen lẫn trong khu dân cư hay không?".

Sự không chi tiết trong quy định về tổ chức thực hiện quy hoạch cũng gặp sự phản ứng từ các ĐBQH Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói rằng: "Nếu chúng ta thực hiện quy hoạch trên sa mạc thì mới có thể làm được như luật quy định, trong khi điều kiện của chúng ta là quy hoạch khi đô thị đã bị băm nát". Tư duy "quy hoạch nhiệm kỳ", tức là màu sắc quy hoạch phụ thuộc vào ý chí người lãnh đạo cũng bị các ĐBQH phê phán. Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, ĐB Trần Du Lịch cũng dứt khoát cho rằng phải có quy định chặt chẽ để chấm dứt tình trạng điều chỉnh "tùy tiện", "thay đổi xoành xoạch mỗi khi ông này, ông kia lên".

Vì tính chất tác động xã hội mạnh mẽ, ông Nguyễn Ngọc Đào kiến nghị áp dụng quy trình trưng cầu dân ý khi xây dựng dự luật này.

Có nên tái lập Kiến trúc sư trưởng?

Vấn đề gây tranh cãi nhất trong phiên thảo luận hôm qua chính là việc nên hay không nên có thiết chế "Kiến trúc sư trưởng" cho đô thị và vai trò của thiết chế này đến đâu. Trong dự thảo, Chính phủ đề nghị Kiến trúc sư trưởng cần được thiết lập tại các thành phố trực thuộc trung ương và các thành phố có tính chất đặc thù về văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Ủy ban Kinh tế của QH trong báo cáo thẩm tra cũng đồng ý với đề xuất này vì cho rằng, đây sẽ là người có nhiệm vụ tham mưu, định hướng về quy hoạch đô thị, bảo đảm tính thống nhất của quy hoạch đô thị về không gian, kiến trúc, hệ thống hạ tầng… "qua đó hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch đô thị khi thay đổi người lãnh đạo".

Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị bổ sung vào dự án Luật quy định cụ thể việc tổ chức cá nhân nước ngoài được hành nghề lập quy hoạch đô thị tại Việt Nam để có thể tận dụng được kinh nghiệm và trình độ lập quy hoạch đô thị tiên tiến trên thế giới.

Đã từng trải nghiệm với hơn 10 năm tồn tại chức danh Kiến trúc sư trưởng thành phố, đa số các ĐB của Đoàn ĐBQH Hà Nội không đồng ý việc tái lập chức danh này. ĐB Nguyễn Viết Thịnh nói: "Việc gì có Sở Xây dựng rồi lại có thêm Hội đồng quy hoạch kiến trúc, Kiến trúc sư trưởng; nhiều cấp quá, lắm văn bản thì khó làm". Ông Thịnh đề nghị: "Mỗi khi làm quy hoạch, ta nên tham khảo quần chúng, chỗ nào dân có ý kiến cũng đều dễ làm cả". Ông Nguyễn Ngọc Đào đồng ý quan điểm này và còn gay gắt hơn khi đề nghị không nên lập Kiến trúc sư trưởng.

ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) thì cho rằng Kiến trúc sư trưởng hay Hội đồng kiến trúc "đều không quan trọng mà quan trọng là cần đặt con người đó đúng chỗ". Ông Dũng cho rằng, nếu có các cơ quan này thì cần nhất phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan đến đâu. "Không khéo mỗi khi làm nhà, người ta lại phải gõ rất nhiều cửa" - ĐB Dũng lưu ý.

An Nguyên - Xuân Toàn - L.Q.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.